Hồ Nghinh - người lính già quả cảm, người chính ủy thân yêu, người chỉ huy tuyệt vời

Thứ hai, 21/01/2008 00:00

L.T.G: Là người tham dự và được biết một số hoạt động của Đảng bộ và quân dân Quảng Đà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, từ lâu tôi đã có ý viết về “Những người Mậu Thân” mà trong những tháng ngày lịch sử đó, phẩm chất yêu nước và cách mạng của họ được nhân lên và tỏa sáng một cách kỳ diệu. Họ là những người lãnh đạo tài ba, những chiến sĩ khởi nghĩa mặt đối mặt với địch bằng các mũi tiến công chính trị và binh vận sắc bén, những người trong các đoàn quân đầy khí thế. Họ là những chiến sĩ giải phóng quân trẻ măng của R20 đã yên nghỉ ở Hòa Xuân mà lòng còn ấm ức vì chưa vào được Đà Nẵng và cả những người làm biết bao công việc thầm lặng ở phía sau với tinh thần “tấn công bầu trời”. Nhiều người đã ngã xuống ở cửa ngõ Đà Nẵng. Nhiều người trở về từ chuồng cọp Côn Đảo. Người có tên và chưa có tên. Nhiều người một thời oanh liệt, nay sống bươn chải, vất vả mà không hề đòi hỏi...

Chưa viết được tôi cảm thấy như mình đang mắc nợ. Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2008), tôi xin dâng tặng những trang viết này như là sự đền ơn đáp nghĩa đối với “Những người Mậu Thân”.

Hội nghị Đặc khu ủy tháng 11-1967 có lẽ là Hội nghị đầu tiên của Quảng Đà được phổ biến quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện chủ trương Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa. Và hình như chỉ có hội nghị này là bàn thảo kỹ lưỡng, còn sau đó, khi triển khai chỉ có các cuộc họp, các cuộc hội ý, chủ yếu là truyền đạt mệnh lệnh. Đây cũng chính là hội nghị sáp nhập tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng thành Đặc khu ủy.

Hội nghị họp ở một khu rừng già trên vùng núi cao Đại Lộc. Tôi không phải là thành viên của hội nghị, chỉ là phóng viên thường trú của Báo Cờ giải phóng khu V, cùng một số đồng chí ở văn phòng thuộc diện phục vụ hội nghị. Hội nghị được vài ba ngày, một buổi trưa, anh Hồ Nghinh đến chỗ tôi đưa cho tôi một xấp giấy pơ-luya đã đánh máy. Anh nói: “Đây là tài liệu chính của hội nghị và công việc sắp đến. Anh đọc kỹ, đây là tài liệu của ông “Đờxăng Bugi (Deux Cent Bougies)”.

Deux Cent Bougies là ngọn đèn 200 nến cực sáng, tên anh em ở chiến trường Nam Bộ thời chống Pháp đặt cho đồng chí Lê Duẩn để ca ngợi sự sáng suốt đúng đắn của đồng chí. Biệt danh này anh Hồ Nghinh đã có lần nói với tôi khi anh bày tỏ sự nể trọng với anh Ba, Tổng Bí thư của Đảng.

Chỉ vắn tắt vậy thôi nhưng anh Nghinh buộc tôi phải đọc ngay, đọc kỹ tài liệu. Đây là thư anh Ba viết cho đồng chí Tư Ánh (Trần Bạch Đằng), quyền Bí thư Sài Gòn-Gia Định lúc ấy. Núi rừng Đại Lộc đang mùa mưa. Dù là giữa trưa, không khí cũng đùng đục ẩm ướt. Chữ đánh máy lại khá mờ. Tuy có đèn nhưng để tiết kiệm dầu hỏa, ban ngày chúng tôi không thắp đèn nên đọc rất mệt. Nhưng nhờ tài liệu ấy, tôi nhận thức rõ nhiều vấn đề, tự nhiên thấy công việc sắp tới sáng tỏ. Đây là lần đầu tiên tôi biết cụm từ Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa mà sau này thường gọi là 2T. Tôi hiểu được cuộc chống Mỹ, cứu nước, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam sẽ kết thúc thắng lợi bằng Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa ở đô thị, ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Không thể nào khác được. Và Tổng khởi nghĩa là bạo lực cách mạng, không chỉ có đấu tranh vũ trang mới là bạo lực cách mạng.

Đồng chí Hồ Nghinh (thứ 2 từ trái sang) với các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XVIII. Ảnh: L.H

Tôi rất chú ý đến việc đồng chí Lê Duẩn khen ngợi, đánh giá cao bài học lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch trong cuộc nổi dậy làm chủ thành phố 76 ngày mùa xuân 1966 của Đà Nẵng. Từ sau hội nghị này đến trước Tết Mậu Thân chỉ có hơn hai tháng, không ai biết ngày N giờ G cụ thể vào thời khắc nào, nhưng tất cả đều thấy phải chuẩn bị xong mọi việc trước Tết. Những ngày ấy, anh Nghinh có cả một núi công việc: hội ý và họp Thường vụ, đến các địa phương, đơn vị truyền đạt chủ trương, giao nhiệm vụ, nghe báo cáo phương án, cho ý kiến. Nhiều chỗ không đến được phải mời các đồng chí về làm việc với anh. Anh dành một phần đáng kể thời gian gặp mặt và động viên các đồng chí được phân công vào thành phố, phụ trách các mũi, các cánh xung yếu.

May sao lúc này sức khỏe anh tốt, bệnh tật như cũng phải lùi bước để anh lo đại sự. Lạ lùng thay, bận việc căng thẳng như thế nhưng anh vẫn ung dung thư thái và hóm hỉnh, có khác trước là anh luôn yêu cầu mình và mọi người làm việc nhanh gọn, không được giăng ca bởi đây là lúc phải tranh thủ từng phút. Chị Tính, cô xã đội trưởng gan dạ ngày nào đã nhiều lần một mình vào sào huyệt giặc diệt ác. Hội nghị Đặc khu ủy chuẩn bị cho Mậu Thân bổ sung chị vào Ban chấp hành và phân công chị làm Bí thư quận I. Hội nghị kết thúc, mọi người lần lượt ra về. Không cùng anh em đi đường núi về cánh bắc, chị có kế hoạch về Điện Bàn theo đường hợp pháp vào Đà Nẵng, lên Nam Ô ở lại ít ngày nắm tình hình rồi mới về căn cứ.

Trước khi đến vị trí mới, chị tranh thủ xin ý kiến anh Nghinh và anh Nghinh cũng ưu ái muốn dặn dò động viên chị. Phút chia tay người lãnh đạo mà chị xem như người cha thân yêu, không biết có linh cảm là sẽ không bao giờ gặp lại không mà chúng tôi thấy anh Nghinh nắm tay chặt, cười hiền từ, còn chị dùng dằng mãi, đi mấy bước lại ngoái lại. Khi đi ngang nơi chúng tôi làm việc (chỉ cách nhà anh Nghinh vài chục bước), chị ghé chào chia tay, gương mặt đầy xúc động, mắt vẫn còn ứa lệ.

Và chị đã ngã xuống trước xuân Mậu Thân ít ngày trên đường đi lên căn cứ bàn lần cuối kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của cánh bắc Hòa Vang.

Sau này chị Hạnh, chị ruột chị Tính, đã nói hộ điều mà chị Tính ấp ủ nhưng chưa nói nên lời: “Anh Nghinh là con người kỳ lạ. Gặp anh, nghe anh nói, tôi như có mẹ tôi bên cạnh mỗi khi tôi bị người khác ức hiếp lúc còn nhỏ vậy”. Chị Năm từ Túy Loan đi hợp pháp vào Đà Nẵng - Vĩnh Điện rồi lên Gò Nổi gặp anh Nghinh báo cáo về mũi đấu tranh chính trị ở khu II (Hòa Vang) do chị phụ trách. Anh Nghinh bận làm việc với một đồng chí ở trên về nên chị ngồi chờ ở chỗ chúng tôi. Đội quân chị phụ trách có thể đến 6.000 người sẽ theo đường 14B từ Túy Loan tiến về Cẩm Lệ. Chị rất lo đường dài đi qua nhiều căn cứ lớn, địch sẽ ra tay, liệu có kịp với các mũi khác không. Chị bồn chồn, day dứt chỉ mong được sớm làm việc với anh Nghinh. Thế rồi chỉ sau đó không lâu, với khuôn mặt tươi tắn vui cười như người nắm chắc phần thắng trong cuộc đọ sức kỳ lạ, chị bươn bả ra về. Cũng như chị Năm, chị Tính, nhiều anh chị cán bộ Quảng Đà vào những lúc sắp nhận những công việc hệ trọng sống chết không biết thế nào đều rất muốn gặp anh Nghinh dù chỉ mấy phút ngắn ngủi. Anh không có phép màu trao cho họ nhưng anh có trái tim chan chứa tình yêu thương đồng chí đồng đội. Anh biết chia sẻ và động viên. Anh chỉ ra cho các đồng chí sức mạnh vô tận của nhân dân, cách nhìn ra lòng yêu nước, chất cách mạng của nhân dân ngay cả lúc ngặt nghèo nhất để từ đó dựa vào dân mà sống, làm việc cho Đảng.

Với anh em báo chí văn nghệ và riêng tôi, chuẩn bị cho Mậu Thân, anh Nghinh không dặn dò gì cụ thể, gặp chúng tôi anh thường nheo mắt cười như muốn nói: “Mấy lão (anh thường có cách xưng hô như vậy) cố lên hỉ, ta sẽ gặp nhau ở Đà Nẵng, tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Điều anh dặn riêng tôi không thuộc về công tác tuyên truyền mà là cố gắng giữ liên hệ với các anh binh vận và lo giúp các anh soạn các truyền đơn, các bài loa.

Thế rồi chúng tôi được tin anh đã vào Đà Nẵng cùng với tin Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa không diễn ra như kịch bản. Địch phản kích điên cuồng. Ngày nào cũng có những tin đau nhói. Anh Hai Chơn, anh Đức, anh Huy hy sinh, anh Ngộ, anh Chính(1) bị bắt.

Chúng tôi vô cùng lo lắng cho anh, cho phong trào. Rồi anh trở ra, chúng tôi mừng hết lớn. Anh ở trong thành phố đến 20 ngày. Hẳn là những ngày ấy anh có nhiều suy nghĩ về ta, về địch, về dân. Sau Mậu Thân và cả nhiều năm sau này nữa, chúng tôi gợi hỏi anh về những ngày 2T năm ấy, anh thường nói anh nhất định phải vào Đà Nẵng bởi Tiểu đoàn 1, R20 đã nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng. Anh không thể không đi cùng đơn vị quân giải phóng, lực lượng vũ trang mà cả chục năm nay với bao nhiêu công lao xương máu Đảng và dân Quảng Đà mới xây dựng được, trong trận quyết định cuối cùng này.

Trước anh, anh Hai Chơn cũng cùng một suy nghĩ và tình cảm đó. Anh Hai giành phần đi với Tiểu đoàn 1 vì “Vùng đó tôi thông thạo địa hình sông nước, tôi phải đi cùng anh em”. Còn anh Đức (Đinh Châu) thì xem mình là Tỉnh đội trưởng phải đi cùng anh em là việc đương nhiên. Anh Nghinh không nói nhưng chúng tôi, mọi cán bộ Quảng Đà đều biết nét nổi bật trong phong cách của anh là luôn ở phía trước, nơi gian khổ nhất, ác liệt nhất. Trận đánh cuối cùng, cuộc nổi dậy cuối cùng sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, anh phải ở đấy. Không thể nào khác.

Điều anh luôn nhắc tới là sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân dành cho anh trong những ngày ấy. Anh nói đến chuyện vào thành chiều 30 Tết, anh chưa một lần ngồi xe ôm nên cứ bu cứng lưng người chở. Anh thanh niên lái xe Honda phải nhắc khéo “Thầy ôm kiểu ni dân thành phố nói thầy là dân nhà quê, họ chú ý đó”. Anh nhắc đến thầy giáo Trương Văn Thông. Mậu Thân không thành, giặc khủng bố dữ dằn nhưng thầy vẫn bình tĩnh, bằng chiếc Vespa chở anh thoát khỏi Đà Nẵng giữa hàng hàng lớp lớp quân xa Mỹ. Anh nhắc đến cái giấy xác nhận anh là một giáo viên ở Hội An vừa xuất viện sau khi chữa chạy ở Tổng y viện Duy Tân do bác sĩ Lê Ngọc Dũng cấp.

Anh kể khi anh vừa từ căn cứ ra Đà Nẵng được bố trí ở một nhà cơ sở, bà chủ nhà sợ tái xanh mặt. Anh nhắc lại chuyện “Bữa đó đi công tác qua nhà chị, được chị cho uống nước chè”. Thế là giữa hai người trở nên thân quen, tin cậy. Có lần anh tự nhiên nói với tôi “Nhiều người ở Đà Nẵng nhà cao cửa rộng, gia đình êm ấm, làm ăn ổn định, thuận lợi, cuộc sống khá đầy đủ. Họ đâu chỉ có một túp lều, một cái chòi rách, vậy mà họ nuôi giấu, chở che mình, lộ ra là họ bị tra tấn tù đày, tan cửa nát nhà. Dân mình yêu nước lắm”.

 

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho cụ Hồ Nghinh (năm 2006).

Nhiều lúc chúng tôi nhắc chuyện trong kịch bản Mậu Thân, anh có nói ta sẽ phát động một cuộc nổi dậy lớn, lớn hơn cả cơn bão táp 76 ngày làm chủ thành phố mùa xuân 1966 và các đơn vị lớn của chủ lực ta cùng lúc sẽ có những quả đấm thép, nhưng chuyện này đã không xảy ra. Chúng tôi nghĩ rằng vào thời điểm ấy anh có thể đã thấy sự đánh giá so sánh lực lượng địch-ta có phần nào chủ quan, không sát. Đúng là lúc đó với đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam như con đường hầm không có ánh sáng ở nơi cuối. Nhưng cho rằng tình thế cách mạng khiến “Những người bên dưới không muốn tiếp tục sống như trước và những kẻ bên trên cũng không thể sống như trước” mà Lênin  chỉ rõ đã xuất hiện ở miền Nam, dân miền Nam trong vùng kiểm soát của địch không muốn sống tiếp tục như trước, họ ức làm cách mạng như cá tức trứng thì không phải là như vậy.

Đây là cuộc chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, một lòng đi theo Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh. Theo lời kêu gọi của Đảng, “Họ cầm dao, rựa, gậy gộc đi khởi nghĩa. Người người, lớp lớp như sóng, như gió lướt tới dưới tầm đại bác”(2).

Kẻ thù của chúng ta là tên siêu cường số 1 đang còn đó ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân với binh khí kỹ thuật hiện đại và sự bảo đảm hậu cần tốt nhất, dù chưa thực hiện mục tiêu tìm diệt và bình định, lại như chìm đắm  trong thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân và đang đi tìm một lối thoát trong danh dự, song chúng chưa ở trong tình trạng không thể sống như trước.

Chính vì đây là chiến tranh, ở cương vị người có trách nhiệm lớn trong hệ thống chỉ huy, lời nói và việc làm của anh phải bảo đảm mọi mệnh lệnh được chấp hành nghiêm chỉnh nhất. Anh tự đòi hỏi mình và yêu cầu mọi người “Quân lệnh như sơn, Đảng lệnh như hải”. Anh đã ở phía trước, nơi sâu nhất, khốc liệt nhất. Ở nơi nguy hiểm nhất ấy, anh đã cảm nhận được đó chính là nơi ấm áp, nơi có rất nhiều người sẵn sàng xả thân vì anh, vì nghĩa lớn của Tổ quốc và cách mạng.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nói với nhau mỗi cuộc khởi nghĩa có hoàn cảnh thực tiễn của nó, không có những tiêu chí của tình thế cách mạng trực tiếp cho mọi cuộc khởi nghĩa dù đó là tiêu chí đã được Lênin chỉ rõ? Lúc đó liệu đã chín muồi cho một cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa chưa? Tại sao thông báo là sẽ có những cú đấm thép của các binh đoàn chủ lực, sẽ có không quân ta từ miền Bắc bay vào oanh tạc địch để yểm trợ cho quân giải phóng, nhưng rồi khi triển khai lại không có gì?

Lúc nghiên cứu bàn bạc, anh Năm Dừa(3), một người đầy bản lĩnh đã đặt một câu hỏi gan ruột và hóc búa: “Nếu Sư 2 không chiếm được núi Phước Tường để khống chế sân bay Đà Nẵng, nếu không có máy bay miền Bắc vào để bộ binh chiếm đèo Hải Vân thì chúng tôi có nổi dậy không? ”. Đồng chí Hồ Nghinh đã trả lời “Quân lệnh như sơn, Đảng lệnh như hải, bất cứ trường hợp nào cũng phải tổ chức nhân dân nổi dậy”.

Xuân Mậu Thân, sự kiện lớn ấy dù đã 40 năm qua rồi vẫn còn đó nhiều vấn đề gây tranh cãi và cần đi tới kết luận. Nhưng với đòn đau Xuân Mậu Thân, Kissinger buộc phải thừa nhận: “Trong cuộc chiến này chúng ta không thắng, tức là chúng ta thua. Còn Việt Cộng, họ không thua tức là họ thắng”. Ý chí xâm lược đã lung lay, Mỹ phải xuống thang thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, để rồi mùa xuân 1975 Việt Nam toàn thắng. Những người của Mậu Thân khi ấy tóc còn xanh, nay mái đầu bạc phơ, những người ngã xuống trước Mậu Thân ở một góc rừng Trường Sơn, những người hy sinh trên đường vào Đà Nẵng ngay trong đêm giao thừa 2T, tất cả đều có quyền tự hào như chính mình vào mùa xuân 1975 có trong đoàn đại quân thần tốc tiến về giải phóng Đà Nẵng, giải phóng Sài Gòn vang vang lời thơ, lời hịch của Bác “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.

Và trong những trang vàng Xuân Mậu Thân trên đất Quảng anh hùng, hình ảnh, công tích đồng chí Hồ Nghinh được ghi thật đơn giản: người lính già quả cảm, người chính ủy thân yêu, người chỉ huy tuyệt vời.       

Nguyễn Đình An

 

(1) Anh Mai Đăng Chơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà.

Anh Nguyễn Hữu Đức (Đinh Châu), Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Thường vụ Đặc khu ủy, Tham mưu trưởng Mặt trận 4.

Anh Hà Kỳ Ngộ, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Thường vụ đặc khu ủy. 

Anh Huy, Phó ban đấu tranh chính trị tỉnh Quảng Đà, lãnh đạo Ban đấu tranh chính trị Khu V.

Anh Chính, Nguyễn Chính, Phan Chánh Dinh, Phan Duy Nhân, cơ sở hoạt động nội thành, lãnh đạo cuộc nổi dậy 76 ngày mùa xuân 1966 bị lộ, ra căn cứ được cử vào Đà Nẵng trong xuân Mậu Thân.

(2) Chữ của Chu Cẩm Phong.

(3) Anh Năm Dừa, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà, Thường vụ Đặc Khu ủy được phân công Bí thư Khu 1 kiêm Bí thư Q.2 (Thanh Khê) trong Mậu Thân.