Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt trong lĩnh vực nội dung số
Ngày 7-12, tại TPHCM diễn ra Hội thảo sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt năm 2017, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Theo đại diện Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), những năm gần đây, công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh, bền vững với doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Ngành thu hút hơn 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 34.000 tỷ đồng thuế cho ngân sách và giải quyết việc làm cho hơn 700.000 lao động.
Riêng công nghiệp nội dung số, tuy là lĩnh vực mới nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua với hơn 2.700 doanh nghiệp hoạt động. Các chuyên gia cho rằng, công nghiệp nội dung số là ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam nhờ lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; chi phí nhân công cạnh tranh; số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh từng năm; hạ tầng internet và di động băng thông rộng phát triển rộng khắp.
Theo bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, dù là một trong những ngành trụ cột nhưng nội dung số vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong cơ cấu thu nhập toàn ngành công nghệ thông tin. Số lượng công ty nhiều nhưng đa phần là quy mô nhỏ và vừa. Các sản phẩm mang thương hiệu, đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt trong nền kinh tế số”, hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về vai trò của sản phẩm, dịch vụ nội dung số trong sự phát triển kinh tế số; nhận diện và bảo vệ thương hiệu Việt cho các sản phẩm nội dung số; cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đề xuất, kiến nghị chính sách, cơ chế, môi trường pháp lý nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt...
* Hiện nay, tỷ lệ tên miền tiếng Việt có trang thông tin điện tử (website) chỉ chiếm chưa đến 2% và có tới hơn 94% tên miền tiếng Việt không có website. Đây là công bố của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trong ấn phẩm thường niên “Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017”. Tính đến cuối tháng 10-2017, đã có 6.770 tên miền tiếng Việt đăng ký mới, trong đó, 75% tên miền được đăng ký qua 3 nhà đăng ký iNet, Nhân Hòa và PA Việt Nam. Số lượng tên miền đăng ký tiếng Việt khá lớn, cho thấy việc đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt đã và đang ngày càng được phổ biến, sử dụng rộng rãi. “Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017” là ấn phẩm cung cấp bức tranh tổng thể về kết quả tăng trưởng, phát triển tài nguyên Internet của Việt Nam trong năm 2017.
P.V