Hỏa hoạn thiêu rụi trại tị nạn lớn nhất Châu Âu

Thứ năm, 10/09/2020 13:22

Không có báo cáo về thương vong cho đến nay, và các nhà chức trách cho biết vẫn đang đánh giá phạm vi thiệt hại.

Khu trại dành cho người di cư lớn nhất Châu Âu, Moria, đã bị “phá hủy hoàn toàn” sau khi đám cháy lớn bùng phát vào rạng sáng 9-9 tại địa điểm quá đông đúc trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Các nhân viên cứu hỏa được điều đến khẩn cấp, nỗ lực dập lửa tại trại tị nạn, nơi có khoảng 13.000 người, gấp hơn 6 lần sức chứa tối đa là 2.200 người, đang sinh sống.

Khu trại tị nạn Moria đã bị “phá hủy hoàn toàn” sau khi đám cháy lớn bùng phát vào rạng sáng 9-9.   Ảnh: AFP

Hàng chục nghìn người sơ tán khẩn cấp

Hàng chục nghìn người tị nạn phải đi sơ tán. Không có báo cáo về thương vong cho đến nay mặc dù một số người đang gặp vấn đề về hô hấp nhẹ do tiếp xúc với khói trong khi các nhà chức trách cho biết họ vẫn đang đánh giá phạm vi thiệt hại.

Theo AFP, hỏa hoạn xảy ra sau nửa đêm 8-9 và bùng phát dữ dội vào rạng sáng 9-9. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, đến rạng sáng 9- 9, trại Moria cháy gần hết, chỉ còn lại một số thùng và lều bạt đang cháy âm ỉ. Khoảng 13.000 người, trong đó có nhiều trẻ em, hoảng loạn chạy ra khỏi các trại, lều vào những cánh đồng và rừng ô liu liền kề khi ngọn lửa thiêu rụi phần lớn khu trại chật chội, tồi tàn. Nhiều hình ảnh cho thấy, vài người đang tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong đống tro tàn.

Ít nhất 25 lính cứu hỏa với 10 xe chữa cháy, với sự hỗ trợ của cảnh sát, đã nỗ lực dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, việc có quá đông người ở trại tị nạn đã cản trở nỗ lực của họ. Một quan chức Bộ Nhập cư cho biết Moria “có lẽ đã bị phá hủy hoàn toàn”. “Trại đã bị phá hủy 99% ... và lửa vẫn đang cháy”, giám sát hỏa hoạn địa phương Yorgos Ntinos nói với AFP. George Moutafis, một nhiếp ảnh gia, nói với kênh truyền hình Mega của Hy Lạp rằng trại đã “bị phá hủy hoàn toàn”. Các văn phòng hành chính, một bệnh xá bên trong trại và hàng ngàn lều trại và đã bị hư hại, theo trang tin tức địa phương Lesvospost. 

Trong khi đó, cảnh sát cho biết tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát và họ buộc phải thả khoảng 200 người đang bị giam giữ ở một khu riêng trong trại để chờ trục xuất về nước.

Bùng phát do phản đối cách ly dịch Covid-19

Cảnh sát chống bạo động đã gấp rút đến Lesbos vào sáng 9-9 và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giải quyết khủng hoảng.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy trong khi các báo cáo ban đầu cho biết, ngọn lửa bùng lên ở một số địa điểm khác nhau trong trại sau khi nhà chức trách nỗ lực cách ly 35 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng họ phản đối. Hãng thông tấn Hy Lạp ANA cho biết, đám cháy xảy ra do hành động đốt phá chống đối của những người này. Các nhân viên cứu hỏa cũng cho biết, họ đã bị một nhóm người tị nạn chặn không cho vào trại để chiến đấu với ngọn lửa và đã yêu cầu cảnh sát hỗ trợ.

Phát ngôn viên chính phủ Stelios Petsas cho biết, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn bộ hòn đảo và đang điều tra về các báo cáo về hành vi đốt phá. Ông cảnh báo, các nhà chức trách phải đối mặt với một nỗ lực “khổng lồ” để tìm nơi tạm trú cho những người xin tị nạn, cũng như truy tìm và cô lập hàng chục trường hợp mắc Covid-19 đã được xác nhận trong số họ. “Có 35 ca dương tính và họ cần được cách ly... để ngăn chặn sự bùng phát trong dân cư địa phương”, ông Petsas nói với kênh truyền hình ERT của bang. Hàng trăm người xin tị nạn đã cố gắng chạy bộ đến thị trấn cảng Mytilene nhưng bị xe cảnh sát chặn lại, trong khi những người khác đã đến trú ẩn trên những ngọn đồi xung quanh các trại. Nhóm hỗ trợ người tị nạn Stand by Me Lesvos cho biết trên Twitter, họ đã nhận được báo cáo rằng, người dân địa phương Hy Lạp trên đảo đã chặn những người xin tị nạn đang chạy trốn vào một ngôi làng gần đó.

Trại Moria thường xuyên bị chỉ trích vì các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Bạo lực bùng phát ở Moria và các trại trên đảo khác là phổ biến. Mại dâm, tấn công tình dục, trẻ vị thành niên mất tích, buôn bán ma túy và đánh nhau xảy ra gần như hàng ngày trong trại, nơi hàng chục người đã bị đâm chết trong lều hoặc tự sát. tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi trại này đã được phong tỏa hôm 2-9 sau khi nhà chức trách xác nhận một người tị nạn mắc Covid-19. Số ca nhiễm sau đó đã lên tới 35. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội và các biện pháp đảm bảo vệ sinh cơ bản không thể thực hiện được tại đây do số người quá đông trong không gian quá chật hẹp.

KHẢ ANH