Hiệp sĩ đường tàu

Thứ bảy, 06/05/2017 10:52

(Cadn.com.vn) - Giữa cái nắng gắt trưa hè tháng 5, chúng tôi tìm đến kiệt số 03 ven đường tàu, thuộc tổ 63, đường Nguyễn Khuyến, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hỏi thăm ông Lợi "ve chai". Một người phụ nữ trung niên nghe tôi hỏi đến ông Lợi vội bỏ dở công việc nhà đang làm, sẵn sàng dẫn tôi đến tận nơi ông Lợi đang "làm việc" ở ven đường ray, tôi chưa kịp cảm ơn thì bà vội vã rời đi và không quên nói với lại "Ông Lợi tốt lắm, cứu giúp không biết bao nhiêu mạng người suýt gặp nạn ở đường ray này rồi"… đó là công việc và cũng là nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của ông lão nghèo. Ngày ngày, ông Đặng Văn Lợi (1956, trú P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) vẫn kiên nhẫn bám trụ bên đường tàu "tử thần", đoạn đi qua con hẻm dân sinh để bảo vệ tính mạng người dân và sinh viên mỗi khi có tàu...

Cảnh đời khắc khổ, bi thương cứ đeo bám cuộc sống ông Lợi, người đàn ông ốm yếu, gầy gò ấy sống côi cút một mình bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu thế nhưng tấm lòng lương thiện luôn tỏa sáng trong ông. Thầm lặng và cống hiến, hơn 10 năm nay ông lão "tình nguyện đứng gác đường tàu", nhờ việc làm nghĩa hiệp của ông mà nhiều người đã được cứu khỏi "lưỡi hái tử thần".

Ông Lợi luôn có mặt kịp thời tại đường ray những lúc tàu qua để nhắc nhở
những người qua đường, đặc biệt là các em sinh viên.

Ngoài việc đi nhặt ve chai kiếm sống, hàng ngày ông Lợi vẫn ngồi một góc nơi con hẻm bên đường ray hoặc lòng vòng khu vực xung quanh đó để làm công việc mà nhiều người cho là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" là làm chắn tàu bằng miệng cứu người. Giữa nhà số 578-580 đường Tôn Đức Thắng, có một con hẻm nhỏ thông ra kiệt 03, đường Nguyễn Khuyến, đoạn đường này là nỗi ám ảnh về tai nạn do tàu hỏa gây ra cho người dân và sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thuê trọ tại đây. Sở dĩ đoạn đường này trước đây hay xảy ra tai nạn là do con kiệt quá nhỏ, thiếu tầm nhìn lại chạy thẳng từ khu vực đông dân cư ra đường Tôn Đức Thắng, trong khi không có bất cứ một thứ tín hiệu nào thông báo tàu chuẩn bị tới nên chỉ cần bất cẩn một chút là xảy ra tai nạn. Được biết, để giảm thiểu tình trạng tai nạn tại đây, năm 2002, chính quyền TP Đà Nẵng cho xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường sắt thông ra đường Nguyễn Khuyến, nơi có trạm gác chắn Hòa Mỹ cách kiệt tử thần tầm 500m. Một gác chắn kiên cố đã được dựng lên ở ngay đầu kiệt để cấm người và phương tiện không được lưu thông qua điểm đen này. Thế nhưng để ra đường Tôn Đức Thắng cho nhanh nên nhiều người dân cũng như các sinh viên thuê trọ ở đây vẫn vác cả xe đạp băng qua đường tàu mặc cho những nguy hiểm mình có thể gặp phải.

 Là người dân địa phương, ông Đặng Văn Lợi thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn tàu hỏa thương tâm, chính vì vậy lương tâm đã thôi thúc ông phải làm một việc gì đó để cứu người, và không nhớ tự bao giờ ông tự làm cái chuông báo động mỗi khi có tàu đến để người băng qua đường ray cẩn thận. Ở cái tuổi 61, nhưng ông Lợi chưa một ngày được ngơi nghỉ, vì cuộc sống mưu sinh, vì gánh nặng cơm áo. Ngày qua ngày, dù trời mưa hay nắng, người đi đường vẫn thường bắt gặp một ông lão đứng cạnh đường sắt hô hoán "tàu, tàu, tàu, có tàu tới hỡi...", thông báo mọi người chú ý quan sát khi đi băng qua đường ray và làm "gác chắn" báo hiệu có tàu sắp đến. Khi được hỏi tại sao ông lại thích làm công việc không lương này mà không vào nhà nghỉ ngơi cho khỏe, ông Lợi chân thành chia sẻ: "Nhà tôi ở gần đây, tôi đã chứng kiến nhiều người chết oan vì không chú ý tàu khi đi ngang qua đây. Tội lắm. Vì vậy tôi ra đây để cảnh báo giúp người qua đường... Như hôm qua đó, có một bà cụ qua đường ray vừa lúc tàu đang tới, thấy vậy tôi liền lao ra hô to, kéo bà vô. Gia đình họ mừng lắm, đến cảm ơn tôi rối rít... cứu được người ta tôi cũng vui lắm chớ...". Dường như đã quen thuộc với lịch trình mỗi chuyến tàu chạy ngang qua đây, ông Lợi luôn có mặt kịp thời tại đoạn đường  này để nhắc nhở, cảnh báo những người hay qua lại.

Hằng ngày có hàng trăm lượt người dân và sinh viên băng qua đoạn đường sắt này.

Người dân ở khu vực này luôn dành sự yêu quý đặc biệt cho người gác chắn không lương tận tụy này. Bà Phan Thị Diệu Châu (trú K03, tổ 63, đường Nguyễn Khuyến) chia sẻ: "Ông Lợi nghèo khổ, nhưng những việc ông làm thì vô cùng giàu tình người, khó ai có thể làm được như ông ấy. Chúng tôi ở đây thường xuyên chứng kiến cảnh ông đã cứu giúp không biết bao nhiêu người thoát được cái chết ở đoạn đường ray này. Đặc biệt là các em sinh viên, nhiều đứa ở xa đến trọ học, lơ ngơ không biết gì, cứ vậy mà cắm đầu cắm cổ băng qua đường ray mà không chú ý tàu, nguy hiểm lắm...". Không chỉ tự nguyện làm gác chắn, ông còn thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khu vực quanh đường sắt. Chiều chiều ông lão lại tự nguyện ra quét dọn rác mà không hề kêu than.  Nhờ có ông, đoạn đường trở nên sạch sẽ hơn hẳn.

Chia sẻ về cuộc đời của mình với chúng tôi, ông Lợi cười hiền, đôi mắt toát lên một nỗi buồn khó tả. Ông sống một mình, không vợ, con, người thân ở đây chỉ còn một đứa cháu gọi bằng cậu. Hàng ngày, ông đi dọc theo tuyến đường sắt và các khu dân cư lân cận để nhặt ve chai kiếm sống, cứ đến giờ tàu chạy là ông vội quay về "gác chắn". Có những hôm ban đêm không ngủ được ông cũng ra đây ngồi gác. Ông Lợi kể: "Ngày tết tàu chạy thì tôi cũng gác, nhỡ ai không để ý mà bị tàu đụng thì tội...". Được biết, tất cả giấy tờ tùy thân của ông Lợi đều bị cháy trong một vụ hỏa hoạn vì vậy ông không được hưởng bất kì một khoản trợ cấp xã hội nào. Mỗi ngày ông nhặt chai bán được vài ba chục ngàn đồng, số tiền này ông dùng để trang trải cuộc sống.

Với những cống hiến của mình, năm 2012, ông Đặng Văn Lợi được trao danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" vì "những nỗ lực đóng góp tích cực của ông trong vấn đề an toàn giao thông trong nước thông qua chương trình Total Hiệp sĩ giao thông phát động từ năm 2011 đến năm 2012". Năm 2014 ông được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu vì "đã có thành tích trong việc tự nguyện canh gác, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn". Ông Lợi vô cùng trân trọng và cất giữ cẩn thận những tấm giấy khen đó. Dẫu có vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng mang đến sự an toàn cho mọi người chính là niềm hạnh phúc của "Hiệp sĩ đường tàu" Đặng Văn Lợi.

Thanh Hoa