Hoạt động thăm dò khảo sát và nghiên cứu khoa học trái phép ở Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Chiều 8-7, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10-2021, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Mọi hoạt động thăm dò khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị”.
Trả lời câu hỏi về sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lực lượng vũ trang. Đảm nhiệm nhiều vị trí, cương vị công tác khác nhau, thời gian qua, lực lượng nữ Cảnh sát Biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
VIỆT ĐỨC