Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”

Thứ bảy, 03/10/2020 12:00

Thời gian qua, mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng đang phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện, cảm hóa không ít thanh, thiếu niên hư; giáo dục các em có nhận thức đúng về tác hại và từ bỏ ma túy; nâng cao tinh thần lạc quan để giới trẻ trở thành người có ích cho xã hội.

Các lớp rèn luyện kỹ năng sống cho thành viên CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” luôn được duy trì thường xuyên.

Chúng tôi gặp em Trần Minh M. (17 tuổi, trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) trong một lần tham gia khóa tập huấn kỹ năng sống với chủ đề “thử chết để sống thật” dành cho các thành viên CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng tổ chức. M. sinh ra trong một gia đình nghèo có mẹ bị bệnh tiểu đường, ba làm lái xe. Học hết lớp 9, M. nghe lời rũ rê của các bạn hư hỏng mà bỏ học, hút thuốc, chơi game. Đặc biệt, em còn bị người bạn tên Hoàng Anh T. dụ dỗ hút cỏ Mỹ và sau đó bắt đầu nghiện chất kích thích này. Để có tiền tiêu xài, tiền mua cỏ Mỹ M. và T. thường xuyên dạo quanh cảng cá Thọ Quang vào thời điểm 3 giờ đến 4 giờ sáng để trộm những loại thùng đựng cá của ngư dân.

Khoảng 1 năm sau, trong một lần hút “cỏ Mỹ”, M. bị một cán bộ của Đoàn phường phát hiện. Sau đó, M. nhận được lời khuyên chân thành từ bỏ sử dụng cỏ Mỹ để đăng ký tham gia CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” P. Nại Hiên Đông. Từ khi tham gia CLB, M. đã nhận thức hơn về ý nghĩa của cuộc sống và không còn sử dụng “cỏ Mỹ”. M chia sẻ: “Từ khi được các anh, chị khuyên bảo, tạo điều kiện tham gia CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” của phường, giờ đây em đã không còn nghiện cỏ Mỹ, đã biết từ bỏ những người bạn xấu. Hiện nay, điều lo lắng nhất chính là tương lai của bản thân em. Vì nhà nghèo, điều kiện kinh tế thiếu thốn, chính vì vậy em mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ học nghề miễn phí. Đó chính là cơ sở để em tiếp tục có sự nỗ lực, đóng góp sức lực của mình để làm những điều tốt đẹp cho xã hội”.

Em Lê Trọng B. (2000, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng có một gia cảnh bất hạnh. Từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, em chưa bao giờ nhận được tình yêu thương của người cha, bởi mẹ và cha đã ly thân từ lâu. Học hết cấp 2, do không đậu vào lớp 10 nên B. quyết định nghỉ học. Ở nhà, B. theo những người bạn hư hỏng trong xóm rủ rê sử dụng cỏ Mỹ, ma túy đá. Để có tiền ăn chơi, B. cùng nhóm 4 người bạn tổ chức trộm, cướp giật. Trong một lần cướp giật điện thoại của một người dân tại khu vực Q. Liên Chiểu, cả nhóm bị  CAQ Liên Chiểu phát hiện, bắt giữ. B. bị khởi tố và bị phạt tù 1 năm. Sau khi ra tù, vì không có công việc ổn định nên suýt nữa B. lại tiếp tục sử dụng ma túy. May thay, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” P. Hòa Minh, B. quyết tâm học nghề, từ bỏ những việc làm sai trái trước đây. Bây giờ B. không còn nghiện ma túy đá, cũng đã có 1 nghề riêng với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Bà Phạm Thị Sen- Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng cho biết, mô hình CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” đang phát huy hiệu quả tích cực, với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là lực lượng CAP. Hiện nay, mô hình CLB đang được triển khai tại 6 phường trên địa bàn TP với 236 hội viên. Theo bà Phạm Thị Sen, để giúp một hội viên tham gia CLB là cả quá trình vất vả của ban chủ nhiệm. Ngoài việc luôn bên cạnh gần gũi, động viên, khích lệ các em, các CLB cần liên tục thay đổi hình thức sinh hoạt sinh động, hấp dẫn và luôn phải đổi mới. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải cho hội viên thấy được những cơ hội nghề nghiệp, cuộc sống tương lai. Bên cạnh mở các lớp dạy học và rèn luyện kỹ năng sống cho các hội viên, các CLB còn huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn vay để hỗ trợ sinh kế cho các em. Tuy vậy, ngoài những hiệu quả trong thời gian qua, vẫn còn 1 số khó khăn nhất định, đó chính là việc quản lý hội viên trong từng CLB. “Thực tế, các em với nhu cầu mưu sinh, thường thay đổi chỗ ở nên không thể tiếp tục tham gia CLB tại địa phương. Ngoài ra, vấn đề kinh phí hạn hẹp cũng khiến cho việc mở rộng và duy trì thường xuyên các hoạt động rèn luyện kỹ năng tại các CLB trở nên khó khăn. Chính vì vậy, thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tiếp tục hỗ trợ để duy trì hiệu quả của mô hình CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại các địa phương”, bà Sen chia sẻ.

NGỌC QUỐC