Hoàn thiện và nâng cao những nền tảng đã tạo dựng

Thứ sáu, 11/09/2015 09:28

(Cadn.com.vn) - Nhìn lại chặng đường gần 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, diện mạo Đà Nẵng ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân thành phố được cải thiện rõ rệt; từng bước hình thành chính quyền điện tử; một đô thị sinh thái - phát triển bền vững, với cơ cấu kinh tế hiện đại, các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng, mở rộng phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất đời sống và hội nhập quốc tế, công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thông tin đồng bộ, hiện đại; văn hóa, văn minh đô thị được nâng lên, quốc phòng- an minh ổn định, vững chắc.

Tính riêng giai đoạn 2011-2015 kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển khá. Tổng sản phẩm địa phương (giá so sánh 2010) ước tăng bình quân 9,70/o/năm; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 ước đạt 56,1 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần, so với năm 2011; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng "Dịch vụ-Công nghiệp - Nông nghiệp" với tỷ trọng dịch vụ, thuế nhập khẩu năm 2015 ước đạt 61,6%, công nghiệp - xây dựng 36% và nông nghiệp 2,4% và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và tỷ trọng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các ngành sản xuất.

TP Đà Nẵng ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
(Ảnh: Khách du lịch tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Ảnh: Báo Đà Nẵng

Để có được những kết quả ban đầu đầy ấn tượng đó, qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể, từng bước tạo nên những nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Người viết xin nêu ra ba nền tảng đó như sau:

Một là, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề cấp thiết và then chốt để cho Đà Nẵng phát triển cả về chính trị- kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn chọn lựa những giải pháp tối ưu để hóa giải bài toán: "Quy hoạch, giải tỏa đền bù và nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng". Đó là đặt tầm nhìn xa cho đô thị Đà Nẵng đúng như tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị xác định: "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng, một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước...".

Do vậy công tác quy hoạch đã hướng tới sự hiện đại, hài hòa và gắn kết với nhau chặt chẽ, thân thiện với môi trường cả nội ô và ngoại ô, cả vùng biển và miền núi, cả hướng Nam và hướng Bắc. Sự kết nối này đã làm cho Đà Nẵng phát triển cân xứng, không bị hụt hẫng cả về kinh tế - xã hội. Trong đó nổi lên là trục phát triển trung tâm giữa hai bờ sông, Hàn với hàng loạt các cây cầu gây ấn tượng và vùng ven biển từ phía Nam chân đèo Hải Vân đến Ngũ Hành Sơn. Để làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng làm công tác giải tỏa, đền bù, di dời hơn 100 ngàn hộ dân đến nơi ở mới hoặc cải tạo tại chỗ nhường đất cho phát triển hệ thống giao thông, các cơ sở công cộng, các khu kinh tế, văn hóa... Về nguồn vốn phát triển, Đảng bộ và chính quyền thành phố sử dụng khá hiệu quả phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm và khai thác quỹ đất". Cách làm này đã tạo ra nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng cho quá trình xây mới, mở rộng các tuyến giao thông, khu dân cư, khu kinh tế, dịch vụ văn hóa, khu du lịch hiện đại.

Đà Nẵng ngày càng đổi mới, phát triển hiện đại.

Hai là, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trí thức, có năng lực và có trách nhiệm. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng để Đảng bộ thành phố đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, đưa bộ máy chính quyền hoạt động gần dân, phục vụ nhân dân và có được đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức viên chức thực hiện trọng trách của mình có trách nhiệm cao và thân thiện với nhân dân, với xã hội trên tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Trong suốt chặng đường gần 20 năm qua, các nghị quyết của Đảng bộ thành phố luôn thể hiện những mục tiêu lớn, sát thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Việc ra đời chính quyền điện tử, một cửa liên thông đã khơi thông được những ách tắc bấy lâu về nạn giấy tờ chậm trễ, đó vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là yêu cầu bức thiết của thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; đồng thời góp phần phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị, thông qua đó, đóng góp những bài học thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính nước ta. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn, quận, huyện, phường, xã thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa, góp phần giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công dân, tổ chức. Từ năm 2005 đến năm 2013, thành phố luôn xếp hạng "tốt" hoặc "rất tốt" về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và dẫn đầu cả nước trong 3 năm 2008-2010 và năm 2013; Trong 6 năm liên tục (2009-2014), Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index)...

Ba là, xây dựng lòng tin và tìm sự đồng thuận của lòng dân. Các thế hệ lãnh đạo thành phố đã nhận thức sâu sắc rằng tất cả hai nền tảng nói trên có thành hiện thực hay không thì sự quyết định nằm ở lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân. Biết khơi nguồn, biết tạo dựng lòng tin và biết đưa ra các quyết định đúng thời cơ, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã thật sự làm nên một kỳ tích, để cho sự phát triển trong chặng đường vừa qua đạt được những thành quả to lớn. Để có được sự đồng thuận của người dân, bên cạnh những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn, nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.

Chương trình "thành phố 5 không", "thành phố 3 có" là một trong những chủ trương lớn được thành phố thực hiện, nhằm hướng đến các mục tiêu an sinh bền vững. Từ năm 2003, thành phố đã hoàn thành mục tiêu "không có hộ đói", năm 2009 hoàn thành mục tiêu "không có người mù chữ" và điều chỉnh các mục tiêu này theo hướng "không còn hộ đặc biệt nghèo" và "không có học sinh bỏ học trong độ tuổi". Ngoài ra, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo vươn lên thoát nghèo; giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; giúp đỡ học sinh bỏ học trở lại trường; lập quỹ cho vay việc làm đối với các đối tượng mãn hạn tù; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng trong diện thu hồi đất, giải quyết bạo lực gia đình; ban hành và thực hiện Đề án "7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp, Chương trình nhà ở xã hội, Dự án ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động; tổ chức các hoạt động kết nối giải quyết việc làm; phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, cùng với các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện phát triển rộng khắp...

Có thể rút ra 4 nhân tố chủ yếu để Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng hóa giải thành công bài toán khó này, đó là:

Trước hết, đó là chủ trương đúng đắn, hợp quy luật phát triển và phù hợp với lòng dân, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị thành phố.

Thứ hai, sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân thành phố. Họ luôn kề vai sát cánh, ủng hộ các chủ trương của thành phố, trên cơ sở tình yêu quê hương, đất nước và mong muốn xây dựng thành phố quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thứ ba, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị thể hiện ở chỗ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ vị trí người lãnh đạo cao nhất của thành phố cho đến những người thừa hành, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, sự chung tay góp sức của các cơ quan thông tin đại chúng, đã góp phần tuyên truyền, định hướng nhận thức trong dư luận làm cho chủ trương, chính sách của thành phố nhanh chóng đi vào cuộc sống và thể hiện sức lan tỏa trong thực tiễn sinh động của xã hội. Những nền tảng vừa nêu trên nó quyện chặt vào nhau không thể tách rời, vì nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình vận động phát triển.

Do vậy, vấn đề đặt ra việc hoạch định các chủ trương, chính sách cho sự phát triển trong tương lai của thành phố Đà Nẵng chính là nâng cao và hoàn thiện các nền tảng đã được hình thành, làm cho nó ngày càng vững chắc. Bởi những nền tảng vừa nêu trên là kết quả của một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đầy tinh thần trách nhiệm và cả sự quả cảm của các thế hệ lãnh đạo thành phố.

Một khi xã hội càng phát triển, văn minh tiến bộ càng cao, thì những nền tảng mà Đảng bộ và chính quyền thành phố đã dày công tạo dựng được càng trở thành yêu cầu cốt lõi của một Đảng cầm quyền, của một chính quyền do Đảng lãnh đạo nhằm hướng tới lợi ích cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân.

Lê Minh Hùng