Học cách “chất vấn” từ Phan Hoàng

Thứ năm, 01/01/2015 16:55

(Cadn.com.vn) - Tác giả của loạt phỏng vấn đã được in thành sách tái bản nhiều lần “Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam”, “Phỏng vấn người Hà Nội”, “Phỏng vấn người Sài Gòn”, “Dạ thưa thầy” quan niệm, cuộc sống luôn cần sự phản biện. Trên lĩnh vực thơ ca, thói quen chất vấn ấy cũng không mất đi mà càng hiện rõ hơn, đặc biệt là tập thơ “Chất vấn thói quen” được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2012.

Nhà thơ Phan Hoàng trên đồi Độc Lập. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ai cũng có những thói quen. Có thói quen tốt, cũng có thói quen xấu, ăn sâu vào trong nếp ăn, nếp nghĩ, khó bỏ được. Thế nên, khi đọc lại những vần thơ: “Sáng sáng tôi hay đến ngồi vào chiếc ghế ấy/nhâm nhi ly cà-phê chồn/đọc báo/nhìn cô chủ quán nở nụ cười hàm tiếu/chiếc ghế trở thành vật sở hữu của tôi/mùi cà-phê chồn thành mùi của tôi/những trang báo trở thành chữ nghĩa của tôi...”, hay: “có sáng/chiếc ghế đã có người đến ngồi/ tôi bối rối bỏ đi/có sáng/mùi cà-phê không chồn/tôi uống qua loa bỏ đi/có sáng quán không tờ báo/tôi thẫn thờ bỏ đi/có sáng/ cô chủ quán kiêu kỳ miệng im như thóc/tôi buồn bỏ đi/.../bỏ đi bỏ đi bỏ đi...” (Chất vấn thói quen), tôi giật mình nhận ra có mình trong đấy. Tôi thích cách nhà thơ “chất vấn” chính mình: “Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi/ tại sao con người cứ tự đánh lừa mình/bằng những thói quen/không học nổi con sông biết thích nghi/đổi dòng băng băng về phía trước?”. Tôi cũng đã từng “chất vấn” khi không thay đổi được những thói quen như một cố tật khiến mình trở nên cũ kỹ, xơ cứng trước cuộc sống không ngừng vận động, đổi thay... “Chất vấn thói quen” giúp tôi tìm lại nguồn cảm hứng, đồng thời không thôi trăn trở, “chất vấn” chính mình: Hình như cũng lâu rồi, tôi sống trong sự “sợ” phản biện với chính mình... Nói như nhà thơ Phan Hoàng rằng, đừng khó chịu trước sự phản biện của ai đó dành cho mình. Bởi cuộc sống cần sự phản biện để tiến bộ, mỗi người cũng cần phản biện lại chính mình để không bị ấu trĩ, để tư duy không ngừng vận động và để không ngừng phấn đấu đi lên...

Không riêng gì “Chất vấn thói quen”, hầu hết các tác phẩm thơ của Phan Hoàng từ trước đến nay đều mang tính triết lý và tính phản biện cao. Không muốn gò bó mình trong những khuôn sáo đã định sẵn cho thơ ca, “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng cho thấy tâm thế nhập cuộc của nhà thơ với thế sự; là sự khắc khoải đi tìm cái mới, khát khao được tự do, khát khao được đổi mới chính mình, mà cụ thể ở đây là đổi mới thi ca như lời nhà thơ trăn trở: “... Gục đầu lên máy tính/ tôi thèm đứt ruột/được làm ngọn gió tự do/bay về mái tranh vách đất/hô tập bạn be...” hay “...những câu thơ không phấn son/ ngạo nghễ chào đời”. Nhiều người yêu thơ Phan Hoàng nhận xét thơ anh hào sảng, trí tuệ; trong “Chất vấn thói quen”, tính hào sảng, trí tuệ ấy được ẩn sâu nỗi đau đời... Trước tác động của đời sống thị trường, có những giá trị cũ đang dần mất đi. Tuy nhiên, có những giá trị không thể nào được phép mất đi, đó là: tình người. Vì thế, chứng kiến nhiều chuyện đau lòng, sự băng hoại đạo đức của một bộ phận người trong xã hội, nhà thơ bức xúc thốt lên tiếng lòng đầy chua xót, đớn đau: “Lại thêm những gã mặt người/vung tay đánh đuổi mẹ/... Ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư/học vấn tới chân răng/bước ra từ gánh thóc mồ hôi lướt giông đội bão/bước ra từ gánh bánh rán tảo tần còng mình bụi khói/bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo/mù chữ động kinh/có khi nào trong giấc mơ các người rùng mình/nghe con mình khẽ hỏi:/bao giờ con lớn giống mẹ giống cha?” (Bao giờ con lớn). Xuất thân “dân” ngôn ngữ, nên trong thơ Phan Hoàng, có cảm giác như anh rất... “khó tính” trong việc sử dụng ngôn từ. Mặc dù, nhiều bài thơ của anh đọc lên có cảm giác như anh viết rất dễ, như lấy chữ từ trong túi ra vậy, tung tẩy theo ý thích của mình.

 Phan Hoàng- Một góc nhìn.

Luôn ý thức trách nhiệm của người cầm bút, với Phan Hoàng,  khi không tìm được cái mới, chưa đổi mới được chính mình, nhà thơ phải biết “náu mình”. Với anh: “thi ca là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng” để có thể “tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại” và “tự phát hiện bản thể chính mình...”.

Anh từng thú nhận “làm thơ rất nhiều, nhưng cũng tự xóa rất nhiều”.  Không tự bằng lòng với những gì đã, đang có, anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm nguồn cảm hứng, chắt lọc trong muôn vàn thanh âm của cuộc sống để tiếp tục sáng tạo nên những vần thơ hừng hực lửa. Từ niềm đam mê mãnh liệt ấy, độc giả hy vọng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều tập thơ hay từ Phan Hoàng...

Phan Thủy