Hiệu quả “Năm Doanh nghiệp” tới đâu?

Thứ bảy, 02/08/2014 08:42

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-8, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) của TP đã cùng ngồi lại để nhìn nhận, mổ xẻ những mặt được, chưa được sau hơn nửa năm thực hiện chủ trương lớn: Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014 (NDNĐN2014).

Xin được cho vay

Đà Nẵng có khoảng 14 ngàn DN, trong đó 96% quy mô nhỏ và siêu nhỏ, luôn trong tình trạng “đói” vốn sản xuất. Xác định đây chính là điểm khó khăn chủ yếu của DN nên ngay khi triển khai Năm DN 2014, TP Đà Nẵng đã chi ra 120 tỷ đồng lập Quỹ Đầu tư & Phát triển. Quỹ này mục đích hỗ trợ DN vay với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, TP cũng lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV nhằm đứng ra bảo lãnh cho DN có nhu cầu vay vốn ở các ngân hàng mà không đủ điều kiện thế chấp. Ông Đoàn Ngọc Vui - Phó giám đốc quản lý 2 Quỹ trên cho biết, ngay khi có chủ trương của TP, Quỹ đã chủ động tìm đến các DN để giới thiệu hồ sơ, điều kiện để “xin” được DN vay.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện NDNĐN2014, đến nay mới chỉ có 10 DN vay với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Hiện Quỹ đang làm thủ tục cho 5 DN vay 6 tỷ đồng. Về Quỹ bảo lãnh, ông Vui cho biết đã đứng ra bảo lãnh cho 3 DN vay tổng vốn 3,5 tỷ đồng, tuy nhiên các chi nhánh ngân hàng TMCP chưa giải ngân, đang chờ ý kiến Hội sở.

Ông Vui đề xuất TP nên yêu cầu NHNN có ý kiến với các ngân hàng CPTM để chấp nhận chứng thư bảo lãnh của Quỹ để giải ngân cho DN vay. Mặt khác, với Quỹ Đầu tư & Phát triển TP ủy thác trong 12 tháng nhưng DN có nhu cầu vay dài hơi hơn để xản xuất-xuất khẩu, vì thế TP nên mở rộng thời gian, đồng thời tăng mức cho vay từ 1,5 tỷ lên 3 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực TP Võ Duy Khương nói, Lãnh đạo Quỹ phải xem xét lại, vì sao 6 tháng rồi mà giải ngân thấp vậy. Trước hết lãnh đạo Quỹ phải năng động chứ không phải đề xuất TP đủ thứ. DN thì rất cần vốn, Quỹ tới 120 tỷ đồng vậy mà 6 tháng chỉ cho vay được 20 tỷ đồng còn 100 tỷ đồng đem gửi ngân hàng.

Ông Khương nói, cán bộ Quỹ nghiệp vụ yếu mà cứ đi thẩm định mãi, thủ tục thì rườm rà, DN họ không còn tài sản thế chấp họ mới tìm tới mình, vậy mà cứ yêu cầu thủ tục như ngân hàng. Nếu còn thế chấp được họ đã vay ngân hàng rồi.

Quỹ phải năng động, thấy DN phát triển tốt, phương án khả thi, cứ mạnh dạn cho vay tín chấp. TP còn không sợ vậy mà lãnh đạo Quỹ cứ nói đến tín chấp là sợ lắm, sợ mất chức. Làm việc mà cứ lo thủ thân còn DN thì sống chết mặc bay. Ông Khương nhấn mạnh, không ai quy định ủy thác nguồn vốn Quỹ 12 tháng, năm nay làm chưa xong thì kéo dài qua năm sau.

Sản xuất ở DN cơ khí Hà Giang - Phước Tường được TP hỗ trợ đổi mới công nghệ.

“Lính ông làm quan hết rồi”

Cải cách thủ tục hành chính liên quan tới DN nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN là mục tiêu quan trọng khi tiến hành NDNĐN2014. Cụ thể, các cơ quan hành chính TP đã nỗ lực minh bạch hóa đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho DN thông qua việc ứng dụng CNTT.

Tổng cộng có 147 TTHC liên quan tới DN được triển khai nhanh hơn qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN hơn 28 ngàn ngày làm việc. Nhiều DN cho rằng cải cách TTHC tuy có những điểm tích cực song tính hợp lý hơn vẫn phải xem lại. Ông Hà Giang - Chủ tịch Hiệp hội DN Cẩm Lệ nói, các thủ tục đầu tư hoặc các vấn đề liên quan tới DN cần quy về một mối thay vì các Sở cứ đẩy qua nhau, rất tốn thời gian.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng sự minh bạch trong các thủ tục, chính sách, quy hoạch... với các DN cần một cuộc chơi sòng phẳng hơn. Nhiều DN cần gì cứ chạy thẳng lên TP, vậy cần các Hiệp hội làm gì. Mặt khác, các DN cần được tham gia từ khâu quy hoạch chính sách, xây dựng, hạ tầng ngay từ đầu với các vấn đề liên quan tới DN.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương nói, Chính phủ vừa chỉ ra các ngành gây phiền hà về TTHC cần phải cải cách như thuế, tài chính, hải quan, đất đai, xây dựng... Vận vào TP mình y như vậy. Ông Khương kể, vài hôm trước nhận được thư của ông Chủ tịch Suzuki tại Việt Nam, đại khái người ta muốn mở một gian trưng bày tại Q.Ngũ Hành Sơn, đã làm thủ tục xong với đại diện đại lý, nhưng đến khâu cần đất để xây dựng thì bị dừng lại suốt từ đầu năm tới nay.

Trong thư, ông Chủ tịch Suzuki bảo không tin với một TP cầu thị thu hút đầu tư như Đà Nẵng lại có chuyện gây khó dễ mà cho rằng cái khó dễ chính là đối tác làm đại lý tại đây. Và ông Chủ tịch Suzuki nói một câu mà theo ông Khương rất đau: “Tôi đã ra tối hậu thư cho đại lý một tháng nữa phải làm xong”.

Khi ông Khương hỏi lại ngành chức năng chỗ thì bảo chưa làm xong hạ tầng, chỗ lại bảo vướng thủ tục chờ đấu thầu... Ông Khương cũng chia sẻ thêm một chuyện khác của lãnh đạo một Cty nói với ông: “Ông là Trưởng ban chỉ đạo năm doanh nghiệp, nhưng lính ông từ Văn phòng ủy ban đến các sở làm quan hết rồi. Chỉ là chuyên viên thôi mà xuống DN tôi đã phải tiếp đón y như quan”. Ông Khương chỉ ra rằng, cải cách hành chính không chỉ là hồ sơ, thủ tục, mà cái chính phải là tinh thần thái độ làm việc của công chức với người dân, DN.

Bên cạnh các vấn đề then chốt như nguồn vốn sản xuất, thủ tục hành chính, nhiều DN cũng quan tâm đến mặt bằng sản xuất, nhà ở cho công nhân, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường... mong TP cần giải quyết rốt ráo. Về đề xuất của 230 DN trong khu dân cư ở Cẩm Lệ mong muốn vào KCN, đại diện Sở Xây dựng cho biết hiện đã quy hoạch hơn 4ha để xây 2 KCN cho các DN vừa và nhỏ này.

Về vấn đề nhà ở cho công nhân để ổn định môi trường làm việc, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương cho biết với DN đã có đất, cứ làm đề xuất, TP sẽ xem xét hỗ trợ nguồn vốn xây dựng. Sắp tới TP cũng bán lại số lượng lớn nhà ở xã hội, qua đó sẽ có hướng tạo điều kiện để công nhân tiếp cận.

Khách sạn phát triển “nóng”

Hiện nay thực trạng phát triển ồ ạt khách sạn 1-2 sao ở TP Đà Nẵng quá “nóng” vì thế Hiệp hội Du lịch đề nghị TP cần có giải pháp để cảnh báo, tránh thực trạng khủng hoảng thừa. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Chí Cường cho biết tình trạng phát triển “nóng” KS loại này (10-20 phòng/1 khách sạn) do các chủ đất có diện tích vừa phải, họ nhận thấy đầu tư vào du lịch có triển vọng nên ồ ạt xây dựng.

Hiện sở đang rà soát lại toàn các khách sạn 1-2 sao để có số lượng cụ thể, kịp thời có định hướng tránh phát triển quá “nóng”. Riêng Khách sạn  3-5 sao ở Đà Nẵng hiện có 6-7 ngàn phòng, vẫn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu phát triển ngành du lịch TP.

Hải Hậu