Hội An xử lý hàng rong, buôn bán vỉa hè: Sắp xếp và duy trì những loại hàng rong phù hợp

Thứ năm, 14/09/2017 11:11

UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa  có thông báo về việc không tiếp nhận và xử lý đơn xin buôn bán hàng rong tại khu phố cổ. Điều này là một phần trong đề án "Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An". Khác với những địa phương khác, hàng rong tại phố cổ Hội An cũng là một phần nét đẹp của phố cổ, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Vì vậy việc sắp xếp lại hàng rong cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Hàng rong chèo kéo khách du lịch gây mất mỹ quan đô thị cổ (ảnh Lê Vấn)

Mất đi một phần nét đẹp phố cổ

Vừa qua, TP Hội An (Quảng Nam) triển khai đề án "Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ". Sau một thời gian tích cực ra quân, đến nay tình hình buôn bán hàng rong khu vực này tương đối ổn định. Trao đổi với một số du khách tham quan tại Hội An, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau trong đó đa phần bày tỏ sự tiếc nuối vì không thấy được những khoảnh khắc đời thường của Hội An. Chị Minh Anh đến từ Hà Nội cho biết: "Mấy ngày đến đây tôi thấy đội trật tự  làm việc rất nghiêm túc, cấm tuyệt đối những gánh hàng rong đến khu vực này. Tuy nhiên tôi nghĩ những gánh hàng rong với những sản phẩm đặc trưng của Hội An cũng là một phần hồn của phố cổ. Nhìn những đôi quang gánh nhịp nhàng giữa những căn nhà hàng trăm năm tuổi cũng hay lắm chứ. Từ nay du khách không  được trải nghiệm những khoảnh khắc ngồi bên vệ đường ăn uống hoặc nhìn những người bán thư pháp, tò he trên vỉa hè. Như thế cũng là một điều đáng tiếc". Còn ông Hà Thế Hồ (Đà Nẵng) cho rằng ông đồng tình việc TP kiên quyết ngăn chặn những người bán hàng rong bu bám nài nỉ, chèo kéo chào mời du khách, tuy nhiên cũng tiếc nuối vì phố cổ đã mất đi một phần đặc trưng. "Du khách thích đến Hội An vì nơi đây có thể được xem  là thiên đường mua sắm hàng lưu niệm.  Rất nhiều người ủng hộ, thích thú các mặt hàng lưu niệm hoặc ẩm thực đường phố hay đơn giản là chụp hình, quay phim, ghi lại những khoảnh khắc sinh sống, làm ăn rất đỗi đời thường của những người bán hàng rong trong phố. Thú thật từ ngày cấm hàng rong tôi thấy phố xá cứ thiếu thiếu điều gì đó"...

Sau một thời gian thực hiện việc cấm bán hàng rong trong khu phố cổ quang cảnh khu vực này đã yên ắng hơn tuy nhiên vẫn còn nhiều người cố tình bán trốn tránh lệnh cấm bởi đây là kế sinh nhai chính của họ. Đứng nép giữa con hẻm nhỏ giữa 2 căn nhà cổ, chị bán tàu phớ khẽ gọi tôi: "Em ơi ăn ủng hộ chị 1 ly đi". Vừa bán vừa canh chừng đội trật tự chị tàu phớ nhỏ nhẹ: "Mấy em thông cảm nghe, ghế của chị vừa bị thu hết rồi". Tôi hỏi sao thành phố đã bố trí chỗ bán cho hàng rong mà chị vẫn cứ bán ở đây, chị thú nhận: "Đã gọi là hàng rong thì phải bán rong chứ, phải đi mới có khách hàng chứ đâu phải khu ăn uống tập trung. Khu buôn bán mới cả mấy chục người cùng bán một mặt hàng nên khó bán lắm". Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã được bố trí vị trí bán hàng mới nhưng đa số những người bán rong lại không vào mà lén lút bán hoặc bán phía ngoài khu phố cổ nơi cũng tập trung khá đông khách du lịch.

Sau khi có lệnh cấm, nhiều gánh hàng rong đã chuyển sang bên ngoài khu phố cổ.

Chú trọng giải quyết sinh kế

Khi du lịch phát triển, hàng rong đã trở thành sinh kế cơ bản của nhiều gia đình không có mặt bằng kinh doanh trong khu phố cổ hoặc lao động lớn tuổi. Bên cạnh những ý kiến về việc cấm hàng rong trong phố cổ khi triển khai việc khảo sát, sắp xếp, quản lý hàng rong, TP cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý để vừa giải quyết tốt bài toán sinh kế cho người dân vừa có thể duy trì được các loại hàng rong truyền thống, phù hợp với văn hóa địa phương và đáp ứng nhu cầu, sở thích của du khách, tạo thêm sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết việc xây dựng đề án xuất phát từ thực trạng số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác và khu vực lân cận tăng nhanh. Trong đó nhiều loại hình không phù hợp với cảnh quan phố cổ đã gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh, xã hội và công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch. Đối với các hộ kinh doanh vỉa hè trong khu vực phố cổ sẽ được ưu tiên bố trí vào chợ đêm trên các tuyến đường chung quanh khu vực chợ Hội An. Đối với các hộ xin bố trí buôn bán mới tại khu phố cổ, không thuộc đối tượng bố trí UBND thành phố không tiếp nhận và giải quyết đơn. Theo khảo sát của tổ đề án, tại khu phố cổ hiện có tổng cộng 41 loại mặt hàng ăn uống như bánh da lợn, bánh chuối chiên, cà phê, ngũ cốc; 35 mặt hàng lưu niệm như nón lá, giày dép, tranh 3D, móc khóa, các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc. Chủ trương sắp xếp, bố trí lại hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè nhằm đảm bảo cảnh quan, môi trường và trật tự kinh doanh trong khu phố cổ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: "Quan điểm của thành phố là tái hiện lại hàng rong trong phố cổ, sắp xếp và chỉ duy trì những loại hàng rong phù hợp với văn hóa Hội An, với những địa điểm cụ thế. Người bán hàng phải tuân thủ đúng các quy định của địa phương như sử dụng công cụ đồ tre, đồ gỗ, ăn mặc trang phục truyền thống, không chèo kéo du khách".

Cùng với chiến dịch giành lại vỉa hè đang diễn ra trên cả nước thì việc TP Hội An vào cuộc cấm bán hàng rong trong phố cổ là một việc đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vì đặc thù nơi đây là đô thị cổ, cần lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian, thiết nghĩ trong thời gian đến Hội An cần có những biện pháp thiết thực để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn được những nét văn hóa là thương hiệu đặc trưng của nơi này.

ĐỒNG DAO