Hố "tử thần" "nuốt" đất canh tác

Thứ bảy, 05/08/2017 11:02

Từ tháng 6-2017 đến nay, trên cánh đồng xã Hương Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình đã xuất hiện 8 hố sụt lún (6 hố cũ và 2 hố mới). Các hố sụt có đường kính nhỏ nhất 3m, lớn nhất 17m, sâu từ 1,5 - 4m. Đặc biệt, các hố sụt lún này lại nằm ở vùng hạ du nhà máy thủy điện Hố Hô khiến nhiều người dân địa phương vô  cùng lo lắng. Nhiều người dân ở thôn Tân Đức 3 (xã Hương Hóa) cho hay, lúc đầu trên cánh đồng Vèng chỉ xuất hiện một hố nhỏ, nhưng ít ngày sau đất rạn nứt, hố sụt lún sâu tạo thành "bẫy" đối với người và gia súc. "Vì đây là vùng thứ nhất nằm gần thủy điện lại bị sụt lún, các hố sụt cứ to dần ra, trong khi đó, cánh đồng Vèng chỉ rộng khoảng 10ha, là nơi bà con sản xuất lạc, ngô nên khi hố "tử thần" xuất hiện, nuốt mất một phần đất canh tác vốn rất ít ỏi, khiến bà con rất hoang mang", anh Đinh Văn Đức, xã Hương Hóa cho biết.

Một hố sụt lún tại khu vực cánh đồng Vèng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng tài nguyên môi trường H. Tuyên Hóa đã đến hiện trường kiểm tra, theo ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng tài nguyên thì đây là khu vực bằng phẳng, lúc kiểm tra thì phát hiện 5 hố sụt lún nằm trên khu đất của bà con vừa mới sản xuất ngô, tuy nhiên sau khi kiểm tra thì tại đây lại tiếp tục xuất hiện thêm một số hố nhỏ, tại các hố dần xuất hiện các vệt rạn nứt và có nguy cơ mở rộng. "Chúng tôi thấy có sự liên kết, khả năng liên quan đến hoạt động địa chất của khu vực này nên khi kiểm tra xong, chúng tôi đã báo cáo các sở liên quan đồng thời làm việc với ủy ban xã để cảnh báo nguy hiểm, tiến hành rào chắn khu vực này và đề nghị các cơ quan của tỉnh làm rõ để trả lời nguyên nhân", ông Hải nói.

Ngày 28-7, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cùng một số chuyên gia địa chất đã kiểm tra hiện tượng sụt lún đất tại khu vực cánh đồng Vèng. Theo TS Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, qua kiểm tra, đoàn ghi nhận có 8 hố sụt lún (sáu hố cũ và hai hố mới), tạo thành tuyến không liên tục, kéo dài theo hướng tây bắc - đông nam, gần song song với bờ sông và cách bờ sông khoảng 50 - 150 m. Các hố sụt có đường kính nhỏ nhất là 3m, lớn nhất 17 m, sâu từ 1,5 - 4m.

Các hố sụt lún đã được rào chắn để tránh nguy hiểm cho người và gia súc.

 "Tuyến sụt lún đất nằm ngay trên đới đứt gãy nghịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quá trình Karst tạo nên những hang, hốc, cùng sự tác động xói ngầm cơ học của dòng ngầm trong các đứt gãy và khe nứt của đất đá, làm gia tăng quá trình xâm thực cơ học, mở rộng các khe nứt, các hang, hóc, hố ngầm và xảy ra sụt lún đất", ông Lý cho biết thêm. Vì đây là hiện tượng tự nhiên không thể chống được nên hiện nay, UBND xã Hương Hóa đã làm rào chắn khu vực này, tránh người và gia súc tiếp cận khu vực sụt lún, chờ đến khi quá trình sụt lún nó lấp đầy các hang, hố, hóc ở phía dưới. Ở phía trên mặt tương đối ổn định thì lúc đó mới có thể tiến hành san lấp và tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

D.N