Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh: Cái đẹp của mọi thời

Thứ bảy, 07/09/2013 11:42

(Cadn.com.vn) - Trên đường hành hương qua non nước Lam Hồng mà không viếng nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh thì quả là một thiếu sót... Đấy là lời nhắc nhở của anh bạn văn nghệ Hà Tĩnh, sau gần suốt cả ngày đường chúng tôi được dịp thưởng ngoạn khắp các địa chỉ văn hóa và lịch sử trên xứ sở "Trước Lam Thủy sau Hồng Sơn" vang danh văn vật. Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)-Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, là bậc thầy tranh lụa Việt Nam. Ông sinh ra tại thôn Tiền Bạt xã Trung Tiết, H. Thạch Hà nay là P. Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Nói đến tranh Nguyễn Phan Chánh là nói đến trường phái tranh lụa Việt Nam, suốt một cuộc đời hội họa, ông đã để lại một sự nghiệp to lớn với hơn cả trăm tác phẩm. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Phan Chánh là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được lưu giữ tại đây...

 

Nhưng tôi lại muốn nói về cái thuở ban đầu, về một thời những "Hoa sớm" bừng nở như thơ Phạm Hầu từng viết Cành mai vừa hé vài hoa sớm trong bài thơ "Mơ xuân" của ông. Phạm Hầu cũng là một họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Nguyễn Phan Chánh là lớp sinh viên khóa đầu tiên của trường từ những năm 1925, còn Phạm Hầu là khóa sau cùng 1940. Và cho dù số phận mệnh yểu dở dang, Phạm Hầu cũng đã kịp ghi tên mình thành một nét son trong buổi đầu lịch sử mỹ thuật Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Tuổi tên các họa sĩ đạt giải cao nhất tại các triển lãm tranh quốc tế thời bấy giờ như: Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Phạm Hầu... là những đóa "hoa sớm" tỏa ngát hương sắc, tạo dựng nên một bình minh huy hoàng cho nền mỹ thuật, thuở đất nước còn lầm lũi trong bóng đêm...

 Trời mỏng mảnh mưa rơi, nhẹ như khói, mặc chiếc áo mưa "tiện lợi" lào xào những âm thanh, tôi theo anh bạn văn nghệ Hà Tĩnh chạy xe máy lòng vòng khắp phố phường ngoại ô, rồi ngoặt vào một con đường làng dọc theo một dòng sông đã khô cạn. Cái dòng sông Tân Giang từng tắm gội tuổi thơ Nguyễn Phan Chánh thuở trăm năm trước giờ nó bồi lấp như thế này đây! Cạn khô nứt nẻ chơ vơ bùn đất và cây cỏ dại. Vài chiếc thuyền gỗ mục lâu đời như tự thời cổ tích xa xăm nằm gối bãi giống như bức tranh thủy mạc màu lam khơi gợi lại quá vãng một thời sông nước. Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh được dựng trong một khu vườn nhỏ bên cạnh dòng sông. Gọi là nhà lưu niệm nhưng thực ra chẳng thấy hiện vật lưu niệm gì. Tôi đứng bên bệ thờ thắp nén hương tưởng nhớ người xưa rồi bước ra lang thang dọc theo bờ sông cạn.

Tranh "Ô ăn quan".

Có lẽ khác với những họa sĩ cùng thời, danh họa Nguyễn Phan Chánh ngay từ thời còn nhỏ ở làng quê này đã là một họa sĩ... tí hon sớm bộc lộ tài năng. Người ta kể lại rằng, do mồ côi cha từ sớm, cảnh nhà nghèo khó, Nguyễn Phan Chánh từ thuở lên mười đã tập tành vẽ tranh, và biết vẽ đẹp các loại tranh dân gian truyền thống để bán, phụ giúp mẹ nuôi các em thơ. Chuyện thời hoa niên ông đã sớm vẽ tranh bán ở các chợ, nhất là những phiên chợ Tết, có chút gì đó như là dự báo một định mệnh cho cả cuộc đời tài hoa của ông sau này. Từ bấy, dường như miên man bất tận cái bể vô thức trong ông là cái làng quê Việt xưa thường hằng hiện hữu. Thế nên tranh ông, nơi đâu cũng phảng phất cái thần hồn quê Việt. Nào  Tắm cho trâu, Đi chợ, Đi lễ chùa, Đôi chim bồ câu, cho đến Cầu ao, Xóm chài, Đền làng, Mùa đông đi cấy... Hàng bao nhiêu đề tài là bấy nhiêu hồi quang rực rỡ về những làng quê xưa, như muốn dẫn đường, muốn cho con người ta thỏa mãn cái nhãn quan thưởng ngoạn về một quê quán xa xưa đã bị thời gian tước đoạt.

Người ta còn nhớ bức tranh mang lại thành công buổi đầu của Nguyễn Phan Chánh là bức "Ruộng lúa", ông vẽ tham dự giải thi tem Bưu chính Đông Dương do Pháp tổ chức, và đã đoạt giải Nhất vào năm 1928 lúc đang còn là sinh viên. Từ bức "Ruộng lúa" cho đến mãi về sau này những bức "Lội suối", "Tiên Dung và Chử Đồng Tử" và "Kiều tắm" là cả một hành trình thăm thẳm trải qua nửa thế kỷ lao động sáng tạo, đã mang lại vinh quang không chỉ riêng ông mà còn cho cả nền Mỹ thuật đất nước. Các nhà phê bình khi viết về hội họa Nguyễn Phan Chánh thường nhắc đến người thầy của ông: Họa sĩ Victor Tardieu, với khuynh hướng đào tạo cho các sinh viên Việt Nam trở thành những họa sĩ thuần túy Việt Nam. Quan điểm đó không có gì bàn cãi, nhưng xét về phạm trù tương quan giữa thế giới và cái tôi nghệ sĩ của từng cá nhân (thiên tài), thì sự thành công của mỗi tác phẩm nghệ thuật còn là kết quả của từng cái tôi thiên tài độc đáo. Và chính Nguyễn Phan Chánh là mẫu nghệ sĩ độc đáo ấy. Đồng lúa - nương dâu - sân đình - cánh cò bay tít tắp đồng xa..., tất cả hình ảnh, sắc màu đẹp đẽ đó đã là máu huyết tuần hoàn nuôi dưỡng ông ngay từ thuở ấu thơ.

 Đi loanh quanh trên những con đường làng Tân Giang, quả thật những hình ảnh xưa trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh chừng như mơ hồ đâu đây. Vẫn biết đấy là từ vọng tưởng mà ra, nhưng nhìn đàn trẻ nhỏ tụ năm tụ ba vui chơi trên con đường làng, hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến tác phẩm tranh lụa "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh. Thông thường, người ta có thể thuộc lòng thơ, nhạc của ai đó mà họ yêu thích, thuộc đến nỗi hòa tan vào vô thức. Nhưng để thuộc lòng một họa phẩm như là thuộc thơ nhạc thì quả là hiếm. Vậy mà thế giới tranh Nguyễn Phan Chánh, những "Chơi ô ăn quan" hay "Em bé cho chim ăn", hoặc còn nhiều hơn thế nữa, công chúng thưởng ngoạn khắp mọi miền đều thuộc nằm lòng, thuộc như thơ, như nhạc. cứ như sông suối chảy vào hòa tan trong mọi tâm hồn vĩnh cửu một quê xưa.

Nguyễn Nhã Tiên