Triển khai Nghị định 67: Ngân hàng sẵn sàng tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ ba, 26/08/2014 08:57

(Cadn.com.vn) - Như chúng tôi đã thông tin, hôm qua (25-8), Nghị định 67/2014 của Chính phủ về phát triển thủy sản có hiệu lực. Đây là chính sách được hy vọng sẽ tạo bước đột phá cho ngành thủy sản nói chung và cho việc khai thác hải sản xa bờ nói riêng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành Ngân hàng cũng đã công bố gói tín dụng 10 ngàn tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá để bám biển vươn khơi. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã cam kết dành nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho vay đối với ngư dân, đồng thời hướng dẫn ngư dân tiếp cận nguồn vốn này. Agribank trích 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngoài gói tín dụng 3.000 tỷ đồng thực hiện theo Nghị định 67, thì BIDV cũng sẽ triển khai các gói hỗ trợ khác để phát triển thủy sản như: 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với các DN đóng tàu; 5.000 tỷ đồng cho vay theo hình thức BT, cho vay ứng trước đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn Nhà nước bố trí; 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến hải sản, cá ngừ đại dương...

Ngân hàng Sacombank phối hợp với Tổng Cty CP Bảo Minh hỗ trợ 700 triệu đồng để mua bảo hiểm thân thể trong 1 năm cho 4.000 thuyền viên, ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ trên tàu có công suất trên 90CV... Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, ngư dân Đà Nẵng có thể tiếp cận gói tín dụng trên để đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Nguồn vốn ngân hàng sẽ giúp ngư dân thay thế đội tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ sắt để vươn khơi, bám biển.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này các NHTM đã sẵn sàng hỗ trợ ngư dân. Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ ban hành và Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng như gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho chương trình, Agribank Đà Nẵng đã gửi văn bản xuống các Hội nông dân phường, xã quận, huyện trên địa bàn để mời ngư dân tiếp cận gói tín dụng này.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, để chương trình tín dụng này thành công, ngoài sự chủ động, nỗ lực của ngành ngân hàng còn cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành chức năng, tổ chức xã hội trong các vấn đề: Hoàn thiện thể chế, chính sách để ngư dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng cũng được đảm bảo; có kế hoạch đầu tư, xây dựng các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão và phát triển chuỗi sản xuất khép kín từ khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đến khâu tiêu thụ... 

Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng cho biết, trước tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp thì chủ trương hỗ trợ ngư dân là hết sức đúng đắn của Nhà nước. Để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy sản bảo vệ chủ quyền biển đảo, Vietcombank Đà Nẵng luôn sẵn sàng cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ...

Xuân Đương