Hòa bình dần ló dạng

Thứ năm, 08/03/2018 09:54
Cuối cùng, phong trào Hồi giáo Taliban ở Afghanistan đã chấp nhận tham gia cuộc đối thoại hòa bình do Tổng thống Ashraf Ghani đề xuất. Diễn biến mới nhất này gieo nhiều hy vọng về một tương lai hòa bình cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Taliban đưa ra những điều kiện tiên quyết khó nhằn như đảm bảo việc làm trong dự án đường ống khí đốt Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI). Theo các giới chức, nhóm vũ trang Taliban tuyên bố sẽ tham gia tiến trình hòa bình nếu có việc làm ở dự án TAPI. Tất nhiên, giới chức quốc gia Nam Á này đã hoan nghênh động thái trên và cam kết tạo cơ hội việc làm cho Taliban sau khi họ tham gia tiến trình hòa bình.

Nhóm vũ trang Taliban từng nhiều lần bác bỏ đề xuất đàm phán với chính phủ. Vì vậy, động thái này được xem là cái kết có hậu cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Ghani – “cha đẻ” của “Gói đề xuất hòa bình” với Taliban. Đề xuất này đã nhận được sự hoan nghênh từ các đại biểu tham dự hội nghị Kabul, đến từ hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Pakistan cũng ủng hộ sáng kiến mới nhất của Tổng thống Ghani, động thái có thể được coi là bước đột phá đầu tiên trong việc làm tan băng trong quan hệ giữa Kabul và Islamabad.

Theo lộ trình hòa bình mới do Tổng thống Ghani vạch ra, chính phủ đồng ý hòa đàm vô điều kiện với Taliban, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại quốc gia Nam Á này. Đề nghị của Tổng thống Ghani, trên thực tế là một gợi ý đặc biệt và cho thấy sự linh hoạt cao độ của chính phủ Afghanistan đối với Taliban để khuyến khích lực lượng vũ trang này ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng vẫn còn đó những lo ngại. Nhiều người cho rằng, Taliban có thể dễ dàng quay ngoắt 180 độ. Nhóm này có thể sẽ quyết định không ngồi vào bàn đàm phán trừ khi và cho đến khi những người ủng hộ nhóm này ở nước ngoài được thuyết phục để hỗ trợ chân thành những nỗ lực hòa bình đang diễn ra ở Afghanistan. Thật ra, các bên liên quan trong vấn đề Afghanistan và các nước xung quanh đang nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia này.

Và rõ ràng, cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sẽ không kết thúc trong tương lai gần nếu sự hợp tác khu vực không được đảm bảo.