Hiu hắt sân vận động Chi Lăng

Thứ ba, 17/07/2018 15:00

Khác với không khí sôi động của chục năm về trước, "chảo lửa" Chi Lăng kể từ khi bị bán cho tập đoàn Thiên Thanh dần dần trở nên vắng vẻ và hiu hắt. Dù nằm ngay trung tâm thành phố nhưng 8 năm phơi nắng phơi mưa, không được duy tu, bảo dưỡng, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng khiến sân vận động Chi Lăng rơi vào cảnh hiu hắt, hoang vắng, có nguy cơ là nơi  phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội...

Sân vận động Chi Lăng hoang vắng nhiều năm qua.   Ảnh: CÔNG KHANH

Tài sản xuống cấp, vận động viên "khát" chỗ tập luyện

Sân vận động Hòa Xuân được khánh thành và đi vào hoạt động nằm ở ngoại vi thành phố dù vẫn đều đặn các trận đấu của đội bóng quê hương đã không đủ khỏa lấp những ký ức của người dân thành phố. Hiện nay, TP đang nghĩ mọi cách để thương lượng và từng bước lấy lại sân vận động khiến nhiều người dân đều mừng nhưng không khỏi băn khoăn là liệu "có đòi được không?".

Chúng tôi "trở lại" sân vận động Chi Lăng, sau những thông tin đáng mừng được đưa ra tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX. Thay vào không khí tập luyện, thi đấu sôi động và rực lửa ngày xưa, không gian quen thuộc và gắn bó này giờ trở nên hiu hắt. Khán đài hàng vạn chỗ ngồi giờ rêu phong, ẩm dột, nứt nẻ dọc ngang. Những đường chạy đốt cháy cầu trường trị giá bạc tỷ giờ sụt lún, bong tróc. Mặt cỏ "ngoại hạng" của sân bóng đá um tùm già cỗi, cầu môn trống huơ, rách rưới, đường pich rác vương đầy. Bảng tỷ số, một điểm nhìn quen thuộc của khán giả giờ im lìm "nhìn" xuống không gian buồn tênh...

Trong không gian lạnh vắng của các khu nhà chức năng, hành chính, rất khó để liên hệ được người nắm những thông tin liên quan đến công tác tập luyện, sinh hoạt của vận động viên tại đây. Vì khác với tư thế là chủ nhà, giờ đây họ là những người "ăn nhờ ở đậu". Với lại cũng không ít người làm việc tại các văn phòng mà ngay ánh đèn điện cũng không có, khiến các hành lang tối om. Bên cạnh phòng tập khiêu vũ thể thao chỉ có vài ba em bé tham gia, nhiều phòng tập của các bộ môn khác cũng vắng lạnh, bụi phủ theo thời gian.

Một góc sân vận động Chi Lăng rêu phong, ẩm ướt.   Ảnh: CÔNG KHANH

Tiềm ẩn là nơi phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội

Không chỉ là việc tiền tỷ xếp xó, phơi nắng phơi mưa mà nhiều khu vực của sân vận động Chi Lăng đang có dấu hiệu phức tạp về tệ nạn xã hội. Sau khi các bến cóc, khu vực đậu đỗ xe hàng trái phép trước các cổng vào thuộc đường Chi Lăng được "đẩy đuổi" thì các chủ xe đã hình thành bến mới ngay trong khuôn viên của sân vận động. Không những thế, người dân sống trong khu vực cho biết, một số đối tượng đã chọn các gầm cầu thang, phòng trống ở tầng 2, tầng 3 của khán đài A để làm nơi sử dụng ma túy. Theo hướng dẫn của một tài xế xe ôm, chúng tôi đi qua các khu nhà ẩm dột, bụi và mạng nhện giăng đầy để tiếp cận các khu vực mà người này vẫn gọi là "ổ chuột". Bước qua những đống kính vỡ, bàn ghế nằm chỏng chơ, trước mắt chúng tôi là những vật dụng như kim tiêm, xi lanh, cho thấy đã có nhiều người vào đây để tiêm chích ma túy. Cạnh những khu nhà vệ sinh hôi hám là nhiều khu vực bị phóng uế bừa bãi, mùi hôi thối nồng nặc. Theo một tài xế xe tải, ngoài những phòng vệ sinh bẩn thỉu thì chỉ còn một vài phòng đang sử dụng nhưng luôn trong tình trạng khóa cửa, vì vậy nhiều người lao động phổ thông đã chọn các gầm cầu thang, khu vực kín ở tầng 2, tầng 3 để giải quyết nhu cầu vệ sinh của mình. "Công tác bảo vệ, quản lý lỏng lẻo, người dân họ tự ý ra vào biến nhiều khu vực của sân Chi Lăng như bãi rác. Nhìn thấy mà đau lòng", tài xế xe tải này nói.

Mong sân vận động Chi Lăng sẽ phục vụ cho văn hóa, thể thao

Theo ông Nguyễn Trọng Thao-Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, hiện Sở chỉ được giao quản lý khán đài A, mặt sân và đường chạy của sân vận động Chi Lăng và giao cho Trung tâm huấn luyện, đào tạo vận động viên khai thác một phần. Còn cơ bản thì đây đã là tài sản thuộc quyền quản lý của tập đoàn Thiên Thanh, giờ là tang vật của vụ án. Hiện tại đây có vận động viên của 6 môn là điền kinh, cờ vua, cờ tướng, bida, cầu lông, Judo nhưng trong điều kiện  rất khó khăn. Riêng bộ môn điền kinh thì hàng ngày phải di chuyển từ chung cư vận động viên ở Hòa Xuân về tập luyện, vừa rất tốn kém lại mất thời gian, rất vất vả. "Để tập luyện có hiệu quả thì yếu tố tiên quyết là phải bảo trì, nâng cấp dụng cụ, cơ sở vật chất. Nhưng đã bán đi rồi thì mình không có chức năng, thẩm quyền để đầu tư, bảo dưỡng. Điều kiện tập luyện hiện nay là không đáp ứng được yêu cầu", ông Thao cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng thông tin là đã có văn bản kiến nghị cho sửa chữa đường chạy để phục vụ môn điền kinh nhưng chưa có ý kiến phản hồi của thành phố. Theo ông Hùng, sân Chi Lăng ngoài ý nghĩa là thiết chế văn hóa, thể thao đã gắn bó với người dân thành phố thì nó mang lại hiệu quả rất lớn trong luyện tập cũng như thi đấu. Cho dù sân vận động Hòa Xuân có hoàn thành thì sân Chi Lăng vẫn có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, tổ chức nhiều giải đấu quốc gia. Giống như Hà Nội cùng lúc có nhiều sân vận động. "Tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX vừa qua, anh Thơ (Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ) có nói là sẽ tìm cách thương lượng và từng bước lấy lại sân vận động Chi Lăng, nhưng chưa nói là lấy lại với mục đích gì. Nếu được, tôi tha thiết mong muốn nó sẽ phục vụ cho văn hóa, thể thao", ông Hùng kiến nghị. Ông Hùng cũng đồng tình quan điểm là nếu không sớm có cơ chế quản lý thì nơi đây sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về tệ nạn xã hội, điều này vừa ảnh hưởng đến chính các vận động viên nói riêng và tình hình ANTT của thành phố nói chung. "Giờ nó đang là tang vật của vụ án. Nhưng theo tôi nghĩ, việc thương lượng, thu hồi sân vận động Chi Lăng dù khó khăn nhưng thành phố vẫn có nhiều lợi thế. Vì thành phố được quyền quản lý kiến trúc và quy hoạch", ông Hùng cho hay.

CÔNG KHANH

"Chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan, ngành chức năng sớm nhất và đây cũng là quyết tâm của thành phố. Chúng ta cũng sẽ chuẩn bị quyết tâm cũng như nguồn lực để thương lượng với các cơ quan liên quan để lấy lại Sân vận động Chi Lăng trong quá trình thi hành án", ông Huỳnh Đức Thơ nói tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX.