Hòa Xuân ngày mới
Hòa Xuân bên sông nước hữu tình. |
Lang thang trên mạng, rất tình cờ tôi được nghe bài hát "Hòa Xuân ngày mới" lời thơ Cẩm Nhung, nhạc Thái Phú qua giọng ca của Thanh Yên và đoàn ca múa Quân khu 5. Lời bài hát có đoạn "... giang đôi tay nồng ấm ta chào đón bao con tim cháy bỏng tình yêu thương/ về với bình yên quê mẹ tha thiết/ tiếng ca nồng nàn mê say/ Hòa Xuân tràn đầy". Lại tình cờ hay cơ duyên, năm 2015, Hòa Xuân giang tay chào đón gia đình tôi.
Buổi ban đầu, gia đình tôi và có lẽ cùng nhiều gia đình khác khi chọn Hòa Xuân làm quê hương thứ hai của mình có một chút ngỡ ngàng lạ lẫm, một chút ngại ngùng như những cô dâu mới về nhà chồng. Chỉ "lạ cái nhìn" nên tâm trạng chung là đau đáu một nỗi nhớ quê xưa làng cũ. Vẫn góc phố vẫn hàng cây/vẫn nghe giọt nắng cuối ngày rơi im/ chiều quen chỉ lạ cái nhìn/thành ra viễn xứ nỗi niềm tha phương " (NBH).
Nhưng rồi, cái cảm giác ấy qua đi rất nhanh bởi tình người nơi đây, bởi sự thân thiện gần gũi dễ mến của cán bộ quản lý, bởi sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan công quyền, sự hữu hảo hòa đồng đùm bọc thân ái của bà con tổ dân số, khu dân cư. Những tên người mới ngày nào còn xa lạ nay rất đổi thân thuộc, anh Ban bí thư chi bộ, chị Nga tổ trưởng dân phố, anh Duy Cảnh sát khu vực, bác Nghĩ cựu chiến binh..., rồi chị Phương bún giò, anh Phước cà-phê, anh Vi bộ đội... lúc nào cũng thăm hỏi ân cần mỗi khi gặp nhau như những người thân đi xa mới về.
Về với Hòa Xuân tuyệt đẹp, khu đô thị mới bốn bề sông nước, phố xá thênh thang, khiến nhiều người không thể không thốt lời ca ngợi. Chỉ là một phường thôi nhưng diện tích tự nhiên 1.102ha gần bằng diện tích Q. Thanh Khê, ngày mới thành lập (2005) dân số chỉ có gần 13 nghìn người, đến nay dân số đã gấp gần 3 lần, và rồi con số này sẽ không dừng lại khi trung bình mỗi tháng, trên địa bàn phường có hơn 200 công trình xây dựng nhà ở được cấp phép. Ấn tượng nhất vẫn là một phường không có con hẽm hay đường kiệt nào, một trăm phần trăm nhà ở mặt tiền, con đường nhỏ nhất cũng 5,5m với hai làn xe, lề đường mỗi bên 3m. Điện nước, cây xanh, các tiện ích khác của một khu đô thị hiện đại khá đầy đủ và hiệu quả, các dịch vụ khác phục vụ đời sống nhân dân mỗi ngày một phát triển và hoàn thiện. Ngay chỗ tôi ở có đến 3 trường mầm non hoành tráng 4 đến 5 tầng lầu như Chú Ếch Con, Ban Mai Xanh, My Mon, đón đầu cho một tương lai tươi trẻ của một mảnh đất trẻ trung đầy tiềm năng và sức sống.
Chỉ mới đây thôi, Hòa Xuân là một xã thuần nông, nay đã là một đô thị sinh thái với cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp mức sống người dân tăng lên đáng kể.
Mùa hè đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, gió từ những dòng sông phả hơi rượi mát khiến lòng người thanh thản, bình yên. Cùng với những con đường mang tên các danh nhân, anh hùng liệt sĩ, các văn nghệ sĩ... còn có những con đường mang tên làng tên xóm một thời: Lỗ Giáng, Cồn Dầu, Trung Lương, Thanh Lương...
Tôi có cảm giác Hòa Xuân là một bán đảo, bởi sông nước bao quanh các hướng Nam, Bắc, Đông, chỉ phía Tây là giáp quốc lộ. Từ các nơi để đến với khu đô thị mới Hòa Xuân, phải qua các cây cầu mới hiện đại và rất đẹp: Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông trên tuyến đường Võ Chí Công, Hòa Xuân, Trung Lương trên tuyến đường Nguyễn Phước Lan. Trước đây không có những cây cầu này, một bến đò Xu buồn muôn thuở không thể nối Hòa Xuân với thế giới bên ngoài, một Hòa Xuân tách biệt buồn tẻ phát triển chậm.
Hòa Xuân là một vùng đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước, mảnh đất của những "con tim cháy bỏng tình yêu thương". Bằng tình yêu quê hương, xương máu của những con người nơi đây đã góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng xây dựng thành phố Đà Nẵng đáng yêu giàu đẹp.
Đi giữa chiều tháng Giêng nắng vàng dệt sợi đan những chiếc áo mùa xuân, trong tôi lại vang lên giai điệu bài hát "Hòa Xuân ngày mới": "Vọng tiếng ru xưa miền quê tôi những ngày lửa đạn/dòng máu cha ông thắm đỏ vào hồn thiêng sông núi/ viết trang sử đẹp tên quê, tên làng quê Hòa Xuân"...
Tản văn NGUYỄN BÁ HÒA