Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử

Thứ hai, 18/04/2022 20:36
Với sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc duy trì kênh bán hàng trực tiếp truyền thống, tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là qua các sàn TMĐT đang từng bước trở thành một kênh bán hàng mới, hiệu quả đối với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng.
Bánh dừa nướng Mỹ Phương – sản phẩm OCOP của TP trên sàn TMĐT Shopee.
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, các sản phẩm OCOP rất cần thêm kênh TMĐT để đến tay người tiêu dùng.

Khó khăn khi lên sàn

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công ghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn TP vẫn đang từng bước thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Đại dịch COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng trực tiếp bị gián đoạn. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, trong đó, lên sàn thương mại điện tử là sự lựa chọn nổi bật để đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng, từng bước cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, do hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm marketing, đặc biệt là marketing online, nên khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đã gặp nhiều khó khăn nhất định.

Bà Mai Thị Ý Nhi, chủ Cơ sở Bánh ngọt Mỹ Phương, cho biết, các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ chưa có điều kiện đầu tư về công nghệ, chưa có kinh nghiệm về công nghệ nên khi tham gia vào TMĐT còn bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn. “Các thủ tục khi tham gia những sàn TMĐT quá phức tạp, dù doanh nghiệp đã thuê nhân viên có kinh nghiệm, có trình độ nhưng vẫn phải mất đến một ngày mới có thể đăng ký xong”, bà Nhi chia sẻ thêm. Bên cạnh đó, mặc dù doanh nghiệp đã đảm bảo được hình ảnh và chất lượng sản phẩm, nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý TMĐT nên doanh nghiệp gặp khó khi không thể kết nối đến đúng đối tượng khách hàng.

“Những sàn TMĐT như Shopee, Lazada đều quá rộng lớn, chưa có sự hỗ trợ cho các sản phẩm như: sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP nên khi doanh nghiệp đăng tải sản phẩm, đều bị lẫn vào các sản phẩm khác, dẫn đến nhiều ngày vẫn không có đơn hàng”, bà Nhi thông tin. Một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP là hàng công nghệ thực phẩm thì gặp khó khăn trong việc bảo quản, vận chuyển để đảm bảo nguyên vẹn chất lượng sản phẩm trong thời gian từ khi giao hàng để chuyển phát đến khi đến tay khách hàng. “Điều khó khăn mà doanh nghiệp khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT gặp phải là làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm qua thời gian phân khối”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Cty TNHH Bắc Đẩu chia sẻ thêm.

Bánh dừa nướng Mỹ Phương – sản phẩm OCOP của TP trên sàn TMĐT Shopee.

Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ các danh nghiệp trên địa bàn TP nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tháo gỡ các khó khăn khi tham gia giới thiệu, bán hàng qua kênh TMĐT, Ngành Công Thương TP và các hiệp hội TMĐT, tập đoàn công nghệ đã và đang có những chính sách, kế hoạch, phương án, chương trình đồng hành, hỗ trợ cụ thể nhằm góp phần đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Theo ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất còn thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing qua kênh TMĐT...

Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua kênh TMĐT, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm… “Trong thời gian tới, VECOM sẽ có kế hoạch tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục về việc xây dựng các giải pháp TMĐT để góp phần giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, VECOM sẽ kết hợp cùng Sở Công Thương TP Đà Nẵng chọn lựa và hỗ trợ trực tiếp từ tư vấn đến chi phí sử dụng giải pháp TMĐT cho các doanh nghiệp của địa phương này khi tham gia bán hàng qua kênh TMĐT”, ông Khanh thông tin thêm.

Đặc biệt, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn TP đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử. Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết: trong tháng 5-2022 tới đây, Sở Công Thương TP sẽ phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức “Triển lãm trực tuyến sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng - 2022” trên không gian số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo Virtual Reality 360 với quy mô từ 50 – 70 gian hàng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu, triển lãm và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại “Triển lãm trực tuyến sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng - 2022” sẽ được miễn 100% chi phí tham gia. “Sở Công Thương TP hy vọng rằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm qua kênh TMĐT nói chung, chương trình này nói riêng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Hữu Hạnh cho biết thêm.

PHÚ NAM