Hoang tàn làng Thanh niên lập nghiệp

Thứ năm, 17/09/2015 10:35

(Cadn.com.vn) - 7 năm trước, hơn 100 thanh niên mang trái tim nhiệt huyết, sức khỏe của tuổi trẻ để đến vùng biên giới xã Ia Mơr (H. Chư Prông, Gia Lai) theo dự án lập làng Thanh niên lập nghiệp. Mơ ước biến vùng đất khó khăn, cằn cỗi này thành một vùng biên tươi sáng, giàu có, nhưng 7 năm sau, người ở, người đi bởi nơi đây khó khăn chồng chất và ngôi làng như bị... bỏ rơi giữa vùng biên này.

Bỏ làng mà đi!

Mùa mưa Tây Nguyên đã bắt đầu, chúng tôi được anh bạn cán bộ xã Ia Mơr (H. Chư Prông, Gia Lai) dự báo trước qua điện thoại: “Đường vào làng Ring mấy hôm nay mưa lớn nên vào khó lắm, mấy anh đi từ sớm nhé!”. Dù ngôi làng này nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 14C, nhưng thực ra đây vẫn chỉ là con đường đất đỏ, mùa mưa nhão nhoẹt, ổ voi, ổ trâu “giăng bẫy” khắp nơi. Hơn 3 giờ vượt quãng đường hơn 100km, đánh vật với những quãng đường trơn trượt, gần trưa, chúng tôi có mặt tại làng Ring. Làng đìu hiu, thưa thớt nhà dân, cái thì đóng cửa bởi người dân đi làm, cái bị bỏ hoang mặc cây dại bò kín lối. Làng Ring vốn là làng thanh niên lập nghiệp theo dự án của Trung ương Đoàn ở khu vực biên giới xã Ia Mơr được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2008. Đến năm 2011, làng Thanh niên lập nghiệp được giao về địa phương quản lý và được đổi tên thành làng Ring. Những năm trước, hơn 100 hộ gia đình thanh niên tình nguyện ở nhiều địa bàn của tỉnh Gia Lai mang nhiệt huyết của tuổi trẻ đến đây mong muốn biến mảnh đất hoang hóa, khô cằn này thành nơi giàu có, góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng... của địa phương như mục tiêu của dự án đặt ra.

Anh Trần Quốc Toàn, một trong những thanh niên có mặt từ đầu khi làng được thành lập, giờ đã trở thành Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr cũng không ở làng mà chuyển ra xã ở. Ruộng rẫy được phân từ dự án cũng thiếu người làm. Thế nên, khi đưa chúng tôi quay trở lại đây, giọng anh Toàn buồn buồn: “Dù đất đai được phân đủ cho những hộ dân ở đây nhưng toàn đất xấu, khó canh tác. Mùa mưa ở đây ngập úng, mùa khô thì hạn hán nên cây trồng gì cũng khó lên được. Thanh niên thì thiếu vốn sản xuất, chi phí vận chuyển cao, học hành, chăm sóc y tế thiếu thốn nên từ 100 thanh niên lên đây, giờ chỉ còn 50, 60 hộ. Nhiều hộ đã bỏ nhà cửa, đất đai để đi nơi khác lập nghiệp”.

Người làng Ring vượt qua quãng đường lầy lội để đưa con, em tới trường.

Dù mỗi hộ đến đây lập nghiệp được bố trí cấp 1.000m2 đất, 1 căn nhà, 4 sào lúa nước và 1,8ha đất rẫy nhưng vẫn khó khăn chồng chất. Đất đai nhiều là vậy nhưng toàn cằn cỗi, ngập úng, cần mẫn lắm cũng có sản phẩm nhưng công vận chuyển xa, vốn đầu tư lớn khiến giá thành cũng bị ép xuống. Làng có 54ha lúa nước đã khai hoang nhưng chỉ có 40ha sản xuất được lúa 2 vụ, còn lại thiếu nước trầm trọng. Vợ chồng anh Tống Văn Hòa và chị Bùi Thị Vịnh mở hàng quán ngay gần trung tâm làng đến lập nghiệp ở đây năm 2012 đã chứng kiến bao hộ bỏ làng ra đi vì nhiều lý do. “Thiếu nước sạch, thiếu trường học, thiếu y tế rồi làm ăn tích cóp cũng không có bao nhiêu, nhiều hộ đã bỏ làng sau một thời gian bám trụ”, chị Vịnh cho biết.

Làng bị bỏ rơi

Trao đổi với chúng tôi,  anh Đàm Văn Nga, ở H. Phú Thiện (Gia Lai) thở dài: “Khi dự án được bàn giao cho xã, sự quan tâm của Trung ương Đoàn không còn nữa, làng gần như rơi vào bao khốn khó, nay thì   gần như bị bỏ rơi vậy”. Cũng như bao thanh niên khác, từ những ngày đầu lập làng, anh Nga cũng hăng hái lên đây lập nghiệp, lập gia đình và có 3 đứa con. 5 người chen chúc nhau trong căn nhà tạm phía sau ngôi nhà dự án được cấp. Cảm giác bị bỏ rơi cũng phải thôi, khi mà con đường từ xã Ia Mơr vào làng gần như bị cô lập vào mùa mưa, mọi sinh hoạt, đau ốm đến việc học hành của con em, phải “chạy” sang H. Ea Súp (Đăk Lăk). Trạm Y tế với 6 phòng xây dựng kiên cố bỏ hoang 3 năm nay nhường cho cỏ dại và mạng nhện. Trang thiết bị vứt chỏng chơ, hư hỏng, và người dân tận dụng làm nơi phơi ngô bởi mấy năm nay không có ai thăm, khám cho người dân. Mỗi lần đau ốm mà gặp trời mưa lầy lội gần như cả làng phải ra giúp sức để đưa người bệnh vượt hơn 20km đường lầy lội để ra trạm y tế xã hoặc hơn 50km để lên tuyến huyện.

Một trong những căn nhà dự án làng Thanh niên lập nghiệp rơi vào cảnh hoang tàn
khi người chủ đã bỏ đi nơi khác lập nghiệp.

Hệ thống lọc nước cũng được xây dựng ở đầu làng với hàng trăm triệu đồng từ khi làng hình thành, thế nhưng chưa thấy hoạt động bao giờ. Căn phòng cùng hệ thống xử lý vứt chỏng chơ, mặc cho cỏ dại đan dày. Hàng trăm con người ở đây phải dùng nước bơm từ giếng khoan nhiễm vôi nhưng cả mấy tháng nay, máy bơm cũng bị hư nên phải đi mua nước bình với 15.000 đồng/ bình. Điều đó lí giải vì sao ở đây nhà nào cũng chất bình nước màu xanh loại 20 lít đầy nhà.

Chuyện mưu sinh của phụ huynh đã khổ, chuyện học của các cháu theo cha, mẹ tới làng càng khổ hơn. Làng chỉ có 1 điểm trường duy nhất, nhưng cũng đi mượn tạm phòng ở Trạm bảo vệ rừng của xã với 1 giáo viên duy nhất dạy 11 học sinh. Vậy mà lớp cũng phải dạy ghép, 2 bảng ở 2 đầu lớp, học sinh lớp 1 ở đầu bảng này, học sinh lớp 2 quay lại bảng kia, thầy giáo vừa dạy đầu này lại trở lại đầu kia giảng bài. Còn các em từ lớp 3 trở đi được bố, mẹ gửi về người thân hoặc qua “học tạm” bên H. Ea Súp (Đăk Lăk) với quãng đường hơn 15km. “Buổi sáng chở 1 đứa đi học, trưa chở về, chiều chở đứa khác đi học, tối lại chở về. Vậy là mỗi ngày tôi phải đi quảng đường hơn 60km để đưa con đi học, coi như mất một lao động trong nhà”, anh Hòa, chị Vịnh tâm sự.

Trong căn nhà của mình, chiếc giường trở thành nơi học tập của 3 đứa nhỏ, anh Nga ngồi bên cạnh con giọng chùng xuống: “Chúng tôi mong sao được quan tâm về vấn đề sản xuất, giao thông đi lại cũng như y tế và chuyện học hành con em. Lúc mới lên đây lập nghiệp ai cũng nghĩ thôi thì hi sinh đời bố, củng cố đời con nhưng chúng tôi thấy thời gian lâu quá mà chưa thấy thay đổi sáng sủa gì cả!”.

Minh Tân