Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (5)

Thứ tư, 08/01/2014 10:12

* Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa

* Bài 5: CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU

(Cadn.com.vn) - Lúc 10 giờ 30 ngày 19-1, tàu HQ5 bắt đầu khai hỏa. Các tàu khác của VNCH ngay sau đó cũng khai hỏa đồng loạt. Ngay loạt súng đầu tiên, tàu Trung Quốc số 274 bị trúng đạn của HQ5, chiến hạm Trung Quốc bị phát hỏa, bỏ chạy và ủi vào bờ san hô phía tây nam đảo Quang Hòa và coi như bị loại khỏi vòng chiến.

Năm phút sau, HQ4 bị trúng đạn tại đài chỉ huy và vì ổ súng 76,21 ly trước mũi không sử dụng được nên chiến hạm di chuyển về hướng đông đông nam để có thể sử dụng khẩu 76,21ly sau lái tiếp tục bắn vào tàu Trung Quốc số 271. Tàu HQ4 bị hư hại và di chuyển về hướng bắc. Trong lúc đó HQ5 vẫn bám sát 2 chiếc 271và 274. Mấy phút sau chiến hạm HQ5 bị trúng đạn 37 ly, cháy phòng vô tuyến nên việc liên lạc bị gián đoạn.

Tại mặt bắc, chiến hạm HQ10, HQ16 bắn thẳng vào tàu 396 và 389. Ngay loạt súng đầu tiên, HQ10 bắn trúng vào phòng lái 396, tàu này bị bốc cháy và mất lái nên quay vòng tròn, bị HQ10 đụng vào phía sau lái. Bị loại khỏi vòng chiến đấu, chiếc 396 chạy về hướng đông bắc và ủi vào bờ san hô phía tây bắc đảo Duy Mộng.

Trong khi đó tàu HQ10 cũng bị hỏa lực của 2 chiến hạm Trung Quốc. Đạn trúng đài chỉ huy và hầm máy khiến tàu bốc cháy. HQ10 bị thiệt hại nặng nề. Hạm trưởng Văn Thà tử thương,  Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng và phần lớn nhân viên thương vong. HQ10 bị mất liên lạc và còn tiến từ từ, sau đó ngưng lại khi đụng vào lái chiến hạm Trung Quốc số 396. Nhân viên còn lại đã cố gắng cầm cự đến phút chót, song biết tình trạng tàu không thể cứu vãn, thủy thủ đoàn còn lại phải bỏ tàu. Khi chiếc 396 bỏ chạy, chiếc 389 cũng bị trúng đạn hư hại đáng kể do hỏa lực của HQ16 nên vừa cầm cự vừa nhả khói để chạy về hướng nam. Chiếc 271 ở mặt nam chạy lên hợp với chiếc 389 để chống trả HQ5. Khi đến phía tây nam đảo Quang Hòa, HQ5 phải dồn hỏa lực bắn vào hai chiến hạm 389 và 271. Vùng chiến lúc đó mù mịt khói súng và khói do tàu Trung Quốc thả. Do súng 27 ly chỉ sử dụng được bằng tay, bắn rất chậm chạp và các ổ súng trước mũi hầu hết không sử dụng được nữa nên HQ5 phải di chuyển hướng đông nam để có thể sử dụng các ổ súng sau lái một cách hữu hiệu.

Khoảng 11 giờ, vì thiệt hại nhiều và không chịu nổi hỏa lực của HQ5 nên 2 tàu Trung Quốc đã bỏ chạy về hướng bắc.

Tàu HQ16 trúng đạn tại hầm máy B.1, mất điện, phải lái bằng tay, nước vào làm tàu nghiêng 13 độ, nên vừa chiến đấu vừa di chuyển ra xa vùng chiến để đảm bảo an toàn.

HQ5 phát hiện có 3 tàu Trung Quốc vận tốc nhanh gần 30 fút, có hình dạng rất giống phi tiễn đĩnh Komar – phóng lôi hạm (guided missile frigate) cách 5 hải lý về phía đông bắc và máy bay MiG xuất hiện trên không. Do đó, để chỉnh đốn tình trạng chiến hạm đồng thời di chuyển tránh tên lửa, tàu HQ4 và HQ5 đã di chuyển về hướng bắc tây bắc.

Hải đội trưởng báo cáo có nhiều nhân viên chết và bị thương. Tình trạng súng lớn và rađa của HQ4 và HQ5 đều không sử dụng được. Riêng HQ16 vừa di chuyển vừa cứu thủy. Hải đội trưởng lệnh cho các chiến hạm di tản khỏi vùng chiến sự vì 2 lý do: khả năng tác chiến của các tàu chiến đã suy giảm; chiến hạm cần rời xa để máy bay VNCH dễ dàng bắn phá chiến hạm Trung Quốc (do Vùng 1 Duyên hải thông báo). Khi di chuyển về hướng đông nam, HQ5 đã quan sát thấy 3 chiến hạm Trung Quốc từ hướng bắc đông bắc cách 6 đến 7 hải lý đang tiến nhanh về hướng đảo Quang Hòa.

Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra lệnh khai hỏa.

Trưa 19-1, Hạm đội trưởng lệnh cho HQ4 và HQ5 vào Đà Nẵng. Ngay sau đó, theo ý kiến của Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã chỉ thị cho HQ4 và HQ5 phải trở lại tiếp tục chiến đấu, tìm kiếm HQ10 và HQ16, đồng thời bảo vệ đảo còn lại. Trường hợp bị tấn công vào nếu phải rút lui, chiến hạm cố gắng ủi bãi, sẽ có HQ6 và HQ17 đến  tiếp cứu.

Tàu HQ16 bị hư hỏng, nước vào nhiều ở hầm máy B.1, tàu nghiêng 13 độ, vừa di chuyển về Đà Nẵng vừa tự cứu, cách 15 hải lý tây đảo Hoàng Sa ( Pattle) . Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị HQ11 đến vị trí trên với vận tốc nhanh nhất để tiếp cứu HQ16.

Tàu HQ4 hư hại, các súng lớn đều không sử dụng được, hệ thống cứu hỏa bị bể nhiều chỗ và không sử dụng được, hầm đạn 76,21 ly bị ngập nước, nếu quay trở lại cũng không làm gì được mà chỉ hư hại thêm.

Nhận thấy Trung Quốc đã tăng cường nhiều tàu chiến trong đó có thể có loại phi tiễn đĩnh Komar, nếu tất cả chiến hạm VNCH đồng thời trở lại quần đảo Hoàng Sa, thì quân Trung Quốc sẽ hiểu VNCH trở lại để tấn công và phần bất lợi sẽ nghiêng về phía VNCH. Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã trình bày quan điểm trên với Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Hải quân quyết định cho HQ4 và HQ5 trở về Đà Nẵng.

Chiều ngày 19-1, các lực lượng hải quân đang neo tại phía tây tây nam Quang Ảnh nhận được lệnh của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tiến đến quần đảo Hoàng Sa với vận tốc nhanh nhất. HQ11 đổ bộ lên đảo Quang Ảnh 1 tiểu đội địa phương quân, lên đảo Hữu Nhật 1 trung đội và rút hết nhân viên hải quân về chiến hạm; số địa phương quân còn lại sẽ tăng cường phòng thủ đảo Hoàng Sa; sau đó hạm trưởng HQ11 sẽ điều động lực lượng tìm kiếm HQ10; trong công tác này hạm trưởng HQ11 được toàn quyền áp dụng đội hình thích hợp để phòng không hoặc tránh né phi tiễn đĩnh Komar của Trung Quốc. Tuy nhiên vì e dè phản ứng của Trung Quốc, đồng thời không liên lạc được với các toán quân trên đảo nên không rõ tình thế và lại gần có nhiều đá ngầm và nước cạn nên suốt đêm 19-1, tàu của VNCH chỉ tuần tiễu bên ngoài, trong khu tứ giác phía tây cách đảo Quang Ảnh từ 20 đến 40 hải lý.

Theo lời kể của toán đổ bộ trên đảo Quang Ảnh, ngay trong đêm 19 rạng ngày 20-1 nhiều chiến hạm Trung Quốc tuần tiễu trong vùng biển giữa đảo Quang Ảnh và Duy Mộng. Sáng sớm ngày 20-1, các chiến hạm này đã đến gần và bao vây các đảo do VNCH trú đóng. Các sĩ quan trưởng toán trên đảo đã thiết lập hệ thống phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu nếu quân Trung Quốc đổ bộ.

Tiến sĩ Trần Công Trục
(còn nữa)