Hiệu quả ngược?

Thứ hai, 08/09/2014 07:25

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Sierra Leone sẽ chính thức áp dụng 3 ngày "đóng cửa hoàn toàn" đất nước, bắt đầu vào ngày 19-9 tới, nhằm kiềm chế dịch bệnh Ebola, vốn cướp đi sinh mạng gần 500 người ở nước này.

Theo đó, chính phủ sẽ yêu cầu các công dân không rời khỏi khu vực xung quanh nhà trong 3 ngày này. Biện pháp này cũng sẽ cấm các phương tiện giao thông và khách bộ hành đi lại nếu không có việc gì cần thiết. Theo tuyên bố của chính phủ quốc gia Tây Phi này, lệnh đóng cửa sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt và không có ngoại lệ.

Tuyên bố này cho thấy, đây là một trong những biện pháp cấp bách của chính phủ Tổng thống Ernest Bai Koroma trong nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm mới và giúp nhân viên y tế theo dõi những người bị bệnh. Tuy nhiên, người ta cho rằng, biện pháp này xem ra sẽ phản tác dụng và chỉ càng chứng tỏ rõ ràng, nước này đang rơi vào thế bế tắc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu này. 

Đề xuất "bế quan tỏa cảng" toàn bộ Sierra Leone trong thời điểm này sẽ không thể giúp nước này kiểm soát ổ dịch Ebola mà càng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường: dịch bệnh lây lan nhanh hơn nữa. Tổ chức y tế từ thiện Medecins Sans Frontieres (MSF) cũng nhận định như thế.

Theo họ, các kinh nghiệm từ xưa đến nay cho thấy, đóng cửa biên giới và cấm đi lại như thế này không thể giúp kiểm soát Ebola bởi những biện pháp này chỉ khiến mọi người mất lòng tin vào chính quyền mà thôi. Trên thực tế cho thấy, những đề xuất đóng cửa như thế này chỉ càng dẫn đến việc che giấu các trường hợp mắc bệnh, ủ thêm ổ dịch mới.

Tại Sierra Leone, Thứ trưởng Bộ thông tin Theo Nichol, khẳng định, việc đóng cửa trong 3 ngày sẽ giúp các nhân viên y tế dễ dàng theo dõi các trường hợp nghi ngờ. Theo vị quan chức này, đây là biện pháp cần thiết và có thể kéo dài hơn.

Nhưng MSF lo ngại về khả năng sàng lọc kiểu này của Sierra Leone bởi việc này đòi hỏi mức độ chuyên môn rất cao. Và ngay cả khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, Sierra Leone cũng không có các phương tiện cần thiết và đủ trung tâm điều trị và để đưa bệnh nhân đến đó.

Bất chấp nỗ lực chống chọi đa quốc gia, dịch Ebola - đang hoàng hành ở Tây Phi - thật sự đang càng ngày vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người khi số người nhiễm bệnh và số người chết do "căn bệnh thế kỷ" này gia tăng chóng mặt.

Theo con số thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 2.100 người thiệt mạng vì Ebola. Nguyên nhân một phần do hệ thống y tế yếu kém của chính phủ các nước Tây Phi, một phần do virus Ebola có tốc độ đột biến cực nhanh.

WHO cho biết, sẽ mất vài tháng nữa mới có thể kiểm soát được Ebola song đến lúc đó ước tính cũng đã có hơn 20.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Thanh Văn