Hiên ngang đạp sóng vươn khơi
(Cadn.com.vn) - Cùng với việc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng Hải quân Trung Quốc ngăn cản hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng bất chấp những điều đó, ngư dân vẫn ra khơi bám biển.
Vừa trở về sau chuyến biển ở Hoàng Sa, anh Hồ Văn Trường, thuyền trưởng tàu ĐNa -90082 đang lo chuẩn bị cho một chuyến biển mới. Thế nhưng, những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa không khỏi khiến người ngư dân dày dạn kinh nghiệm này lo lắng. Nghe thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và dùng tàu, vòi rồng tấn công lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, lòng anh Trường quặn thắt. "Chuyến biển vừa rồi, tôi thấy nhiều tàu của Trung Quốc lắm. Họ xua đuổi ngư dân Việt Nam trên chính ngư trường truyền thống Hoàng Sa", anh Trường bức xúc.
Dù biết thông tin về chuyện Trung Quốc quấy phá trên vùng biển Hoàng Sa nhưng ngư dân vẫn ra khơi.Ảnh: CÔNG KHANH |
Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan án ngữ ngay hướng ra vùng biển Hoàng Sa của ngư dân các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, cùng với việc đưa lực lượng hùng hậu tàu hải giám và hải quân đến đây, càng khiến cho ngư dân rất lo ngại sẽ bị ngăn cản và tấn công. Anh Trường kể: "Sợ nhất là họ dùng vòi rồng tấn công. Cách đây chưa lâu, lúc đó Trung Quốc cũng đơn phương đưa ra lệnh cấm biển, khi tàu cá ĐNa - 90051 của tôi chạy vào gần đảo Tri Tôn thì bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào tàu, may lúc đó mình bẻ lái nhanh nên không bị thiệt hại gì. Thời điểm này, khi hành nghề trên biển ngư dân rất cảnh giác, có chuyện gì đều thông báo cho nhau biết".
Những điều anh Trường kể không phải là trường hợp đơn lẻ. Còn nhớ vào cơn bão số 6 (8-2012), khi tàu anh Lê Văn Chiến (P. Xuân Hà , Q. Thanh Khê) chạy cách đảo Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa khoảng 20 hải lý, ICOM hiện chỉ số 15040/ Bắc - 112010/ Đông), thì bất ngờ 2 tàu chiến Trung Quốc áp sát, sau đó một loạt đạn pháo khói nổ bôm bốp trên boong tàu anh Chiến. Tiếp đến họ dùng vòi rồng phun nước thẳng vào tàu, khiến con tàu 550 mã lực của anh Chiến ngả nghiêng. May mà tàu anh Chiến chạy thoát được. Kể điều đó để thấy rằng, mỗi lần Trung Quốc gây căng thẳng trên biển, hoạt động đánh bắt của ngư dân đều gặp khó khăn, nhưng mỗi lần như thế, quyết tâm vươn khơi của ngư dân lại càng mạnh mẽ, kiên cường. "Kể vậy thôi, chứ sau khi chuẩn bị xong mình sẽ tiếp tục đưa tàu ra khơi", anh Trường khẳng định.
Dù biết ra khơi lúc này gặp nhiều trở ngại, nhưng ngư dân Hồ Văn Trường vẫn quyết tâm bám biển. |
Với một đội tàu đang đánh bắt trên biển, nên ngư dân lão làng Cao Văn Minh (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) thường xuyên gọi hỏi thông tin từ biển. Ông kể, những ngày gần đây khi ngư dân ra đến vùng biển từ 111 đến 115 độ kinh đông đều gặp tàu Hải quân Trung Quốc nên nhiều tàu không thể đánh bắt được. "Tình hình lúc này rất khó khăn, bởi ngư dân gặp sự ngăn cản của tàu Trung Quốc, với lại giá cá hiện giờ rất thấp, nhiều chuyến biển không đủ phí tổn", ông Minh nói. Khó là khó vậy, nhưng ngư dân Cao Văn Minh vẫn không hề lung lay ý chí vươn khơi, bám biển.
Gắn bó với biển, quen từng bãi rạn, hòn đảo ở Hoàng Sa, nên biển là cuộc sống, là cuộc đời của ông Minh. Ông cho hay, dù biết thông tin Trung Quốc đưa ra quy định kiểm soát vô lý khu vực đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, nhưng các ngư dân vẫn động viên nhau vươn khơi. "Hành động của Trung Quốc thật ngang ngược và vô lý, ngư dân chúng tôi sẽ không lùi bước trước những quy định đó của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tàu ra khơi, không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn góp sức nhỏ bé của mình khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước", ông Minh quả quyết.
Những ngư dân khác mà chúng tôi gặp, khi được hỏi vẫn nói như thế. Dù biết có khó khăn nhưng Hoàng Sa là ngư trường của ngư dân Việt Nam bao đời nay nên vẫn phải ra đó đánh bắt. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay, hầu hết ngư dân tại Đà Nẵng đều nắm bắt được thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng nhiều tàu vào xâm phạm trái phép chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng tình hình trên biển Đông, nhưng hoạt động đánh bắt của các tàu thuyền Đà Nẵng vẫn diễn ra bình thường.
Theo báo cáo từ các địa phương có số lượng tàu cá lớn là Sơn Trà và Thanh Khê, hiện cộng đồng ngư dân vẫn liên tục ra khơi đánh bắt ở các ngư trường truyền thống. Ngư dân Trần Văn Mười (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) là chủ của một trong những con tàu công suất lớn của Đà Nẵng nói: "Anh em vẫn đánh bắt bình thường mà. Chỗ tọa độ nớ (vị trí Trung Quốc kéo giàn khoan trái phép - P.V) thì có cảnh sát biển, kiểm ngư và cơ quan chức năng nước mình lo. Còn cộng đồng ngư dân vẫn bám ngư trường truyền thống. Biển của mình thì mình đánh bắt, có chi mô mà phải sợ", anh Mười quyết tâm.
Hồ Văn Trường, Cao Văn Minh, Lê Văn Chiến... và rất nhiều ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi đánh bắt. Dù ở đó có khó khăn, nóng bỏng thế nào đi chăng nữa những chiếc tàu vẫn cắm cờ đỏ sao vàng, in bóng hình trên quần biển, đảo Hoàng Sa.
Hoàng Anh
Nhân chứng Hoàng Sa lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Ông Phạm Xô (P. Bình Hiên - Hải Châu, từng có thời gian làm việc ở Hoàng Sa). Tôi rất bức xúc và kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Trung Quốc không có quyền gì ở vùng biển Hoàng Sa, bởi chính họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Điều đó cả thế giới đều biết. Chúng ta cần phải kiên trì đấu tranh, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè thế giới, phản đối hành động phi lý của Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Cúc - từng sống ở Hoàng Sa từ năm 1973 đến 1974. Hành động lần này của Trung Quốc là quá trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Điều đó làm tổn hại đến tình cảm của nhân dân hai nước, tổn hại đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc khai thác, quản lý đối với Hoàng Sa được thực hiện liên tục qua nhiều thế hệ người Việt Nam mà không hề có tranh chấp. Việc Trung Quốc vào sâu trong vùng biển Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của nước ta và không tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. H.A-C.K |