Hoài niệm trà Đức Phú
(Cadn.com.vn) - Thi thoảng, vài quán tạp hóa ở Quảng Nam có bán trà Đức Phú, là những gói trà còn lưu tên gọi của danh trà Đức Phú xưa.
Dấu tích một thời
Ở Quảng Nam, khi Maillard năm 1884 lập đồn điền chè Quản Hạt Phú Thượng thì sau đó, nhiều đồn điền chè do người Pháp quản lý ra đời, trong đó có đồn điền Đức Phú (thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, H. Núi Thành). Đức Phú xưa nhuộm xanh màu chè và không ai trong làng không thuộc câu ca: "Nhớ chè Đức Phú ngát hương - Bàu Tre thuốc lá, Danh Sơn nếp bầu".
Đến Đức Phú bây giờ, hình ảnh 9 cây cột gạch nghiêng ngửa, lở lói khuất trong những bụi chuối... là tàn tích sót lại của nhà máy chè Đức Phú cách đây nửa thế kỷ. "Nhà máy rộng thênh thang, những hàng cột cao; bên trên có bồn nước, bên trong toàn thiết bị thủ công được chia thành các phân khu bày bố nguyên tắc, với hơn 300 công nhân làm việc", cụ ông Nguyễn Bổn (83 tuổi, tổ 5, thôn Đức Phú), công nhân xưởng chè trước kia, nhớ lại.
Năm 1945, cụ Bổn từ Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vào Đức Phú. Nhà máy xây dựng năm nào, cụ chỉ nhớ khi cụ vô đây, nhà máy đã hoạt động hơn mười năm; ông chủ là một người Pháp, dân gọi là Ký Bồn. "Ký Bồn lấy một cô gái trong làng là cô Nguyễn Thị Phẩm, tôi làm ở nhà máy chè gần 10 năm, như nhiều nhà khác, tới cuối tháng, Ký Bồn phát lương thì bà Phẩm thu nợ, không dư đồng nào. Hai ông bà có biệt thự, xe bốn bánh, còn xây một nhà mát cho người Pháp lên nghỉ dưỡng. Đất đai trong thôn bà mua hết, dân không còn đất ruộng, có nhà không muốn bán, bà mua hết đám đất xung quanh, bắt người này khi thăm ruộng không được lội bộ qua đất của bà".
Cụ Nguyễn Bổn bên gốc chè hoài niệm. |
Hoài niệm trà Đức Phú
Không đâu như Đức Phú, có những tên đất rất lạ: lô 1, lô 2, lô 3... Bởi trước kia, nông trường chè được Ký Bồn phân thành các lô, mỗi lô rộng chừng 5 ha, có đội quản lý riêng, phân cách bằng giậu giẻ đò gai. Tới năm 1954 có tổng cộng 18 lô như vậy. Hồi cụ Bổn mới vào làm thì nông trường đang được mở rộng, những chiếc xe ủi đào rãnh mương, người gieo hạt, để 3 năm sau, thu hoạch. Thân chè luôn được giữ ở độ cao khoảng 1 mét, mới cho nhiều lá non; mỗi năm thu hoạch 3 lần, vào tháng 3 - 5 - 7; một hàng chè cần 2 người đứng 2 bên để hái, từng giỏ chè thay phiên đi đi về về...
Theo quy trình khép kín, chè tươi được chuyển về nhà máy. Trước hết đưa qua khu xào, bỏ vào chảo gang có đốt lửa củi, lấy cặp ná trộn đều, chè xoắn lại, trút ra rổ, đưa qua khu xông. Xông cách thủy để lá chè có màu xanh bầm thì xả chảo, đưa chè qua khu xay. Rồi sấy trên những cái sịa (tựa như rổ) đặt trên lò gạch có than hồng vun cao; sấy đến khi chè khô dòn thì đánh mốc: lại lấy chè đã sấy trút vào những chảo xào chè ở khu xào, nung than hồng, lẩy lẩy cho bay hết mùi hăng, chỉ còn lại một mùi trà thơm ngát...
Từ đây, trà được bán với 2 sản phẩm; trà thô và trà tinh chế - tức trà thô có tẩm nho, hoa lài... Hồi đó có con đường do Pháp xây, nối các xã Kỳ Trà (Tam Sơn) - Kỳ Quế (Tam Thái)- Kỳ Nghĩa (Tam Ngọc) đến ngã tư Nam Ngãi, giao thương rất thuận lợi. Ngoài việc bán cho thương lái trong nước, trà còn được xuất sang Trung Quốc, sang Pháp, từ đó vang danh.
Ở miền sơn cước này cái chi cũng gắn bó với trà, ngay cả tên xã cũng vậy. Xã Tam Sơn hồi trước có tên Kỳ Trà, năm 1979 đổi thành Tam Trà, năm 1985 mới đổi thành Tam Sơn. Bây chừ chỉ còn màu xanh hoài niệm. Năm 1954, Ký Bồn cùng vợ chạy sang Pháp. Người dân tiếp tục gắn bó với cây chè bằng việc hái chè tươi bán cho các xưởng trà ở Tam Kỳ. Sau năm 1975, có một người tên Đặng Hữu Hạnh lên đây khôi phục lại nông trường chè Đức Phú, nhưng Tam Sơn lúc đó đất đai phần lớn bị nước lòng hồ Phú Ninh xâm thực nên ông Hạnh lập đồn điền chè ở xã Tam Thạnh (Núi Thành), cũng lấy tên là chè Đức Phú (xã Tam Thạnh từ đó mới có một thôn tên là Đức Phú). Giờ thì tại nông trường này, cây chè đã tàn lụi, chuyển sang trồng cao su. Năm 1985, xưởng trà cũ bị người dân địa phương phá, lấy gạch làm nhà. Những người gùi chè bán dưới xuôi cũng thưa dần, vắng bóng...
Chỉ còn cụ Nguyễn Bổn, sống quẩn quanh trong màu xanh hoài niệm. Bao quanh nhà cụ là những cây chè được trồng cách đây hơn nửa thế kỷ, cụ không chặt hết đi như người khác, có cây cao quá đầu người. Khi nghe chúng tôi nói ở Tam Kỳ có bán trà Đức Phú thì cụ cười, tự hiểu đó chỉ là những gói trà còn lưu tên gọi của danh trà Đức Phú xưa kia thôi. Cụ bảo cách đây 6 năm có một đoàn người cả Việt lẫn Singapore tới thôn lấy mẫu cây, mẫu đất, nói sẽ khôi phục lại làng nghề. Nhưng họ không trở lại...
Mai Thành Dũng