Học sinh Nghệ An háo hức học trực tuyến
Cũng như nhiều tỉnh thành khác, tại Nghệ An, nhiều trường học đã bắt đầu thực hiện các hình thức dạy học trực tuyến để duy trì nề nếp học tập trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiết học trực tuyến của Trường THPT Kim Liên, Nghệ An. |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường triển khai với nhiều hình thức khác nhau như qua ứng dụng facebook, zalo... Một số trường đã ghi lại các bài giảng và phát lại trên một số ứng dụng công nghệ thông tin. Từ ngày 15-3, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An tổ chức dạy học trực tuyến trên truyền hình. Bước đầu là triển khai ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Thời lượng mỗi buổi dạy học trên truyền hình dự kiến là 30 - 45 phút. Về lâu dài, chương trình dạy học trên truyền hình sẽ được triển khai sâu rộng đến tất cả các đối tượng học sinh và đó là mục tiêu xuyên suốt năm học mà Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình mong muốn”, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết.
Đầu tư kỹ về bài giảng và thiết bị kỹ thuật
Trường THPT Kim Liên (H. Nam Đàn) là cơ sở giáo dục đầu tiên của tỉnh Nghệ An tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trực tiếp một cách bài bản với sự hỗ trợ kỹ thuật của máy quay chuyên dụng. Giáo viên trong quá trình giảng dạy sử dụng micro nên việc thu âm khá rõ và học sinh dễ dàng tiếp thu gần như khi nghe giảng trên lớp.
Cô giáo Phạm Thị Hằng, giáo viên môn Ngữ Văn, đảm nhiệm những tiết dạy đầu tiên. Những tiết học này được kéo dài từ 45 phút lên 120 phút với bài học “Ôn tập kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi THPT quốc gia”. Trong toàn bộ các tiết dạy, việc tương tác của giáo viên và học trò khá thuận lợi. Cô Hằng cho biết: Để triển khai hiệu quả, tổ chuyên môn đã bàn bạc, thống nhất và lựa chọn những nội dung các em đã học để củng cố, bồi dưỡng thêm kiến thức giúp học sinh ôn tập tốt, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia. Khi soạn giáo án, giáo viên cũng trăn trở, làm sao để có một tiết học phù hợp với mọi đối tượng học sinh và các em phải dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Tại Trường THPT Lê Viết Thuật (thành phố Vinh), để dạy học trực tuyến, nhà trường đã phân công 4 tổ công tác chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch và thời gian biểu cho từng môn học với từng khối lớp. Đến giờ học của môn nào thì giáo viên bộ môn phụ trách sẽ đưa bài giảng kèm tài liệu và phiếu bài tập lên phần mềm trực tuyến và online để giải đáp những thắc mắc của học sinh. Học sinh ở nhà có thể vào học bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh đúng thời gian biểu. Thạc sĩ Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật, cho biết: Đến thời điểm này, tất cả các bộ môn của nhà trường đã hoàn thành nội dung ôn tập và tổ chức quay clip để đưa lên mạng cho các học sinh. Đây là một cách học rất hiệu quả trong tình hình hiện nay và học sinh lại rất hứng thú với cách học này.
Học sinh nói gì?
Để tham gia lớp học trực tuyến, học sinh chỉ cần một chiếc ipad và một phòng học kín là có thể học tập trung, theo dõi sát bài giảng của cô giáo. Em Nguyễn Thu Lam (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Kim Liên) cho rằng hiện nay trên mạng có khá nhiều kênh tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh nhưng nếu được thầy, cô giáo của mình trực tiếp dạy thì hiệu quả hơn và nội dung dạy cũng sát hơn.
Em Nguyễn Hữu Nhân (học sinh lớp 12C1) cho biết, trước đây đã từng xem các bài giảng trên mạng, trên Youtube nên khi nhà trường tổ chức dạy trực tuyến, em và nhiều bạn rất háo hức. Hữu Nhân nói rằng, nội dung giảng dạy của thầy cô dễ hiểu, nhiều kiến thức cũ và trọng tâm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. "So với các bài dạy trên mạng khác, bài giảng của trường có thể tương tác, nếu có vấn đề chưa hiểu em có thể bình luận để cô giáo giải thích, tạo hứng thú hơn trong quá trình học", Hữu Nhân cho biết. Nói về giờ học môn lịch sử, một em học sinh khác thích thú cho biết: “Mọi người vào học, cô giảng bài rất truyền cảm, dễ hiểu”.
BÍCH HUỆ