Hiệu ứng "Năm Văn hóa, văn minh đô thị"

Thứ ba, 14/04/2015 08:45

(Cadn.com.vn) - H. Hòa Vang, "Năm Văn hóa, văn minh đô thị" được tiến hành đồng thời với nhiều chương trình hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện (20-11-1945 - 20-11-2015) bằng nhiều nội dung đồng bộ, quyết liệt và thiết thực. Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Nguyễn Thúc Dũng, sau khi có Chỉ thị 43, Hướng dẫn số 22 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về việc thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015", Hòa Vang đã chọn từng việc, từng khâu tập trung thực hiện với quan điểm làm đến đâu chắc đến đó; lấy giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Sau 3 tháng triển khai, đi đôi với phong trào thi đua "Giữ gìn thôn xóm xanh- sạch- đẹp", huyện đã tập trung rà soát, xác định nhiều tuyến đường để chỉnh trang, giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị, xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi buôn bán trái phép. Qua đó, các lực lượng chức năng, các địa phương tháo dỡ 16 mái che, 13 lều tạm, nhắc nhở 23 trường hợp; tiến hành kẻ vạch vỉa hè đường ĐT605, ĐT602 với tổng chiều dài 9,5km; thu giữ 420 bảng hiệu, băng rôn quảng cáo không đúng nơi quy định; xóa bỏ 6.000 tờ rơi rao vặt của 42 số điện thoại, đề xuất Sở TT-TT TP xử phạt...

Hơn 2.200 người dân các địa phương tiếp tục hưởng ứng ngày "Chủ nhật xanh" thu gom, vận chuyển gần 60m3 rác thải tại nơi công cộng… Để thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ hành vi dán quảng cáo sai quy định, các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như xã Hòa Phong thành lập Đội Thanh niên tình nguyện vì môi trường, các xã Hòa Phước, Hòa Ninh xây dựng bảng quảng cáo tập trung để ngăn chặn hành vi "lén lút" dán quảng cáo...

Tuổi trẻ xã Hòa Phong xóa bỏ tờ rơi quảng cáo ven QL14B.

Tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi triển khai thực hiện bước đầu cũng không tránh khỏi sự lúng túng, bởi cơ cấu dân số, đời sống kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thói quen, nếp sống của một bộ phận người dân chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Nạn đổ rác bừa bãi, vi phạm vỉa hè, lòng đường thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc tích cực của các hội, đoàn thể, người dân đã thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường sinh thái. Theo chị Trần Thị Duẫn, Bí thư chi bộ thôn Bồ Bản 2 (xã Hòa Phong), trước đây lượng rác thải hàng ngày được người dân tự thu gom và tự tìm chỗ đổ, chỗ nào có đất trống là người dân mang đến đổ, phổ biến nhất là tình trạng xả rác xuống khu vực kênh, mương, thậm chí ngay trong vườn nhà mình. Vì vậy, khi được chọn thực hiện điểm mô hình "Thôn không rác", cán bộ, nhân dân trong thôn đã đoàn kết, đồng thuận tìm giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, thông qua các hội nghị chuyên đề, các buổi họp thường kỳ ở thôn, xóm từ việc xây dựng đến thực hiện các quy ước, hương ước văn hóa bảo vệ môi trường mang tính tự quản đều được nhân dân các địa phương cam kết lấy phương châm vận động, tự giác tham gia thực hiện là chính, tạo dư luận ủng hộ cái mới, cái tiến bộ phù hợp với phong trào; đồng thời phê phán những hành vi xấu làm tổn hại đến nhận thức về văn hóa, văn minh đô thị. Bởi vậy, sau 3 tháng triển khai thực hiện, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về bảo vệ môi trường, TTATXH, TTATGT đã chuyển biến rõ nét. Dễ nhận thấy nhất là từ trong nhà đến các ngõ xóm gần đây trông sạch sẽ hơn, tình trạng vi phạm TTATGT giảm đáng kể...

Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp cho biết, hiệu ứng  "Năm Văn hóa, văn minh đô thị" góp phần cho huyện thêm thuận lợi trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

An Dương