Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị
(Cadn.com.vn) - Chiều 20-5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức họp báo trong nước và quốc tế về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) phát biểu tại buổi họp báo. |
Chủ trì cuộc họp báo có các ông: Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử. Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Cục Cảnh sát giao thông, ngày 20-5. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp. Cuộc bầu cử gắn với các sự kiện quan trọng khác, đặc biệt là chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hà Nội, do vậy yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trật tự là nhiệm vụ nặng nề, cần tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của CSGT và các lực lượng cảnh sát khác để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra – Phó Thủ tướng nêu rõ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ CA nói chung và Cục CSGT nói riêng phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Cả nước có tổng số 91.476 tổ bầu cử, 69.265.810 cử tri. Hiện nay, các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri. Việc tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau ngày 2-5, nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp trong không khí dân chủ, cởi mở, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử; không có sự phân biệt, khoảng cách giữa những người có chức vụ, quyền hạn với những người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử. Ngoài tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên còn trình bày với cử tri về chương trình hành động và trực tiếp trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, địa phương mình ứng cử. Qua đợt vận động này, cử tri và nhân dân có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND. Thời gian vận động bầu cử sẽ kết thúc trước 7 giờ ngày 21-5.
Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiếp nhận nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn, thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đối với những trường hợp sau ngày 12-5 mà vẫn còn có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngừng giải quyết 10 ngày trước ngày bầu cử, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình bỏ phiếu bầu cử sớm, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bầu cử sớm. Tính đến ngày 20-5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắc Lắc tổ chức bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được ấn định. Công tác bầu cử đã được triển khai rất tốt, cử tri phấn khởi vui vẻ tham gia bầu cử.
Tại cuộc họp báo, các câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc cấp, đổi thẻ cử tri khi phát hiện sai sót, công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình tham gia bỏ phiếu lựa chọn đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương; các hành vi vi phạm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; công tác vận động bầu cử; giám sát thực hiện lời hứa của ứng cử viên khi trúng cử... đã được các vị chủ trì cuộc họp báo trả lời thấu đáo.
Bảo đảm quyền bầu cử cho người bị tạm giam, tạm giữ Trong đợt bầu cử lần này, theo thông tin của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cả nước có hơn 30.000 trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại nơi đang bị tạm giam, tạm giữ. Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết, công tác tổ chức bầu cử cho các trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam nhằm triển khai quy định mới của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015; thực hiện nghiêm túc chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước; tôn trọng, bảo vệ quyền được bầu cử và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giam, tạm giữ. Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng nhấn mạnh các đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam bầu cử, đồng thời đảm bảo an toàn giam giữ, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. |
Biên Thùy – TTXVN