Hoài niệm Đinh Cường

Thứ hai, 11/01/2016 09:08

(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Đinh Cường, một trong những gương mặt hội họa nổi tiếng hàng đầu từ trào lưu mỹ thuật đô thị miền Nam trước năm 1975 vừa qua đời tại Mỹ vào tối 8-1-2016, ở tuổi 77, để lại nhiều thương tiếc cho những người yêu mến khuynh hướng mỹ thuật lãng mạn, giàu hoài niệm của ông. Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989, sau đó định cư tại Mỹ. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật quốc gia, Sài Gòn năm 1964, từng giảng dạy tại Trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ thuật Huế. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương trong và ngoài nước.

Họa sĩ Đinh Cường tại  gia đình nhà văn Quế Hương
(từ trái sang: diễn viên Lê Nuôi (Bernard - phim Ký ức Điện Biên), họa sĩ Đinh Cường,
họa sĩ Phan Ngọc Minh, Trần Trung Sáng, vợ chồng nhà văn Quế Hương).

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, trong những chuyến về thăm quê hương, dù bận bịu thế nào, họa sĩ Đinh Cường vẫn luôn dành thời gian ghé thăm Đà Nẵng. Những lần như vậy, tôi thường tình cờ gặp ông trên những lối đi dẫn về hồi ức của thời trai  trẻ mơ mộng, đam mê... Năm 2005, có lần ông nhờ tôi đưa tìm thăm gia đình nhà văn Quế Hương. Ông không những yêu mến tác giả này qua các tác phẩm viết về Huế, Hội An... mà ông còn biết chị từng dạy học cùng trường với vợ ông tại Huế. Một lần khác vào dịp cận Tết, lần đầu tiên, sau mấy chục  năm, Đinh Cường mới thực hiện được nguyện vọng gặp lại người phụ nữ tên T.- người đẹp một thời vang bóng tại  Đà  Nẵng, lưu dấu trong những bức tranh chân dung tâm đắc của ông. Dường như thời gian đã làm con người đời thật tàn phai, khác biệt ít nhiều, nhưng chân dung phụ nữ ấy trong tranh Đinh Cường vẫn còn mãi nét đẹp tinh anh, bình yên và huyễn hoặc...

Một lần  trở lại Đà  Lạt, Đinh Cường đã viết về những hồi ức của mình: “Nay tôi lẳng lặng ngồi một mình một góc trên chiếc băng ghế da dài ở cà-phê Tùng. Ông Tùng mất đã 2 năm nay. Còn bà Tùng và con trai cả tiếp tục trông coi quán. Cà-phê Tùng cũng như cà-phê Lâm ở Hà Nội, lâu năm nhất, một góc thân thuộc như linh hồn của phố, và của cả nghệ thuật... Vách bên trái vẫn còn treo bức Thiếu nữ xanh của tôi, đã 40 năm, từ hôm ông mua ở phòng triển lãm tại Alliance Francaise Đalat, 1965. Vách bên phải là bức Người chơi đàn guitar, đầu cúi xuống, khổ lớn, màu nâu ấm, của Vị Ý. Phòng trong vẫn còn bức chân dung thiếu nữ với chiếc bandeau màu hồng nhạt của Cù Nguyễn. Nhìn lại tranh xưa, qua thời gian tàn phai, qua hoàn cảnh đổi thay–ông phải giấu đi một thời gian dài mới đem ra treo lại–lần gặp tôi về thăm đầu tiên, ông nói vậy. Không biết bộ báo Bách Khoa đóng bìa da mà ông sưu tập đầy đủ, có còn không...”.

Đồng  hành cùng những lời ca trong nhạc Trịnh Công Sơn, hình ảnh người phụ nữ trong tranh của Đinh Cường thường mang một vẻ đẹp mỏng manh, với những chiếc cổ thanh tú, tà áo dài với những gam màu trang nhã, u buồn, đôi tay thanh thoát buông thả hoặc đan vào nhau với vẻ cam chịu, với màu sắc bảng lảng, thơ mộng, sương khói của một thời để nhớ ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn...

Đinh Cường  cho biết, ông đã  vẽ  nhiều  bức  tranh từ  các  lời nhạc Trịnh Công Sơn:

“...gọi nắng

trên vai em gầy đường xa áo bay...”.

(Hạ Trắng)

hay

“...vai em gầy guộc nhỏ

như cánh vạc về chốn xa xôi...”.

(Như Cánh Vạc Bay)

Và  “Thiếu nữ trong vườn khuya”:

“Có nhiều khi

từ vườn khuya bước về

bàn chân ai rất nhẹ

tựa hồn những năm xưa...”.

(Phôi Pha) 

Về  đặc điểm những  thiếu  nữ  với  chiếc  cổ  rất  dài trong tranh Đinh Cường, sinh thời, Trịnh  Công Sơn có lần nhắc đến: “Đầu những năm 60, bóng dáng của Modigliani (1884-1920), và các bậc thầy của các trường phái hội họa mới thấp thoáng đi về dưới những bức tường cổ, rêu phong của Đại Nội. Ở đó có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và ở đó cũng có Đinh Cường”.  Còn Đinh Cường thì nói rõ: “Bức tranh cô gái cổ dài đầu tiên của tôi là bức “Biển nhớ” theo bản nhạc của Trịnh Công Sơn vừa viết xong năm 1963. Cô gái gập cổ dài, rủ buồn trước biển, với con dã tràng màu đỏ. Bị mê hoặc lúc nào không hay bởi những chân dung thiếu nữ của Modigliani, với chiếc cổ dài như con thiên nga mà người họa sĩ đã phát hiện, như tìm được chân lý...”.

 Dù  không sinh ra ở Huế  nhưng hình ảnh  thiếu nữ trong tranh họa sĩ Đinh Cường lại  khiến  người  xem cảm  nhận  đó là  những  thiếu  nữ Huế.  Dường  như  chỉ  có  tranh ông mới lột  tả  được những bâng khuâng, mơ mộng ẩn dưới vẻ yểu điệu thục nữ, gương mặt dịu dàng nhưng lạnh lùng của cô gái Huế.

Tháng 6 năm ngoái, khi chúng tôi phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Đà Nẵng thành lập phòng tranh Văn Hóa Art Gallery, một người bạn và cũng là một nhà sưu tập về tranh là Nguyễn Quang Chơn báo tin, họa sĩ  Đinh Cường bệnh nặng và có kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm tranh Đinh Cường tại đây để nguyện cầu cho ông. Tuy nhiên, sau đó ông hồi phục và nhắn hãy đợi ông về Đà Nẵng. Thế nhưng, bây giờ điều đó không bao giờ có nữa. Ông ra đi. Phòng tranh ấy cũng đã khép cửa. Mọi thứ chỉ còn là hoài niệm...

Trần Trung Sáng