Học và làm theo Bác

Thứ năm, 25/02/2021 21:00

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", việc học và làm theo Bác ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016- 2020) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa rộng lớn, trở thành hành động thường xuyên, tự giác của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Nông dân Tây An (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) ra quân trồng hoa, làm đẹp cảnh quan thôn xóm.

Theo lão nông Lê Đức Tính (thôn Tây An, xã Hòa Châu), hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi nhớ trong ông về một thời thơ ấu. Đường đi học là những bờ ranh ruộng nhỏ xíu, trơn trượt nên té lên, té xuống, qua sông phải lụy đò. Giờ nhìn lại, lớp trẻ "sướng như tiên", đường đến trường không còn vất vả như trước nữa. Bởi vậy, vợ chồng ông luôn nhắc nhở con cháu phải học tập tốt, lao động tốt để trở thành người có ích cho xã hội... "Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người nông dân sáng tạo, cần cù và chắt chiu để rút dần khoảng cách vùng nông thôn với thành thị. "Ý Đảng, lòng dân" hòa quyện đã trở thành sức mạnh nội sinh để người dân năng động hơn, xây dựng cuộc sống phồn vinh hơn bằng chính đôi tay và nghị lực của mình. Vì lẽ đó, người dân nông thôn ngày càng yêu quý nơi họ sinh sống và chung tay vì sự phát triển bền vững của quê hương", ông Tính phấn khởi trải lòng.

Nếu như trước đây, các địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang còn thụ động, vai trò chủ thể của người dân còn khá mờ nhạt trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới thì đến nay, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Những gam màu sáng từ những con đường bê-tông trải dọc ngõ xóm, vươn ra những cánh đồng; mô hình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều và nhân rộng, tạo thêm nhiều nét tươi tắn, đầy sức sống ở vùng ngoại thành này. Các địa phương tiếp tục huy động nội lực trong nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hóa, mở rộng giao thông nông thôn, nội đồng... theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng lợi".

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, các cấp ủy Đảng, chính quyền còn xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập thông qua nhiều hình thức phù hợp. Việc thực hiện Chỉ thị 05 được gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" để tạo những chuyển biến tích cực lẫn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các hội đoàn thể và người dân nông thôn. "Thấm nhuần tấm gương về phong cách của Bác, nhiều cán bộ, đảng viên đã vận dụng sát thực với tình hình thực tế ở cơ sở,; qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân; trong đó, đặc biệt lưu ý đến vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ lời nói, đến việc làm và từng hành động cụ thể đều luôn thực hiện trước nên đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận để nhân dân hưởng ứng làm theo", Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên chia sẻ.

Thật vậy, "Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn" đã từ lâu không còn là một câu thơ, mà đó thật sự là mạch nguồn cảm xúc cho các tầng lớp nhân dân khi nghĩ về Người. Dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh, tâm hồn, niềm tin, tình yêu thương của toàn dân tộc dành cho Bác không những vẫn vẹn nguyên mà ngày càng đậm đà, sâu sắc hơn. Sự tôn kính ấy được cụ thể hóa qua những chương trình hành động, thiết thực nhất làm thăng hoa, lan tỏa khắp cả vùng nông thôn, miền núi H. Hòa Vang, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

VY HẬU