Hồ tưới - những cái bẫy chết người

Thứ năm, 06/07/2017 15:00

(Cadn.com.vn) - Một thực tế đáng báo động là ở vùng cao như tỉnh Gia Lai, năm nào cũng có những đứa trẻ tử vong vì đuối nước. Những hồ chứa nước phục vụ cho việc tưới tiêu nông sản của người dân nằm lẩn khuất ở những vườn, rẫy, xa khu dân cư trở thành những cái bẫy chết người. Ở đó, chỉ cần một chút vui đùa của các em, sự bất cẩn của người lớn khiến bao sinh mạng trẻ thơ ra đi trong sự đau đớn của gia đình.

Đến giờ này, dù đã sau 1 tháng vụ đuối nước khiến 4 trẻ tử vong, nỗi ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của người dân thôn Tân Lập (xã Ia Sao, H. Ia Grai, Gia Lai). Chiều tối 2-6, cả thôn Tân Lập bàng hoàng trong tiếng gào thét đến xé lòng của người thân 4 cháu nhỏ khi đưa thi thể các cháu nhỏ từ hồ lên. 4 cháu được xác định là Tống Thị Quỳnh Hương (lớp 3, trú xã Ia Yok, H. Ia Grai), Nguyễn Lê Hải Yến (lớp 5), Đỗ Ngọc Thuận (3 tuổi) và cháu Nguyễn Thị Hảo (lớp 3, cùng trú thôn Tân Lập, xã Ia Sao). Chiều cùng ngày, được nghỉ hè nên các cháu rủ nhau đi chơi. Dù bố mẹ dặn nhiều lần rằng không được ra khu vực hồ C3 (hồ tưới nước cà-phê của Cty Cà-phê Ia Sao 2) vì khu vực hồ tưới này dốc, sâu và đã có trẻ tử vong. Tuy nhiên, vì mải vui mà các cháu quên lời dặn dò, những bàn chân nhỏ bé vô tư nghịch nước ngay mỏm đất nhô lên bên bờ hồ (vực sâu 7-8m nước). Vậy là chỉ một cái trượt chân, 4 cháu kéo nhau rơi xuống hồ. Hồ nằm xa khu dân cư, lọt thỏm giữa những rẫy cà-phê nên khi người lớn phát hiện, vớt các cháu lên, dù cố gắng mọi cách nhưng tất cả đã quá muộn.

Hồ C3 phục vụ tưới cà-phê, nơi 4 cháu nhỏ tử vong ngày 2-6 không có biển cảnh báo.

Chỉ 24 giờ sau đó, một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra tại khu vực làng Thông Yô (xã Ia Kênh, TP Pleiku) khiến người dân không kìm được những tiếng nấc nghẹn. Chị Lê Thị Diễm Hồng (30 tuổi, trú thôn 12, xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) dắt con trai là cháu Nguyễn Hiếu Lâm (4 tuổi) đi làm thuê rẫy cà-phê cho người dân ở làng Thông Yô. Khi người dân phát hiện thì mẹ con chị đã tử vong tại hồ nước tưới cà-phê trong tư thế người mẹ vẫn ôm chặt đứa con trong đau đớn, bất lực. Hay mới đây, sáng 27-6, chị em ruột là Siu Byen (2006, lớp 4 Trường Tiểu học Số 1, xã Ia Băng) và em trai Siu Hlan (2009, lớp 2) là con của anh Rah Lan Huk - chị Byan (trú thôn O Yố, xã Ia Băng) cùng nhau đi chăn bò, khi rửa tay tại hố tự đào tưới cà-phê vườn nhà ông Anhir (thôn O Yố) thì bị ngã và đuối nước.

Trở lại thôn Tân Lập, theo người dân phản ánh, đã nhiều vụ trẻ em tử vong vì đuối nước và chủ yếu xảy ra tại các hồ thủy lợi của các Cty cà-phê. Những hồ chứa nước được đào, múc rất sâu để có thể trữ đủ nguồn nước qua mùa khô nên không riêng gì trẻ em mà cả người lớn cũng gặp nguy hiểm nếu không biết bơi. Dù xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm nhưng hầu hết các ao, hồ trong khu vực vẫn không được thực hiện các giải pháp rào chắn, cảnh báo. Như hồ C3 nơi 4 cháu nhỏ tử vong, không một biển báo, không một rào chắn. Cả khu vực hồ rộng mênh mông nằm lọt thỏm giữa rẫy cà-phê, cách xa khu dân cư khiến nó trở thành “cái bẫy giết người” nếu những đứa trẻ mải vui ra tắm, vui đùa tại đây.

Sau vụ đuối nước làm 4 cháu nhỏ tử vong, ông Hoàng Quốc Việt - Trưởng CAX Ia Saom thông tin: trên địa bàn xã có khoảng 20 hồ thủy lợi của các Cty cà-phê, phục vụ tưới nước vào mùa khô. Để tận dụng tối đa dung tích chứa, phần lớn các ao, hồ đều được đào rất sâu, bờ đất dốc đứng. Mức độ nguy hiểm còn tăng cao hơn khi trong lòng các hồ còn được đào thêm một số giếng sâu khác. Nguy hiểm là vậy nhưng đơn vị quản lý các hồ đập này không có bất kỳ một giải pháp rào chắn hay cảnh báo trực quan nào. Chính vì vậy, tại hầu hết các hồ của các Cty đều đã xảy ra tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước.

Không chỉ có chủ những hồ thủy lợi lớn thờ ơ, các hộ gia đình cũng coi thường mức độ nguy hiểm từ các ao, hồ nhỏ trong vườn, trong rẫy khi hầu như không có rào chắn nhằm ngăn chặn trẻ em xuống tắm, chơi đùa. Ông Puih Alốt (cán bộ Y tế xã Ia Dêr, H. Ia Grai) cho biết, hầu như năm nào ở xã cũng xảy ra đuối nước tại những ao hồ của các gia đình. Chính quyền đã vận động, tuyên truyền các gia đình thực hiện các giải pháp rào chắn, đảm bảo an toàn cho con trẻ nhưng không mấy ai quan tâm. “Năm nào cũng có mấy cháu nhỏ chết do tắm ở những hồ, ao người dân múc để tưới cà-phê. Y tế xã đã tuyên truyền cho bà con đi làm rẫy, nương xa xôi không quản lý được con cái thì phải rào xung quanh ao, hồ bằng lưới hoặc bằng các vật dụng khác để ngăn không cho con, em xuống tắm. Thế nhưng hiệu quả mang lại chẳng đáng là bao” - ông Alốt cho biết thêm.

Có thể thấy ở một khía cạnh khác, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người lớn khiến con trẻ không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Nhà trường thì chưa chú trọng tới việc dạy kỹ năng cho trẻ, các bậc cha mẹ lại chỉ coi trọng việc mưu sinh, nuôi dưỡng con cái mà ít quan tâm đến dạy kỹ năng cho trẻ. Sau vụ đuối nước thương tâm tại xã biên giới Ia O (H. Ia Grai) vào ngày 29-3-2017 khiến 4 học sinh đang học lớp 6 Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O tử vong, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Bên cạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa an toàn hồ đập, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh về các biện pháp phòng ngừa, giúp các em hiểu rõ mối nguy hiểm khi tắm sông, suối, ao hồ ở nơi vắng vẻ, nơi có biển báo cấm… Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực dễ xảy ra tai nạn đuối nước, phối hợp với các chủ hồ, đập tổ chức rào chắn, cắm biển báo.

4 học sinh lớp 6 tử vong khi tắm tại khu vực hồ tưới nước ở xã Ia O, H. Ia Grai ngày 29-3.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 80 trẻ em tử vong vì đuối nước. Đây là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ tử vong vì đuối nước hằng năm cao nhất cả nước. Dù UBND tỉnh Gia Lai đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng thực tế địa bàn hàng trăm hồ đập, sông, suối vẫn bỏ ngỏ những cảnh báo, rào chắn. Chưa kể hàng chục nghìn hồ tưới phục vụ việc tưới tiêu nông sản của người dân nằm trong những rẫy cà -phê không một rào chắn, xa khu dân cư. Thế nên, cứ vào mỗi mùa hè những cái chết của trẻ lẽ ra không đáng có vẫn cứ xảy ra và nỗi ám ảnh mang tên “hồ tưới” vẫn hiện hữu.

MINH TÂN