Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Những ký họa trên chiến trường Quảng Nam

Thứ ba, 03/08/2021 21:22

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam, mảnh đất đầy gian nan khói lửa và hy sinh… chính là nơi các văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình để sáng tác nên những tác phẩm văn học- nghệ thuật giá trị. Trong số các văn nghệ sĩ ấy, có hàng chục họa sĩ là con em miền Bắc xung phong đi chiến trường, dấn thân, bám địa bàn, trận địa, cùng ăn, cùng ở với đồng bào vùng giải phóng để có những bức ký họa đầy sinh động, trở thành nguồn tư liệu quý về một thời khói lửa đạn bom, hào hùng anh dũng ở chiến trường đất Quảng…

Họa sĩ Giang Nguyên Thái ký họa trên đường vào chiến trường khu V. 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái là một trong những người đã để lại dấu ấn đậm nét với hàng trăm bức ký họa dọc dài mảnh đất Quảng Nam từ miền núi phía Tây cho đến vùng trung du, đồng bằng. Ông trực tiếp theo những cánh quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, vào tận những bản làng đồng bào xa xôi… để cảm nhận và ký họa. Giang Nguyên Thái là người con của làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trước khi vào chiến trường Quảng Nam, ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, có tên trong danh sách được cử sang Viện Hàn Lâm mỹ thuật Xophia Bungari tiếp tục học cao học mỹ thuật, nhưng cũng như nhiều trí thức trẻ của Hà Nội bấy giờ, ông quyết định xung phong vào chiến trường khu V ác liệt.

Đó là vào mùa xuân năm 1969, chàng trai Hà Nội khoác ba lô, từ biệt gia đình lên đường đi vào mặt trận với biết bao cảm xúc đan xen. Họa sĩ Giang Nguyên Thái nhớ lại "Vào Quảng Đà mới thấy đây là một chiến trường cực kỳ ác liệt. Chúng tôi vừa làm việc, sáng tác, vừa di chuyển dưới những ruộng bói của vùng Kỳ Lam-Gò Nổi để tránh mưa bom của địch. Trong bối cảnh như thế, tôi đã vẽ được khá nhiều ký họa. Đó là những bức ký họa chân dung các mẹ, dân quân, du kích… ở Xuyên Thanh, Duy Hòa, vùng B Đại Lộc. Nhiều lần đã cận kề cái chết ở những vùng đất này…".

7 năm vào chiến trường Quảng Nam (từ 1969 cho đến 1975), họa sĩ Giang Nguyên Thái đã vẽ trên 300 bức ký họa. Mỗi bức ký họa thể hiện một sắc thái tình cảm, nội dung câu chuyện và thời điểm diễn ra khác nhau. Ký họa về con người, vùng đất, về những trận đánh, về nỗi thống khổ của người dân trong chiến tranh… đều mang đến cho người xem cảm nhận hết sức chân thực, toát lên hơi thở và mạch đập trẻ trung của người nghệ sĩ, người lính Giang Nguyên Thái năm nào trên chiến trường đất Quảng. Với ông, đó không chỉ là những dấu ấn kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời bởi từng ký họa không chỉ gắn với mỗi tên đất, tên làng, tên người, tên sự kiện đã gặp, đã cảm nhận và vẽ nên.

Đó còn là những khoảnh khắc thiêng liêng ẩn chứa bao câu chuyện về một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, của số phận mỗi con người trong cuộc chiến. Có thể gọi tên hàng trăm ký họa của họa sĩ Giang Nguyên Thái về những năm ác liệt ấy trên vùng đất Quảng Nam. Tất cả đều thể hiện được nét vẽ tươi trẻ và tràn đầy sức sống, đối chọi hoàn toàn với sự khốc liệt của bom đạn ngày đêm hiện hữu khắp nơi. Đó là hình ảnh "Cô Út- du kích xã Poa"- vẽ năm 1971, trẻ trung, với gương mặt đầy kiên nghị, là hình ảnh dừng chân của bộ đội giải phóng bên rừng, nhận tiếp tế lương thực của đồng bào miền núi ấm áp tỉnh cảm quân dân, là "Ông già Mực", già làng xã Poa, Trà My, vẽ năm 1971, chất liệu bút chì, hay "Con em đồng bào Ca Dong làm gạo giúp các chú bộ đội"- vẽ năm 1972, "A Kết G-Rắc vót chông"- 1971, "Dân của chúng ta, đất của chúng ta"-1973, "Ngày hòa bình đầu tiên"- vẽ ở Xuyên Thanh năm 1973… rồi bức "Cầu Bà Huỳnh"- Quế Tiên, nay là Hiệp Đức, vẽ năm 1974, chất liệu bút sắt.

Du kích Quảng Nam- ký họa Giang Nguyên Thái.

Bức ký họa này theo họa sĩ Giang Nguyên Thái là một tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Bởi sau khi từ Tiểu Ban văn nghệ, Ban Tuyên huấn khu V hành quân đến địa điểm Cầu Bà Huỳnh, cảm nhận được nét độc đáo của cây cầu, qua bao nắng mưa bom đạn của địch vẫn đứng đó giữa đất trời như là sự kiên cường của lòng dân đất Quảng, họa sĩ đã dừng chân lấy giấy bút ký họa ngay, trở thành tác phẩm mà sau này ông rất trân quý, mà bất cứ khi nào có dịp về thăm chiến trường xưa, họa sĩ Giang Nguyên Thái đều dành thời gian để đặt chân đến địa điểm này. Những bức ký họa của họa sĩ Giang Nguyên Thái cùng với 14 họa sĩ từng tham gia chiến đấu và sáng tác trên chiến trường Quảng Nam đã được tuyển chọn để đưa vào tác phẩm "Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam ấn hành nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam cách đây ít năm. Đây hẳn là một tư liệu quý về một thời chiến tranh trên mảnh đất Quảng Nam với hơn 300 bức ký họa.

Riêng với họa sĩ Giang Nguyên Thái, sau ngày đất nước thống nhất, bằng gia tài có được là trên 300 bức ký họa, ông đã tiếp tục hoàn chỉnh thành những bức tranh, mang đi triển lãm ở Bungari khi được cử sang Viện Hàn Lâm mỹ thuật Xôphia học cao học mỹ thuật, khoa mỹ thuật Hoành Tráng từ 1976 đến 1978. Đây có thể nói là một niềm vinh dự lớn của một họa sĩ, đồng thời cũng là niềm tự hào đối với mảnh đất và con người Quảng Nam khi một thời đạn bom khói lửa gian lao và hy sinh anh dũng kiên cường đã có dịp bước ra thế giới như một minh chứng cho tinh thần yêu nước bất diệt.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái bây giờ đã ở tuổi 80, ông vẫn miệt mài sáng tác, vừa cùng với những họa sĩ, nhà điêu khắc một thời vào sinh ra tử trên chiến trường Quảng Nam, hoàn thành bức tượng chân dung đồng chí Võ Chí Công tặng trưng bày tại nhà lưu niệm vị lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của xứ Quảng Nam. Vẫn có những chuyến đi về nơi ngọn nguồn Thu Bồn, thăm lại đất và người xưa, thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội của ông vĩnh viễn nằm lại với đất này như họa sĩ Nguyễn Xuân Anh, Hà Xuân Phong… Vẫn mãi một lòng thủy chung với đất Quảng thân yêu.

Đặng Trương