Hỗ trợ tối đa cho Sơn Trà dập dịch

Thứ năm, 05/08/2021 14:27

Ngày 4-8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm mới vẫn còn cao, tập trung nhiều ở “điểm nóng” Sơn Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ tối đa cho quận Sơn Trà dập dịch, sớm đưa cuộc sống bình thường trở lại trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. 

Nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn ở mức cao

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đà Nẵng, trong ngày 4-8, Đà Nẵng ghi nhận 92 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 67 ca F1, 19 ca trong khu vực phong tỏa và 6 ca trong cộng đồng chưa được cách ly. Trong số 6 ca trong cộng đồng có 3 trường hợp có triệu chứng đến khám, lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở y tế; 1 trường hợp lấy mẫu hộ gia đình và 2 trường hợp là sinh viên ngành y được tăng cường cho công tác phòng, chống dịch, thường xuyên đi lấy mẫu SARS-CoV-2 cộng đồng. “Quận Sơn Trà vẫn đang là điểm nóng về tình hình dịch bệnh với 59 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến Cảng cá Thọ Quang vẫn chưa được kiểm soát và dự kiến các ca nhiễm mới sẽ còn được phát hiện”, bác sĩ Thạnh nhìn nhận.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, để sớm kiểm soát được mầm bệnh trên địa bàn quận Sơn Trà, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phải dứt khoát không cho bất kỳ ai trong các khu vực áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa ra ngoài, trừ những trường hợp thật sự đặc biệt. Ngoài ra, phải tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa với tần suất 3 ngày/lần, kể cả người dân ở các khu vực giáp ranh bên ngoài khu phong tỏa. Các cơ quan chức năng phải đặc biệt lưu tâm, giám sát thật chặt các khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không để tình trạng lây nhiễm chéo diễn ra. “Qua theo dõi, vẫn có một số trường hợp đã rời khỏi địa phương, ở lại nhà người thân để sinh sống, làm việc trước khi địa phương tiến hành áp dụng các biện pháp phong tỏa. Các đơn vị chức năng phải rà soát thật kỹ các đối tượng này để đảm bảo không đưa mầm bệnh ra bên ngoài”, ông Chinh chỉ đạo.

Đà Nẵng sẽ áp dụng mẫu Giấy đi đường mới để kiểm soát chặt hoạt động lưu thông trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 05.

Sẽ áp dụng mẫu Giấy đi đường mới

Từ 18 giờ ngày 31-7, Đà Nẵng bắt đầu áp dụng Chỉ thị 05, giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố. Theo nội dung Chỉ thị này, người dân chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết và phải có Giấy đi đường do lãnh đạo cơ quan, đơn vị công tác ký, đóng dấu. Tuy nhiên qua thời gian triển khai, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã cấp khống Giấy đi đường cho nhân viên của mình khiến công tác quản lý hoạt động lưu thông gặp không ít khó khăn. Thậm chí, một số doanh nghiệp không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội do không kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thiết yếu vẫn cố tình cấp Giấy đi đường không đúng quy định cho nhân viên của mình. Những ngày qua, lực lượng chức năng tại các chốt đã phát hiện, tịch thu nhiều mẫu Giấy đi đường giả, không đúng quy định. Trong ngày 4-8, có đến 1.529 mẫu Giấy đi đường đã được tịch thu. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bị lực lượng chức năng xử phạt nặng về hành vi gian dối làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung của thành phố.

Trước những bất cập trên, UBND thành phố đã rà soát, đánh giá và dự kiến sẽ áp dụng mẫu Giấy đi đường mới vào 12 giờ ngày 6-8. Mẫu Giấy đi đường mới dự kiến sẽ có 2 con dấu. Một do lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp ký và một do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Cụ thể, UBND thành phố giao cho 3 đầu mối xác nhận gồm: UBND các phường/xã, ban quản lý các khu công nghiệp và Sở Kế hoạch đầu tư.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, việc cấp Giấy đi đường để kiểm soát từng lượt người dân và phương tiện ra đường trong thời gian giãn cách xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, do mới triển khai nên gặp phải những khó khăn, bất cập là điều khó tránh khỏi. “Chúng ta phải vừa làm vừa điều chỉnh sao cho phù hợp nhất để thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý. Những trường hợp cố tình vi phạm, cấp khống Giấy đi đường phải xử lý nghiêm. Một khi số lượt người dân ra đường không cần thiết trong những ngày này giảm xuống thì hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới tăng cao”, ông Quảng nhấn mạnh. 

PHI NÔNG