Học đường - chuyện của... người lớn!

Thứ sáu, 30/03/2018 08:23

Hôm 28-3 vừa rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Ông Mai Tiến Dũng đặc biệt lưu ý đến những “vấn đề nhức nhối” vẫn tồn tại như: giáo viên ép học sinh học thêm; chạy điểm, chạy trường; nhà giáo đang bị uy hiếp an toàn khi thời gian qua liên tục xuất hiện các vụ xúc phạm danh dự, hành hung giáo viên...

Tại buổi làm việc, báo chí dẫn lời ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh rằng: “Bên cạnh việc dạy chuyên môn thì thời gian dạy lễ, dạy người chưa nhiều, cần tăng thêm một cách tương xứng”. Điều này được đánh giá là có ý nghĩa thiết thực với học sinh hơn là giải quyết các bức xúc nêu trên. Hơn nữa, việc đặt vấn đề “bên cạnh việc dạy chữ, cần phải dạy lễ, hay tăng cường thời gian dạy lễ” không khác mấy câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được đúc kết từ ngàn đời.

Thiển nghĩ, thực trạng trên không chỉ là chuyện của học sinh, mà là của người lớn.

Dạy thêm - học thêm tồn tại đã lâu và nở rộ trong vài chục năm nay. Ngành giáo dục cũng đã tìm nhiều biện pháp ngăn chặn, thậm chí cấm nhưng thực tế không mấy hiệu quả. Bồi dưỡng học sinh giỏi để giỏi hơn, phụ đạo học sinh yếu kém để tiến bộ hoặc luyện thi - những hình thức dạy thêm - học thêm theo nhu cầu tự nguyện như vậy có gì là xấu để ngăn chặn hay dẹp bỏ? Ngược lại, trường hợp việc dạy ở trường lớp thì hời hợt, rồi tìm cách chèn ép, làm khó dễ , phân biệt đối xử... để “dẫn dắt” học sinh phải học thêm có thu phí là đáng phê phán và cần nghiên cứu giải pháp để xử lý, ngăn chặn.

Nghề giáo bây giờ có quá nghèo không? Nhà giáo bây giờ có quá nghiêm khắc với học trò như ngày xưa không? Câu trả lời là không. Vậy thì không thể lấy lý do vì khó khăn nên buộc phải dạy thêm tăng thu nhập; không thể nói do giáo viên quá khắt khe dẫn đến những vụ xúc phạm danh dự hoặc hành hung giáo viên. Phải chăng, căn bệnh hình thức tồn tại dai dẳng trong giáo dục; vấn nạn dạy thêm – học thêm, việc chạy trường - chạy điểm (dù chỉ là thiểu số trong ngành giáo dục)..., đã lần hồi gặm nhấm, làm ảnh hưởng tâm thế của người thầy, là căn nguyên, cội rễ của thực trạng trên?

Với ý nghĩa đó, cách đặt vấn đề của tổ công tác của Chính phủ với ngành giáo dục đã “bắt mạch” đúng bệnh rồi, vấn đề còn lại là ngành giáo dục phải tìm ra phương thuốc hữu hiệu để chữa trị.

Ở một vế của sự tương tác xung quanh chuyện học đường, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những phụ huynh thiếu chuẩn mực trong giao tiếp với thầy cô. Bản thân phụ huynh tự phụ, nuông chiều con cái vô lối, không cẩn trọng suy xét những phản ánh non nớt thiếu chính xác của con em mình đã dẫn đến cách ứng xử thiếu thiện chí, vô văn hóa, vi phạm pháp luật, làm vẩn đục môi trường học đường. Từ mục đích muốn bảo vệ con em mình, chính họ lại đẩy trẻ em trở thành nạn nhân từ hành vi của họ. Trước những vụ việc này, ngành giáo dục, những nhà quản lý cơ sở giáo dục phải lên tiếng quyết liệt để bảo vệ giáo viên, xã hội cần lên án mạnh mẽ và tùy theo mức độ sai phạm, vụ việc phải được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Một khía cạnh khác liên quan đến truyền thông. Lên án những việc sai phạm xảy ra trong môi trường giáo dục là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là chịu khó tiếp cận học đường để nêu những tấm gương sáng, những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Tin chắc rằng, những vụ việc không hay xảy ra trong môi trường giáo dục thời gian vừa qua chỉ là những chấm đem li ti trên tờ giấy trắng tinh khôi. Nơi ấy, có biết bao nhiêu thầy cô giáo tận tâm tận lực, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn nhẫn nại vượt qua khó khăn, vất vả, nắm chặt tay nâng niu dìu dắt học trò nghèo, cô đơn, tàn tật..., giúp các em tiếp tục trụ vững trên con đường gian nan đi tìm con chữ.

Ngành nghề nào cũng có khó khăn thuận lợi, có lúc buồn lúc vui, có vinh dự tự hào thì cũng có lúc đắng cay buồn tủi, song có lẽ giọt nước mắt mặn chát hơn cả là giọt nước mắt của người thầy. Nghề dạy chữ - trồng người, như mỗi người chúng ta từng đi qua thơ dại đến lúc trưởng thành đều biết đấy thôi, đó là nghề thiêng liêng, cao quý nhưng cũng đầy ắp gian khó, rất cần được thấu hiểu và chia sẻ.

Học đường, bởi vậy không chỉ là câu chuyện của học sinh, mà là chuyện cả đời người của thầy cô, là mối quan tâm hàng ngày của tất cả chúng ta.

NGUYỄN ĐỨC NAM