Hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ quyền trên biển
(Cadn.com.vn) - Chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các dự án: Luật Thú y; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cho ý kiến về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng việc ban hành Luật nhằm khắc phục một số chồng chéo trong các văn bản về khai thác, sử dụng tài nguyên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
Quan tâm đến quy định phạm vi vùng bờ, hành lang bảo vệ bờ biển, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc thêm việc tổ chức thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ để phù hợp với quy định của pháp luật về biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan. Đại biểu nêu quan điểm: Quy định “Vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển” có nội hàm là giới hạn tương tự như vùng nội thủy mà Luật Biển đã xác định. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên sửa nội dung "vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển" thành "vùng nội thủy" để phù hợp với Luật Biển và các Luật khác có liên quan.
Theo đại biểu Trường, Vùng bảo vệ bờ biển là vùng tiếp giáp giữa thềm lục địa biển bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển, được xác định có chiều rộng từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm (bờ biển) ra phía biển 6 hải lý (khoảng 10 km), cách xác định này phù hợp với cách xác định vùng nội thủy trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là: Vùng nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.
Bên cạnh đó, theo quy định: “Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm về phía đất liền theo quy định của Chính phủ”, như vậy hành lang bảo vệ bờ biển có khác với vùng biển ven bờ hay không, điều này không được giải thích trong dự án luật. Do vậy, nên hợp nhất hai quy định này làm một để dễ hiểu hơn. Theo đó, Chính phủ quy định giới hạn chung, sau đó từng tỉnh thiết lập phạm vi và phương thức quản lý trên cơ sở đặc thù địa lý của từng tỉnh.
Đối với nội dung “Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với các nước có chung biển Đông quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện hợp tác quốc tế với các nước có chung biển Đông”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đề xuất dự án Luật giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, nhưng vấn đề thay mặt quốc gia vẫn phải là Bộ Ngoại giao. Một ý kiến khác cho rằng nội dung dự án Luật còn mang nặng tính quản lý Nhà nước, chưa phát huy được vai trò của xã hội, không có nhiều nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.
P.H – T.P