Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng thép

Thứ ba, 26/08/2014 08:58

(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, từ ngày 22 đến 28-8, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm trưng bày những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Số tư liệu, hiện vật này được tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và nước ngoài (trong đó có cả Trung Quốc). Triển lãm lần này với sự đa dạng và tính chân thực là  những bằng chứng thép về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Châu bản Triều Nguyễn– tư liệu không thể chối cãi

Châu bản Triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802-1945). Trên các tờ châu bản này còn lưu lại vết tích phê của vua triều Nguyễn được đóng son đỏ. Những tờ châu bản này gồm 734 tập với hàng ngàn trang văn bản gốc hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ. Ông Phạm Mạnh Lâm (Chánh văn phòng Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết: “Có thể nói rằng Châu bản triều Nguyễn hiện nay là bằng chứng khách quan và trung thật nhất. Nội dung các tờ châu bản trong triển lãm lần này phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là bằng chứng sinh động cho thấy từ xưa các vua triều Nguyễn đã quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Thông qua việc cử người ra khảo sát, đo vẽ bản đồ những tư liệu này là bằng chứng không thể chối cãi”.

Triển lãm trưng bày những châu bản  qua các thời kỳ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... cả bản chữ nôm, Pháp Ngữ và Việt Ngữ. Thông qua từng chiếu chỉ có thể nhận biết được đời sống kinh tế xã hội của thời kỳ bấy giờ. Chính vì những giá trị quan trọng đó vừa qua Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu. “Việc châu bản triều Nguyễn được quốc tế công nhận có giá trị rất lớn đối với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thông qua đó, bạn bè thế giới sẽ có cái nhìn chân thực, đúng đắn hơn trước sự ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế và cả lịch sử của Trung Quốc”, ông Lâm khẳng định.

Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa
của Việt Nam.

Tư liệu nước ngoài

Triển lãm còn thu hút được sự quan tâm của người xem là những tấm bản đồ thế giới hay bản đồ Đông Nam Á được các nhà hàng hải, phát kiến địa lý và thương gia phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI – XIX. Trên những tấm bản đồ này, hai quần đảo Hoàng Sa–Trường Sa miêu tả như lưỡi dao kéo dọc ngoài khơi Việt Nam. Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với quần đảo mà phương Tây ghi chú Paracel tức là vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay, được chú thích là Costa da tức là bờ biển Chămpa. Cách ghi này chứng tỏ các nhà hàng hải đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo này là của Việt Nam. Đáng chú ý nữa là tấm bản đồ An Nam Đại Quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Paracel seu Cát Vàng có nghĩa là Paracel hoặc Cát Vàng (thuộc quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ). Bản gốc của bản đồ này hiện nay còn lưu trữ tại thư viện quốc gia Pháp.

Những bản đồ cổ phương Tây trưng bày trong triển lãm kéo dài qua nhiều thập niên của thế kỷ XVI-XIX đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc ghi chú hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng biển nước ta. Điều này chứng tỏ nhiều người phương Tây đã biết đến biển đảo của Việt Nam và ghi nhận 2 quần đảo này là một phần lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Ngoài những tư liệu trên, triển lãm còn trưng bày nhiều tư liệu cổ khác có giá trị trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc. Những tư liệu, hiện vật này đã tự nói lên tiếng nói của mình. Qua đó thấy rằng Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa từ rất sớm qua con đường hòa bình. Thêm nữa, chính những tư liệu bản đồ phương Tây và Trung Quốc công bố trong hàng trăm năm qua chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa không liên quan gì đến cái mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa như tuyên bố.

Sau triển lãm, toàn bộ tư liệu sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. “Bộ Thông tin & Truyền thông đang có kế hoạch tổ chức triển lãm cho hơn 2 triệu đồng bào ta tại Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp. Họ cũng có nhu cầu được xem và tự hào về những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi này. Thông qua đó bạn bè quốc tế sẽ biết đến và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền trên biển”, ông Lâm cho biết.

H.D