“Hô biến” dâu tây Trung Quốc thành đặc sản Đà Lạt
Từ lâu, dâu tây Đà Lạt là loại trái cây đặc sản của TP du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng). Lợi dụng sự ưa chuộng của thị trường, không ít cá nhân kinh doanh mặt hàng này đã nhập dâu tây Trung Quốc với giá rẻ đưa về TP Đà Lạt rồi “hô biến” thành dâu tây Đà Lạt để lừa dối khách hàng. Những ngày cuối tháng 7-2020, lực lượng CA của H. Đức Trọng và TP Đà Lạt đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng tấn dâu tây Trung Quốc “đội lốt” dâu tây Đà Lạt sắp bán ra thị trường.
Cán bộ Đội CSKT CAH Đức Trọng kiểm đếm số dâu tây Trung Quốc vừa tạm giữ. |
Cụ thể, lúc 12 giờ 50 ngày 22-7, tại cổng vào Sân bay Liên Khương, Đội Cảnh sát Kinh tế (CSKT) CAH Đức Trọng kiểm tra hành chính 3 xe tải mang BKS: 49C-100.59, 49C-102.53 và 49C-155.54 do các tài xế Nguyễn Thành Luân (1992, trú TP Đà Lạt), Vòng Nhật Phúc (1987, trú H. Bảo Lâm, Lâm Đồng) và Cao Ngọc Tâm (1982, trú H. Đức Trọng) điều khiển vận chuyển tổng cộng 326 thùng xốp có chữ Trung Quốc chứa quả dâu tây tươi. Qua làm việc các tài xế khai nhận được ông Nguyễn Văn Mạnh (1986, trú xã Liên Hiệp, H. Đức Trọng) thuê chở số hàng trên từ Cảng hàng không Liên Khương đến khu vực chân đèo Prenn, chợ Đà Lạt và một số tuyến đường trong thành phố.
Làm việc với ông Mạnh, được biết, số hàng hóa trên là trái dâu tây tươi có xuất xứ Trung Quốc được Cty TNHH DV Quang Minh có trụ sở tại TP Hà Nội gửi theo đường hàng không vào Lâm Đồng. Ông Mạnh đứng ra nhận hàng rồi vận chuyển đến các địa điểm giao cho người nhận. Tổng trọng lượng số dâu tây bị CAH Đức Trọng tạm giữ là 4.520,7kg.
Đến tối cùng ngày, Đội CSKT CAH Đức Trọng tiến hành kiểm tra khu vực ga đến tại Cảng hàng không Liên Khương và phát hiện có 117 thùng xốp chứa trái dâu tây tươi có trọng lượng 1.566 kg và người nhận cũng là ông Nguyễn Văn Mạnh. Cũng như lô hàng trước, ông Mạnh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số dâu tây. Sau đó, lúc 23 giờ 15 ngày 22-7, CAH Đức Trọng tiếp tục kiểm tra và phát hiện 196 thùng xốp in chữ Trung Quốc chứa trái dâu tây tươi với tổng trọng lượng 2.639kg.
Người nhận lô hàng này là ông Trần Quốc Tuấn (1992, trú xã Bình Thạnh, H. Đức Trọng). Qua làm việc, ông Tuấn khai chỉ là nhân viên Cty TNHH vận chuyển và giao nhận Toàn Cầu Việt, ông chỉ đứng ra nhận hàng khi hàng đến sân bay và giao lại cho những người đến nhận. Ông Tuấn không biết nguồn gốc số hàng trên, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ biết người gửi có tên Hữu Anh là nhân viên vận chuyển hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Dâu tây Trung Quốc được “hô biến” thành dâu tây Đà Lạt khi ra chợ. |
Trong khi đó, tại TP Đà Lạt, Đội CSKT CATP Đà Lạt cũng đã bắt giữ nhiều vụ trái dâu tây có xuất xứ Trung Quốc đang chuẩn bị đưa đi các chợ đầu mối để tiêu thụ. Cụ thể, lúc 8 giờ ngày 24-7, lực lượng CA tiến hành kiểm tra xe tải BKS 60C-434.88 do tài xế Nguyễn Thanh Hà (1977, trú tỉnh TT- Huế) điều khiển có chở 123 thùng trái dâu tây tươi có trọng lượng 1.516kg. Lái xe Hà khai nhận chở thuê cho Phạm Trung Sơn (1993, trú tại Q.3, TP Hồ Chí Minh). Qua kiểm tra số dâu tây trên có hóa đơn chứng minh nguồn gốc là của Cty TNHH MTV TM Hải Lâm tại địa chỉ P. Duyên Hải (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) nhưng giấy tờ không đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, trưa 25-7, Đội CSKT CATP tiếp tục kiểm tra xe tải BKS 49C-4330 do tài xế Đào Duy Hỷ (1987, trú TP Đà Lạt) điều khiển có chở 661kg trái cây các loại đào, lê, mận, xoài, nho cho bà Đào Thị Thu Hương (1981, trú P.9, TP Đà Lạt). Qua làm việc, bà Hương thừa nhận, số trái cây nói trên có xuất xứ từ Trung Quốc được bà mua từ các tỉnh phía Bắc đưa về Đà Lạt tiêu thụ. Đến chiều cùng ngày, CAP 6 (TP Đà Lạt) kiểm tra hành chính nhà trọ số 17/7 Yết Kiêu (P.6) do chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (1995, trú tỉnh Quảng Ngãi) thuê trọ và phát hiện có 26 thùng xốp bên trong đều chứa quả dâu tây tươi với tổng trọng lượng hơn 371kg đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chị Phương thừa nhận đây không phải là dâu tây Đà Lạt mà là dâu tây có xuất xứ từ Trung Quốc, được chị mua về bán qua kênh online và chuyển ra quầy dâu tây của mẹ ruột bán tại chợ Đà Lạt dưới mác dâu tây Đà Lạt với giá 100.000 đồng/kg.
Vì lợi nhuận, không ít tiểu thương đã có hành vi gian dối, đánh tráo nhãn mác, nhãn hiệu dâu tây Trung Quốc thành dâu tây Đà Lạt. Việc làm này đã và đang làm mất dần uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu dâu tây mà người dân và chính quyền TP Đà Lạt đang gây dựng. Hành vi này phải bị xử lý thật nghiêm.
ĐỨC HUY