Hòa nhịp cùng Tết Mậu Thân (Bài cuối: “Bắt Mỹ đền tội đúng khi giao thừa”)

Thứ bảy, 03/02/2018 12:36
21 giờ 30 ngày 30-1-1968, sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tổ chiến đấu xuất phát từ bờ tây ra hướng đông, xuôi dòng Cu Đê, vượt qua gầm cầu Thủy Tú ra cửa sông đến bãi biên Nam Ô. Đêm 30 Tết, trời tối như mực. Tổ chiến đấu bí mật cơ động gần bờ đến vùng vịnh Phú Lộc. Trước mắt anh em, vịnh Đà Nẵng mênh mông, vẫn ầm ào cuộn sóng vào bờ cát. Đèn điện trên các con tàu neo đậu tỏa từng đám sáng lung linh, chen lẫn những đám sáng di động của tàu bè vào vịnh. Tổ chiến đấu tiếp tục lên đường, hướng về mục tiêu ngoài biển. Nhìn vào bờ, khu hậu cần Mỹ ở Bàu Mạc, Xuân Thiều đèn bảo vệ dày đặc, sáng choang, trông rõ nét những tốp lính đi tuần ngoài bãi cát, ven các kho chứa hàng quân sự.
Đến vùng vịnh Phú Lộc, từ trong bờ ra đến mục tiêu chỉ 2km, nhưng anh em phải bơi cắt một đường chéo đến 3km để ngang dòng nước từ ngoài biển xô vào mới tiếp cận được mục tiêu. Ai nấy đều cố hết sức bình sinh, trong lòng biển lạnh mà tưởng như mồ hôi toát ra hòa vào trong nước. Gần đến mục tiêu, anh em dùng kỹ thuật “đi chìm” bí mật vào đến mục tiêu an toàn. Vài ba tên thủy thủ trên tàu đi lại trên boong quan sát chung quanh. Con tàu sừng sững, sáng trưng trong ánh sáng của vô số bóng đèn lớn nhỏ. Tàu chứa hàng nên thước đo mớn nước thân tàu ở mức tải trọng cao. Không có khối nổ nam châm nên anh em áp khối nổ vào thân tàu, Tổ trưởng Huỳnh Thế giữ khối nổ, một tổ viên kéo đầu dây buộc chặt vào dây xích thả neo ở đầu mũi tàu, một tổ viên kéo một đầu dây kia quàng vào chân vịt ở đuôi tàu. Sau đó, tổ trưởng điểm hỏa rồi cả tổ rút nhanh, hơn ba mươi phút đã vào đến bờ biển Phú Lộc. Đúng lúc ấy, đồng hồ đã chỉ đúng 24 giơ, vừa lúc trong thành phố, tiếng súng tiến công, nổi dậy nổ ran.
Hướng Nam thành phố, nhiều đám cháy, ngọn lửa bôc cao, khói đen mù mịt cuộn lên. Bất thình lình, từ mục tiêu ngoài vịnh Phú Lộc, một ánh lửa bốc lên. Tiếp theo là tiếng nổ lớn dựng lên một cột nước cao hàng chục mét rồi vỡ ra đổ xuống, đúng nơi chiếc tàu đang chìm dần xuống đáy biển sâu.Tổ chiến đấu vui mừng chiến thắng, sau đó chuyển qua lo lắng bởi nguy hiểm đang hiện dần ra nước mắt. Đến 3 giờ ngày 31-1-1968 (mùng một Tết Mậu Thân), tiếng súng đã im, thay vào đó là tiếng gầm rú của xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng với hàng tràng đại liên M50, đại liên 60 xen lẫn tiếng súng AR15, cối cá nhân M79 của địch nổ vang khắp nơi. Từng tốp máy bay trực thăng chiến đấu lượn quần vùng ngoại vi thành phố, pha đèn bắn rốc két xuống nhiều nơi. Trời sắp sáng, tại điểm hẹn nhưng không có người nào đón, tình thể trở nên vô cùng nguy hiểm, tổ chiến đấu buộc phải đi tìm chỗ ẩn nấp trong một chiếc ghe hỏng của ngư dân úp bỏ từ lâu, cỏ dại và dây muống biển bò lan che lấp. Tất cả trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và quyết tử khi địch lùng sục đến đây.
 


Ông  Phạm  Xuân  Sanh  cùng  đồng  đội ôn lại kỷ niệm một thời đánh Mỹ.

Cả ngày 31-1, Mỹ, ngụy vây ráp đánh phá khắp nơi tại Đà Nẵng. Cảnh sát, biệt động quân, dân vệ áo đen kéo nhau đi lùng sục bắt bớ, tra tấn, bắn giết dã man trên các đường phố, làng xóm. Nhân dân Đà Nẵng đón tết trong máu lửa hận thù. Một ngày căng thẳng sắp qua, hoàng hôn xuống, một đêm nữa lại bắt đầu. Vẫn chưa có người đón tiếp, tổ chiến đấu bàn nhau tự mình tìm phương thoát hiểm. Giữa hang ổ kẻ thù, lính Mỹ, ngụy dày đặc, nhưng tổ không nắm vững địch tình, đường đi lối lại, chỉ nhằm hướng mà đi là vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu vẫn còn nấn ná lại đây, trước sau gì chúng cũng lùng sục đến. Trước tình thế đó, tổ quyết định dò đường đến khu vực ngã ba Huế, rồi từ đây tìm cách vượt ra vùng ven đô về vùng tranh chấp để tìm gặp du kích, bộ đội của ta. Trong đêm tối, 3 người băng qua những cồn cát, những bãi đầy cỏ dại, qua các vuông ruộng bỏ hoang, lội qua những khu nước, đến khu đất trồng hoa màu của dân, rồi vào khu dân cư nghèo nhà cửa lụp xụp ở ngoài rìa thành phố. Qua được khu vực này là đến phố xá, nhà xây mái tôn, xen lẫn nhà cao tầng liền nhau, dọc theo đường lớn hiện rõ dưới ánh sáng từ đèn điện trên các cột điện tỏa xuống. Lợi dụng bóng tối, tổ chiến đấu tiếp tục vượt qua đường để sang dãy phố bên kia, rồi đi dọc theo các xóm nhà có vườn cây, bờ tre rậm rạp chạy theo dọc trục đường sắt Bắc Nam. Không ngờ, khi vượt qua đường, các đồng chí bị bọn lính địa phương quân đi tuần phát hiện, liền hô hào bọn dân vệ áo đen đuổi bắt. Trong tình thế hiểm nghèo đó, 3 chiến sĩ đặc công nước vừa đánh chìm tàu Lo-ry của Mỹ, chịu đói khát suốt ngày đêm qua, đã chiến đấu anh dũng đến hết viên đạn cuối cùng... Ngày hôm sau, thi thể của Phân đội trưởng Huỳnh Thế và 2 tổ viên được bà con địa phương đưa về chôn cất.
 
Sự hy sinh của những chiến sĩ đặc công nước trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhất là chiến công đánh chìm tàu quân sự Lo-ry của quân xâm lược Mỹ đã thắp sáng thêm truyền thống của binh chủng Đặc công nước Quảng Đà anh hùng. “Chiến công nhiều nhưng tổn thất cũng lắm”, giọng Đội trưởng Phạm Xuân Sanh chùng xuống. Ông bảo, do Quảng Đà là chiến trường hết sức ác liệt, trọng điểm nên lực lượng đặc công nước không tránh khỏi những hy sinh, mất mát. “Đến nay, còn hàng chục đồng chí, đồng đội của tôi, thân xác họ vẫn chìm sâu đâu đó trong lòng nước lạnh, trên khắp sông lạch, biển cả của Quảng Nam, Đà Nẵng. Những người còn sống sót thì 100% đều mang thương tật”, những giọt nước mắt của người Đội trưởng năm nào bỗng chảy dài trên má...

D.HÙNG (ghi)