Hội An- một thời "Văn hóa đọc"
(Cadn.com.vn) - Cách đây ít lâu, Báo Công an TP Đà Nẵng có bài viết thú vị về cô thủ thư Khiếu Thị Hoài, người khởi xướng chương trình "Không gian đọc Hội An", đang nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong thời đại số. Ấy thế, hẳn không phải ai cũng biết rằng, Hội An từng được biết đến là một nơi chuẩn mực của văn hóa đọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: "Văn hóa đọc là không đọc không chịu được". Người Hội An có thời thực sự "không đọc không chịu được", giờ đây, điều đó có thể xem như một di sản.
Một nhà sách ở Hội An. |
Nhà nào cũng có tủ sách
Văn hóa đọc ở Hội An từ thời xưa, từng là niềm tự hào của người dân phố Hội. Nhà Văn Nguyên Ngọc kể: "Ngày xưa nơi đây văn hóa đọc rất phát triển, hầu hết nhà nào cũng có tủ sách. Hội An cũng là nơi các sĩ tử khắp miền Trung vào cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tụ tập về " ăn chực nằm chờ" để đón những cuốn sách mới nhất được nhập về theo đường thủy ở thương cảng Hội An. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng đến đây và đã kết bạn với Châu Tường Anh, một người ham đọc sách ở Hội An, và còn tặng cuốn sách "Vang bóng một thời" với đề từ kính tặng "Tường Anh Châu công tử". Khi đó tôi đến nhà Tường Anh chơi, nhà ông có một tủ sách rất lớn, tôi rất mê đọc sách, sách khi xưa được làm từ giấy gió, in ra là hai trang dính vào nhau nhưng ông bắt tôi để hai tay lên bàn rồi dùng dao ngà lật từng trang sách quý cho tôi đọc và để vào tủ để ngắm, không cho sờ vào". Nhà văn còn kể thêm: "Vào những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi cũng với gia đình nhà văn Bùi Văn Nam Sơn đi tản cư đến tận 9 năm trời, đến khi về lại ngôi nhà thì cha ông ở nhà vẫn giữ nguyên vẹn tủ sách lại cho con cháu".
Theo ký ức của Nguyên Ngọc, trước đây trong khu vực phố cổ mọi con đường đều có rất nhiều hiệu sách lớn như đường Trần Phú có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Phía trên chùa Cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai có hiệu sách Đại Đồng. Đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu, đường Hùng Vương có hiệu sách Khai Trí. Rất nhiều tác phẩm hay của thế giới, cũng như sách được dịch từ tiếng Pháp được bán tại nơi đây. Người Hội An ngày đó đọc sách vì đam mê, đọc cho đã, nên mới có chuyện trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, hay chuyền tay nhau đọc một cuốn sách, một bộ sách. Hội An đã có một thời như thế, đọc cho đã, đọc cho thỏa cơn "thèm".
Di sản văn hóa đọc
Khi Hội An có bước chuyển mình trở thành một thành phố du lịch thì đến nay hầu hết các hiệu sách đã chuyển qua các ngành nghề khác phục vụ cho việc phát triển một thành phố du lịch. Bây giờ rất ít nhà có tủ sách, họ chỉ chưng đồ cổ hoặc những bình rượu quý, nếu có chưng sách thì vài cuốn sách du lịch. Dường như giờ đây quá bận với cuộc mưu sinh. Họ không còn có thời gian rảnh để kiếm cho mình một cuốn sách để đọc? Cũng đã có những nhà sách khá lớn bắt đầu mọc lại với nhiều đầu sách hay có giá trị, nhưng chỉ được một thời gian lại đóng cửa. Một số nhà sách trong phố cổ vẫn tồn tại như Phương Nam nhưng chủ yếu bán sách giải trí, tranh ảnh du lịch, nếu muốn tìm sách nghiên cứu hay văn học để đọc thật sự là rất khó khăn. Và những hiệu sách dọc đường còn tồn tại nhưng cũng rất ít bán sách, chủ yếu là sách giáo khoa và các hàng lưu niệm, dụng cụ học tập.
Đã từng có văn hóa đọc như thế nhưng ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các chương trình truyền hình, chỉ cần một máy điện thoại là có thể biết được mọi thứ trên đời mọi lúc mọi nơi. Liệu văn hóa đọc có bị chìm sâu dưới những thú chơi thời thượng? Gần đây, khi du khách đến khuôn viên Bảo tàng Di sản Hội An, có thể bắt gặp được hình ảnh một nhóm Không Gian Đọc rất nhỏ nhưng đang làm một việc rất ý nghĩa đó là "gieo mầm" lại văn hóa đọc xưa kia cho thế hệ trẻ. Ngoài những bạn trẻ, nhóm còn có những thành viên rất nổi tiếng, như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo... Nhóm tổ chức các hoạt động đọc sách, cho mượn sách miễn phí cho tất cả mọi người dân Hội An. Đặc biệt Nhóm đã thu hút được các em nhỏ đến đây vào chủ nhật hằng tuần. Và cũng nhờ thế mà góp phần thêm cho phụ huynh, nhà trường ý thức được việc cho trẻ em tiếp nhận tri thứ, cũng như tạo thói quen đọc sách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như thế nào là phù hợp nhất. Có lẽ, đã đến lúc nhìn nhận lại một giá trị văn hóa tốt đẹp đang dần bị lãng quên tại thành phố "Di sản văn hóa thế giới"; chí ít, nó cũng trở thành mối quan tâm của chính quyền thành phố, để dùng đến những tiềm lực lớn hơn nhằm phát triển văn hóa đọc, chứ không chỉ là những việc làm đầy tâm huyết nhưng vẫn đơn lẻ như nhóm Không Gian Đọc. Thi hào Maksim Gorky từng nói: "Sách vở biến chúng ta thành con người hạnh phúc", thiết tưởng đó cũng là gợi ý mà người Hội An cần suy nghĩ nghiêm túc trong tiến trình xây dựng một thành phố văn hóa thật sự bền vững.
Hương Nhị