Hoa Đà Lạt: Loay hoay tìm hướng đi

Thứ ba, 05/01/2016 09:47

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI, ngày 30-12- 2015, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi tọa đàm tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm hoa Đà Lạt, chủ động hội nhập quốc tế. Gần 200 người, đại diện cho các đơn vị, doanh nghiệp và nông dân sản xuất, hoạt động trong lĩnh vực hoa tham dự đưa ra các ý kiến tìm giải pháp nâng cao giá trị ngành xuất khẩu hoa của Đà Lạt.

Bế tắc đầu ra

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đà Lạt hiện có 7.600ha hoa, sản lượng đạt 2,5 tỷ cành, có 10% được xuất khẩu, đạt giá trị 26 triệu USD; 60% được tiêu thụ tại TPHCM. Đây là sản lượng chỉ bằng khoảng 10% năng lực sản xuất hoa của Đà Lạt và giá trị thì chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng cung ứng của thành phố hoa. Mục tiêu ngắn hạn tới đây, ngành xuất khẩu hoa Đà Lạt phấn đấu đạt 30 triệu USD. Tuy nhiên, điều làm người trồng hoa và các công ty chuyên trồng, kinh doanh hoa tại Đà Lạt lo lắng nhất hiện nay là sản phẩm hoa của thành phố này đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường nội địa, trong đó lớn nhất là TPHCM và một số tỉnh miền Trung. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 2010 toàn tỉnh có hơn 5.100 ha hoa các loại, sản lượng hơn 1,1 tỷ cành, đến năm 2015 diện tích tăng lên 7.594 ha với sản lượng hơn 2,3 tỷ cành. Riêng TP Đà Lạt chiếm hơn 63% diện tích và 67% sản lượng hoa, tuy nhiên chỉ có hơn 10% được xuất khẩu, với kim ngạch ước đạt 26 triệu USD; 60% được tiêu thụ tại thị trường TPHCM, còn lại 30% phân phối về các tỉnh thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt thông tin thêm, diện tích và sản lượng hoa tăng trung bình 15%/năm, nhưng giá hoa lại giảm khoảng 3 lần. "Nếu năm 2000 - 2003 giá hoa cúc từ 3.000 - 4.000 đồng/cành thì nay chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/cành, có nghĩa giá trị sản phẩm sụt giảm dẫn đến thu nhập của người trồng hoa giảm theo", ông Sơn nói. Ông Trần Huy Đường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt có một so sánh đáng suy ngẫm: "Nếu so sánh Đà Lạt với cao nguyên Cameron của Malaysia thì ưu thế của Đà Lạt vượt trội hơn hẳn. Cao nguyên Cameron chỉ có khoảng 600ha hoa cúc nhưng sản lượng  xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hằng năm chiếm tới 60% tổng sản lượng hoa".

Việc hoa Đà Lạt phụ thuộc quá lớn vào thị trường tiêu thụ trong nước đã gây ra tình trạng được giá thì mất mùa và ngược lại. Đã có thời điểm hoa được mùa lại mất giá thê thảm khiến nhà vườn phải phá bỏ hoa. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chính khiến hoa Đà Lạt hàng chục năm qua vẫn cứ loay hoay tiêu thụ ở sân nhà chính là chất lượng hoa chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Trình độ tay nghề những người trồng hoa có chất lượng chưa cao, chất lượng hoa thương phẩm thấp là hậu quả của việc thoái hóa giống. Các loại giống hoa mới, có chất lượng cao được gieo trồng tại Đà Lạt hiện nay lại phụ thuộc vào thị trường giống nhập nội nên giá thành sản phẩm khá cao, khó cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp hoa trên thế giới.

Bên cạnh đó, người dân trồng hoa vẫn chưa được tạo điều kiện thật sự thuận lợi để xây dựng được thương hiệu Hoa Đà Lạt; chưa có tổ chức nào xây dựng, đưa ra quy chuẩn chung cho nông dân tạo ra hoa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; chưa quản lý được và cũng chưa tạo được giống đủ chất lượng đưa vào sản xuất hoa xuất khẩu. Do đó, nông dân Đà Lạt chỉ sản xuất hoa theo thói quen với những sản phẩm hoa cũ mà không có các loại hoa đặc hữu tạo nên thương hiệu cho hoa Đà Lạt.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ghi nhận những vấn đề trên là lỗi của chính quyền địa phương. Nhà quản lý cũng chưa đưa ra dự báo thị trường cho nông dân trồng hoa... nên giá trị hoa của Đà Lạt vẫn còn thấp.

Thương hiệu là tiêu chí hàng đầu

Hầu hết các ý kiến đóng góp cho rằng, muốn hoa Đà Lạt bay xa, vươn tới những thị trường mới, khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước Châu Âu..., việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng hoa Đà Lạt bằng cách thực hiện công tác quy hoạch phát triển vùng sản xuất hoa, nhất là hoa ứng dụng công nghệ cao, tránh phát triển hoa manh mún, tự phát ngoài vùng quy hoạch. Thay đổi các giống hoa đã bị tha hóa bằng các giống mới nhập nội có chất lượng cao nhằm đầu tư phát triển hoa theo chiều sâu. Nhanh chóng đưa khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa ngay từ khâu trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ đến đảm bảo môi trường sinh thái, sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó phải xây dựng các kênh pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế, hỗ trợ, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia Hiệp hội ngành nghề nhằm đảm bảo lợi ích chung và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi thị trường hoa bất ổn. Đồng thời hình thành kênh lưu thông hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ, gắn người sản xuất với hệ thống hợp tác xã, các đại lý, chợ đầu mối bằng các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoa cho người trồng hoa.

Công tác xúc tiến thương mại để quảng bá hoa Đà Lạt ra các thị trường trong nước và thế giới cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt, thương hiệu là tiêu chí quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn và qua đó hoa Đà Lạt có thể khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và thế giới, nên việc xây dựng thương hiệu, đăng ký thương hiệu hoa Đà Lạt là việc cần làm ngay lúc này.

Trước mắt, TP Đà Lạt đang nỗ lực để tổ chức Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt nhằm kết nối, tạo điều kiện, cung cấp nhu cầu thị trường... cho người trồng hoa. Như vậy, bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và hoa Đà Lạt nói riêng cho nông dân bao giờ mới có lời giải? Câu trả lời sẽ dành cho các nhà quản lý của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung trong thời gian tới.

Lê Kiên