Học Lịch sử - nhìn từ văn hóa đọc sách
(Cadn.com.vn) - So với thế hệ học sinh (HS) của thế kỷ XX trở về trước, phần lớn thế hệ HS đầu thế kỷ XXI không mấy mặn mà với văn hóa đọc sách. HS hôm nay thích nghe, thích nhìn, thích vào mạng internet hơn là thích chăm chú vào các trang sách bổ ích. Với các em, những trang sách không có hình ảnh như truyện tranh thật... khó nuốt. Chính việc thờ ơ với kho tàng tri thức của nhân loại này ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc học Sử của HS hôm nay.
Việc học môn Lịch sử, có thể nói, cũng giống như đọc một cuốn sách có nội dung hay nhưng hơi... khó đọc. Nếu không biết cách thẩm thấu, người đọc rất dễ bỏ qua một tác phẩm hay. Thông thường trong một tác phẩm, lối hành văn và cách dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn sẽ luôn có sức cuốn hút, lôi kéo độc giả.
Môn Lịch sử cũng vậy. Nếu việc dẫn dắt, nhập đề của giáo viên ấn tượng sẽ rất dễ khơi dậy niềm đam mê, sự thích thú của HS đối với môn này. Mặt khác, để HS có hứng thú với việc học môn Lịch sử, người viết sách giáo khoa cần phải làm sao giúp HS có ý nghĩ phải “đọc” trước khi “học thuộc bài”. Khi HS xem việc học Sử cũng giống như đọc một cuốn sách, việc học Sử sẽ trở nên dễ dàng hơn. Từ “đọc” để hiểu vấn đề sẽ giúp HS có cách học khoa học và tư duy logic hơn.
Cần phải để cho HS hiểu Lịch sử là môn học quan trọng gắn kết giữa lịch sử với nền văn hóa, chính trị, kinh tế của một đất nước, một triều đại; phải khơi dậy trong các em niềm đam mê học Sử, xem việc học Sử chính là cách để hướng tới chủ nghĩa yêu nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Môn Lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môn Lịch sử, nhất là Quốc Sử, càng cần coi trọng để chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân”...
![]() |
Phần lớn học sinh không có thói quen tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua sách. |
Lâu nay, trong quan niệm của HS, Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng. Vì thế, chỉ cần quên một chiến dịch, quên một chi tiết nào đó..., các em không làm tiếp bài được. Với cách học tủ, học vẹt, học thuộc lòng nên khi gặp phải câu hỏi mang tính tổng hợp hoặc liên hệ, hầu hết HS đều... “ngắc ngứ”.
Thực tế cho thấy, có nhiều HS thích xem phim dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng lại không mấy thích học Sử nước nhà. Câu hỏi đặt ra là làm sao để HS thích học Lịch sử như xem phim dã sử vậy. Điều này đòi hỏi phải có sự đột phá, đổi mới về tư duy, về cách nhìn trong viết sách. Bên cạnh đó, các loại sách liên quan đến bộ môn Lịch sử cũng cần phải phong phú và chất lượng. Trên thị trường sách hiện nay, nguồn sách về tư liệu lịch sử vẫn ở mức độ khá khiêm tốn.
Văn hóa đọc nếu được duy trì và trở thành một thói quen thường nhật trong mỗi HS sẽ có tác dụng tích cực đến việc đọc, học và hiểu môn Lịch sử. Từ hướng đi “đọc” sang “học” sẽ giúp HS có cách tư duy, suy luận, tổng hợp khoa học và logic hơn trong việc vận dụng các kiến thức vào môn Lịch sử.
* Cô Nguyễn Thị Thu Hà- Giáo viên Lịch sử Trường THCS Trưng Vương, Đà Nẵng: So với mặt bằng chung trong cả nước và của TP Đà Nẵng, tỷ lệ HS đạt loại yếu về môn Sử ở Trường THCS Trưng Vương không nhiều. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Song, trước thực trạng về việc dạy-học môn Lịch sử, bản thân tôi là giáo viên dạy Sử cảm thấy rất buồn. Theo tôi, để HS yêu thích môn Lịch sử, cần phải áp dụng kết hợp giữa phương pháp đổi mới giáo dục với phương pháp dạy truyền thống, chọn giải pháp giảng đến đâu, chốt vấn đề đến đó và hướng dẫn các em tự mở rộng kiến thức bằng cách đọc thêm sách giáo khoa cũng như các tư liệu khác, chắt lọc thông tin, sự kiện, vấn đề sao cho thật ngắn gọn, chính xác... Mặt khác, phụ huynh cũng như HS cần xác định rõ là học để lấy kiến thức chứ không phải lấy điểm. Có như vậy mới mong tình trạng học lệch, học tủ như hiện nay sẽ không còn xảy ra. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cần có một chế tài nào đó đối với môn học này. P.T (ghi) |
A. Hào