Hiêu quả từ mô hình phòng chống đuối nước cho trẻ em

Thứ tư, 28/05/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Cứ đến mùa hè là nguy cơ về việc trẻ em bị đuối nước lại tăng cao. Chỉ trong vòng cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 tại Quảng Nam đã có 5 học sinh tử vong do đuối nước. Đau lòng nhất là vụ 3 học sinh 14 tuổi trú tại H. Bắc Trà My chết đuối sau tiết học chiều.

Nỗi đau chưa nguôi thì vừa qua lại tiếp tục có 2 em học sinh tiểu học bị dòng nước cuốn khi đang tắm dưới chân cầu A Vương. Thực trạng này đã đặt ra hàng loạt yêu cầu về công tác bảo vệ trẻ em.

Hiện nay do thiếu cơ sở vật chất nên học sinh các trường trung học, tiểu học nhất là địa bàn nông thôn tỉnh Quảng Nam hầu như không được trang bị kỹ năng bơi. Việc dạy bơi trong nhà trường còn chưa được xây dựng thành chương trình cụ thể mà chủ yếu là lý thuyết. Khó khăn lớn nhất của giáo viên là không có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, thiếu giáo viên có chuyên môn thực tiễn.

Bơi lội không chỉ là môn thể thao tốt cho sức khỏe mà còn giúp các em học sinh ứng phó với trường hợp khẩn cấp.

 Là địa bàn có 3 nhánh sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang chảy qua nên H. Điện Bàn (Quảng Nam) hầu như năm nào cũng có tai nạn thương tâm xảy ra do đuối nước mà nạn nhân hầu hết là các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc phổ cập bơi cho thiếu niên học sinh, Phòng GD-ĐT H. Điện Bàn đã xây dựng kế hoạch phòng chống đuối nước cho học sinh. Từ năm 2009 đến nay, H. Điện Bàn đã xây dựng được 3 bể bơi quy mô lớn với kinh phí mỗi hồ 2,5 tỷ đồng.

Hoạt động của những bể bơi này là một trong những hoạt động giảng dạy và giáo dục của trường học đặt dưới sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT về công tác tuyển sinh, tổ chức hoạt động, quản lý sử dụng biên chế và cơ sở vật chất.

Mỗi bể bơi có một ban quản lý do UBND huyện thành lập chịu trách nhiệm giúp hiệu trưởng trường có bể bơi quản lý toàn bộ hoạt động của bể như: giảng dạy, huấn luyện, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế...

Ông Dư Văn Bình (Chuyên viên Phòng GD-ĐT H. Điện Bàn) cho biết: "Đây là mô hình mới, H. Điện Bàn là đơn vị tiên phong ở Quảng Nam. Các hồ bơi không phải chỉ là nơi vui chơi của các em mà hơn thế nữa chúng tôi muốn dạy cho các em biết bơi một cách thành thạo, biết ứng phó với trường hợp khẩn cấp.

Sau mỗi khóa học các em sẽ thi và được cấp giấy chứng nhận biết bơi". Ông Bình còn cho biết thêm, để tăng tính chuyên nghiệp trong mỗi khóa học UBND huyện đã có chỉ đạo yêu cầu với giáo viên dạy bơi. Theo đó giáo viên phải là người có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học giáo dục thể chất. Mỗi giáo viên chỉ được giảng dạy tập luyện cho không quá 20 người.

Sự ra đời của mô hình này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh học sinh. Cụ thể từ tháng 6-2011, từ nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức Nước sạch Việt Nam đã tiến hành dạy bơi cho 380 em khối 6,7,8 Trường THCS Võ Như Hùng. Đến tháng 1-2012 triển khai chương trình bơi trong năm học 2012-2013 với hơn 400 em tham gia.

Tháng 5-2013 có hơn 600 em đăng ký học bơi trong hè. Ngoài những khóa học chính, Phòng GD-ĐT còn tổ chức các cuộc thi bơi cấp huyện để cổ vũ tinh thần học sinh. Vào ngày 23-5 vừa qua, huyện đã tổ chức giải bơi lội và đã trao giải cho 24 em THCS, 24 em tiểu học. Với những thành công đạt được từ mô hình chống đuối nước, các em học sinh không những đã có những tháng hè bổ ích mà còn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Đây quả là một mô hình thiết thực rất cần được nhân rộng. "Song song với việc dạy bơi chúng tôi còn kết hợp tuyên truyền nội dung chương trình phòng chống thương tích ở trẻ em. Bên cạnh đó sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng học bơi. Theo đó, ai có nhu cầu cũng đều được đăng ký học, đủ số lượng chúng tôi sẽ mở lớp", ông Bình cho biết.

Hà Dung