Hoàng Sa luôn trong trái tim mỗi người dân Việt

Thứ bảy, 19/01/2019 18:28

Cách đây đúng 45 năm, vào ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm và tổ chức nhiều hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa  của nước ta. Cũng kể từ đấy, Việt Nam bằng nhiều biện pháp đấu tranh cả về ngoại giao lẫn trên phương diện chứng cứ pháp lý, tài phán để khẳng định chủ quyền về quần đảo này. Với người dân cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng, vùng lãnh hải thiêng liêng đang bị cưỡng chiếm trái phép đó luôn là nỗi đau đáu, trăn trở khôn nguôi...

Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí tham quan tại triển lãm tư liệu báo chí về Hoàng Sa do UBND H.Hoàng Sa tổ chức năm 2018.  Ảnh: P.T

1. Nửa năm trước, trong lần đi viết bài về ngư dân miền Trung vươn khơi, tôi gặp ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (1968, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi)- chủ tàu QNg 90332, một trong 6 thành viên sống sót trở về sau vụ bị tàu Trung Quốc tấn công, làm chìm tàu ở giữa biển khơi ngày 20-4-2018. Những tưởng sau vụ thoát chết trở về với 2 bàn tay trắng đó sẽ làm nhụt chí khí vươn khơi của người đàn ông có gương mặt hiền lành chất phác này, nào ngờ ông cho biết sẽ tiếp tục vay vốn để sắm tàu ra Hoàng Sa đánh bắt, góp phần cùng các ngư dân khác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Rồi ông chia sẻ ước ao về một ngày nào đó quần đảo này sẽ được trở về với đất mẹ, để ông được đưa cả gia đình ra đây sinh sống. Vợ ông nghe thế cho biết, sẵn sàng theo chồng con ra Hoàng Sa lập nghiệp. Ông Ngọt tâm sự, hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển cũng là ngần ấy thời gian ông gắn bó với Hoàng Sa. “Tôi đã từng đặt chân lên những hòn đảo nhỏ nằm xung quanh hòn đảo lớn Hoàng Sa lấy nước ngọt”- ông bồi hồi kể lại. Nào phải chỉ có mỗi mình ngư dân Tấn Ngọt, nhiều ngư dân miền Trung bị tàu lạ Trung Quốc vô duyên, vô cớ tấn công, gặp nạn về rồi cũng tìm cách khắc phục để lại ra khơi. Với họ, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là biển trời quê hương, là Tổ quốc, là máu thịt và nguồn sống. Mỗi lần giong buồm ra khơi, nhìn lá cờ tung bay trên mũi tàu, họ tự hào vì đã góp phần của mình vào việc cùng các lực lượng chức năng canh giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

2. Mỗi người dân Việt có cách thể hiện tình cảm của riêng mình đối với hòn đảo thiêng liêng này của Tổ Quốc. Còn nhớ cách đây 5 năm, kể từ ngày Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, hàng triệu triệu con tim của cả nước đều thổn thức hướng về biển đảo, hướng về Hoàng Sa máu thịt thân yêu. Chỉ sau hơn 1 tháng kể từ sự kiện ấy, các nhà thơ cả nước cảm tác, cho ra đời hàng loạt bài thơ đầy cảm xúc, dậy sóng Biển Đông, thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người cầm bút đối với quê hương, đất nước, mà cụ thể ở đây là tình yêu biển đảo. Đó là “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, là “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” của nhà thơ trẻ Minh Đan, là “Lời nhắn gửi từ biển” của Bùi Công Minh với những vần thơ có "lửa": “...Máu bao thế hệ hy sinh và mồ hôi thấm quyện/Biển không vô tình, biển mang nặng hồn thiêng/.../Trong những lời nhắn gửi của các anh/Có tiếng vọng của hương hồn những người lính Hoàng Sa năm ấy/.../Lịch sử đã bao phen thử lửa/Lại một lần thêm cho đá thử vàng/Lời nhắn gửi sắt son từ biển/Cả đất liền như cũng vọng vang”. Cũng trong năm 2014, cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu dành cho HS khối THPT do Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng phối hợp với H.Hoàng Sa tổ chức đã thu hút được đông đảo HS tham gia với hơn 86.700 bài viết dưới dạng bức thư. Ban tổ chức đã rất khó khăn trong việc chấm chọn bài hay nhất. Có em đã dẫn lời của một thi sĩ khuyết danh viết năm 1974: “Xin kể thêm tôi thành mười chín triệu một người/ Trái tim tôi đạp về trong đó/Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi/Hoàng Sa-Hoàng Sa” để bộc lộ những cảm xúc, tình yêu của mình đối với hòn đảo thiêng liêng của Tổ Quốc đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép rồi liên tưởng: “Trường Sa- Hoàng Sa đối với Việt Nam cũng như hai bàn tay đối với mỗi công dân vậy”.

3. Đặc biệt hơn cả là sự đóng góp to lớn của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử. Bằng tình yêu, nỗi đau đáu, sự trăn trở cùng với trách nhiệm công dân đối với đất nước, họ đã nghiên cứu, sưu tầm trong và ngoài nước để cung cấp, công bố thêm nhiều cứ liệu, sử liệu quan trọng nhằm tiếp tục tuyên truyền về việc Việt Nam hoàn toàn có đủ chứng cứ, sử liệu rất vững chắc để khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, nhiều năm qua, Hội Khoa học lịch sử, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động từ hội thảo khoa học đến triển lãm, trưng bày các tư liệu, cứ liệu, hình ảnh liên quan đến Hoàng Sa. Gần đây nhất, hai tác giả: Tiến sĩ Võ Công Trí (Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng) và Thạc sĩ Lưu Anh Rô (Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP)- cho ra mắt cuốn sách “Huyện Hoàng Sa: Qua tư liệu & hồi ức” đã cung cấp nhiều nguồn tư liệu lịch sử quý giá để thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền về vùng lãnh hải của Tổ quốc thân yêu đã được các thế hệ cha ông ta từ bao đời nay gìn giữ, nhằm nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải quyết tâm đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Và mới đây nhất, vào ngày 12-1, UBND H.Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay”. Theo đó, trong bài tham luận về một số vấn đề sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế để bảo vệ các quyền của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, GS.TS. Nguyễn Bá Diến (Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế) cho rằng: “Muốn có một nền hòa bình đúng nghĩa, để bảo vệ được hiệu quả nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, không còn sự lựa chọn nào khác, dứt khoát Việt Nam phải xây dựng một “chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh và hòa bình chủ động” một cách toàn diện và tổng thể của mình, mà một trong những nội dung quan trọng hàng đầu và cấp bách trước âm mưu và tham vọng không có giới hạn cũng như những hành động ngày càng trắng trợn, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đó là sử dụng giải pháp pháp lý quốc tế”...

Tất cả những gì mà mỗi một công dân Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện đã nói lên được tình cảm, nỗi khát khao “bất di, bất dịch” về một ngày Hoàng Sa sẽ được trở về đất mẹ Việt Nam. Bởi Hoàng Sa luôn ở trong trái tim của mỗi công dân Việt Nam.

KHÁNH YÊN