Hội An - hồn phố, hồn người
(Cadn.com.vn) - Hội An không chỉ có những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi hay con đường "Chùa Cầu mưa giăng ngập lối" mà còn có những công dân bình dị đã làm nên linh hồn một di sản độc đáo giữa lòng miền Trung.
Nghệ sĩ Thái Chi Hao. |
Hiếm có thành phố nào lại yên bình và gần gũi như Hội An. Ở đây, những nét quê xưa vẫn còn in bóng giữa những con phố ken dày hàng quán mang đậm phong cách phương Tây. Bên những nhà hàng hiện đại, ta vẫn bắt gặp những gánh chè bán rong hay ngửi được mùi rơm rạ của thửa đất ruộng mới cày. Hội An vừa có phố vừa có quê. Nhưng chính những con người mang tình yêu nồng nàn với dòng sông Hoài thơ mộng mới là linh hồn của phố cổ. Thả bước theo con đường phủ bóng trầm tích của người xưa, mưa bụi bay lất phất vẫn thoảng nghe tiếng đàn mandolin phát ra từ gác mái trên căn nhà số 78 đường Lê Lợi. Suốt mấy chục năm qua, du khách khi qua đây đều dừng lại để thoáng chút thưởng thức những bản nhạc cổ điển của ban nhạc "đầu bạc". Những khúc nhạc du dương như thổi hồn vào từng nếp nhà xưa. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ sĩ Thái Chi Hao vẫn chưa nguôi ngọn lửa đam mê. Ông chơi thành thạo tất cả nhạc cụ từ violon đến piano, mandolin hay guitar bass...
Dù khán phòng không lớn nhưng tình yêu âm nhạc đã đưa tiếng đàn của ông đến với du khách thập phương. Một vị khách du lịch phương Tây bỗng đứng ngây người vì bản nhạc cổ "Cánh bướm mùa xuân" (nhạc Pháp) vốn đã thất truyền. Không khí rét mướt của mùa đông như được "hâm nóng" bởi tiếng nhạc réo rắt, giục giã của bản hòa tấu: Bước chân giang hồ (nhạc Việt). Theo cụ Hao, đây là những bản trường ca bất hủ, trải qua bao biến thiên dâu bể, số người hòa tấu được bản nhạc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày trước, các ban nhạc thường biểu diễn ngoài đường, dọc theo bờ sông Hoài. Cứ mỗi buổi chiều, người dân, du khách lại kéo nhau đến xem các nghệ sĩ tấu nhạc. Phần thưởng cho họ cũng chỉ là những tràng pháo tay động viên. Người dân Hội An mê âm nhạc, xem đó như một "đặc sản" ăn sâu vào lòng người. Như tâm sự của cụ Hao, họ chỉ thích chơi nhạc giữa lòng phố cổ, lúc đó tiếng đàn, tiếng hát mới hay, mới có hồn.
Tiếng đàn của các cụ đã giữ lại hồn xưa của phố cổ. |
Hội An - xứ sở giao thoa của các nền văn hóa phương Đông - phương Tây hòa trong dòng chảy ngàn năm của nước Việt. Đến phố Hội, nhiều người cứ ngỡ đang lạc vào một hòn đảo nào đó của Hawaii, nơi dòng người Âu - Á chung sống trong một cộng đồng. Ngoài những du khách Châu Âu chọn nơi đây làm điểm dừng chân trong hành trình khám phá Á châu thì Hội An còn là nơi định cư của nhiều công dân "nhập tịch". Họ yêu phố cổ và gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai. Lẫn trong dòng người đang hối hả ngược xuôi đưa cá về cảng, chúng tôi gặp lại Etienne Bossot, một nhiếp ảnh gia người Pháp cũng là chàng "rể tây" của phố Hội. Etienne ghé thăm Hội An trong một chuyến du lịch rồi... yêu người, yêu đất.
Thế là, anh bén duyên với mảnh đất thân thương này. Etienne chia sẻ: "Con gái phố Hội mang nét đẹp dịu dàng, bẽn lẽn cùng nụ cười trìu mến khiến một người "ngoại lai" như anh bị hớp hồn". Dưới ống kính của Etienne, một quê hương Việt Nam tươi đẹp và giàu lòng mến khách được gửi đến bạn bè khắp năm châu. Phần lớn các bức ảnh của Etienne ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống bình dị của Hội An từ lúc bình minh đến khi hoàng hôn xuống. Anh chia sẻ, nếu như ở phương Tây, mỗi cá nhân đều có không gian riêng biệt thì ở đây, bạn dễ dàng kết thân với mọi người hơn. Đôi khi đó chỉ là nụ cười và được đáp lễ bằng một nụ cười. Cũng vì mê vẻ đẹp mộc mạc của Hội An, Etienne luôn cố gắng khắc tạc nó vào trong từng bức ảnh của mình.
Chiếc bánh mỳ độc đáo của madam Khanh được du khách rất thích thú. |
Với mỗi người, hồn phố lại mang một nét riêng, thấm sâu trong từng nếp nghĩ. Có khi đó là những bản nhạc nhiều vần điệu hay là những góc phố rêu phong trong từng góc ảnh. Có khi đó lại là một nét ẩm thực mang hương vị của quê nhà mà cứ hễ đi xa lại nhớ da diết. Một người bạn của tôi tự hào khi giới thiệu về quê hương Hội An của mình là "vùng đất của những món đặc sản" với món Cao Lầu có từ thế kỷ XVII hay món chè bắp đậm vị quê. Nhưng với nhiều du khách như chị Lisa (quốc tịch Úc) thì một chiếc bánh mỳ nhỏ do cụ bà gần 80 tuổi chế biến cũng là món ăn "độc nhất vô nhị". Hơn 30 năm kể từ ngày mở tiệm bánh mỳ nhỏ trên con phố Trần Cao Vân, bà Nguyễn Thị Lộc vẫn được mọi người gọi với cái tên thân mật - madam Khanh. Chiếc bánh mỳ do chính bà làm mang một hương vị riêng, khó xen lẫn với bất kỳ một nhãn hiệu bánh mỳ nổi tiếng nào trên thế giới.
Bà tâm sự rằng, nếu như các tiệm bánh khác đều chế biến đồ ăn theo kiểu "công nghiệp", nhanh và vội vàng thì quán của bà lại phục vụ một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Tất cả các nguyên liệu, hương vị đều do người Hội An tự làm nên. Quán nhỏ được bày biện đơn sơ nhưng khách ra vào tấp nập. Không ít người ngạc nhiên tự hỏi: tại sao chỉ một quán nhỏ bán bánh mỳ lại thu hút du khách đến vậy?. Nhưng rồi một lần ghé thăm họ lại tự rỉ tai nhau câu trả lời. Một du khách người Anh nói "đến quán của madam Khanh ấm lắm". Có lẽ vậy, cái ấm mà du khách này nói không phải chỉ ở chiếc bánh mỳ nóng hổi do bà Lộc tỉ mỉ làm nên từ hơn 15 nguyên liệu. Cái ấm đó toát ra từ nụ cười thân thiện, gần gũi. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được một phần hồn của Hội An qua từng câu chuyện của madam Khanh. Cũng bởi nét độc đáo đó mà trên trang web chuyên đánh giá chất lượng các dịch vụ du lịch Tripadvisor.com.vn, tiệm Madam Khanh - The Banh mi Queen luôn được xếp hạng cao với nhiều nhận xét tốt của du khách.
Phong Nguyên