Hồi ký Chu Dung Cơ - những điều chưa nói

Thứ hai, 26/09/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - “Tất cả những điều tôi muốn nói là: mọi điều tôi nói trong cuốn sách này đều là sự thật. Đó là nguyên tắc duy trì toàn bộ cuộc sống của tôi”, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã nói như vậy trong buổi giới thiệu cuốn hồi ký “Zhu Rongji meets the press” (Chu Dung Cơ gặp báo giới) ra mắt năm 2009. Nó ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Trung Quốc kể từ đó đến nay. Và mới đây, hôm 8-9, vị cựu Thủ tướng được mệnh danh là “ông vua kinh tế” của Trung Quốc tiếp tục gây thu hút dư luận trong và ngoài nước khi tiếp tục cho ra mắt cuốn hồi ký thứ hai “The Record of Zhu Rongji’s Talks” (Tạm dịch: Tiếng nói Chu Dung Cơ). Cuốn sách này cũng đang được độc giả đón nhận cuồng nhiệt. Tại nhiều nơi, rất nhiều người dân phải xếp hàng dài trước các cửa hàng sách, để chờ đến lượt mua.

Nói về những chiến công

Theo Tân Hoa Xã, cuốn sách mới của ông Chu Dung Cơ chứa đựng khoảng 348 bài phát biểu, bài báo, các hướng dẫn và tài liệu khác nhau liên quan đến thời kỳ 1991-2003, khi ông Chu Dung Cơ đảm nhiệm ban đầu cương vị Phó Thủ tướng (1991-1998) và sau đó là Thủ tướng Trung Quốc (1998-2003).

Hầu hết các tài liệu đều được công bố lần đầu tiên. Trong đó, cựu Thủ tướng 83 tuổi này - nổi tiếng với lập trường cứng rắn và luôn say mê nhiệt huyết với công việc – đưa ra những hình ảnh về tiến trình cải cách kinh tế mà ông có liên quan trực tiếp. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông đã có công dẫn dắt Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á  1997-1998, đưa đất nước vào thời kỳ cải cách kinh tế sâu sắc. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á này cùng với chiến công đưa Trung Quốc nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng này chính là chủ đề nổi bật trong cuốn hồi ký lần này.

Trong đó, cựu thủ tướng thể hiện niềm tự hào về vai trò của mình, nhất là nỗ lực khiến nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tăng vọt của Trung Quốc. Ông cũng là người dẫn đầu đoàn Trung Quốc trong những cuộc đàm phán cam go đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chấm dứt 15 năm mòn mỏi lê gót theo WTO. Trong cuốn hồi ký, ông Chu Dung Cơ bày tỏ niềm tự hào về thành công lớn này.  Từ đó, cái tên Chu Dung Cơ được giới chuyên gia kinh tế nhắc đến như là một “Ông vua kinh tế” của Trung Quốc, để nhấn mạnh vai trò của ông trong sự hồi sinh nền kinh tế đất nước trong thời kỳ mở cửa.

Và đặc biệt là, cái tên Chu Dung Cơ luôn gắn liền với những chiến công chống tham nhũng. Người dân Trung Quốc cho rằng, ông Chu Dung Cơ là một “chiến sĩ” đấu tranh không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông nổi tiếng với câu nói: “Phải chuẩn bị 100 quan tài, trong đó 99 chiếc cho các quan chức tham nhũng và một dành cho chính bản thân mình”.

Một người dân Trung Quốc say sưa đọc cuốn hồi ký của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ mới ra mắt hồi đầu tháng này. Ảnh: Chinadaily 

“Thâm cung bí sử”

Ông Chu Dung Cơ cũng được cho như một nhà tiên tri về những hệ quả của việc phát triển quá nhanh của hệ thống đường sắt cao tốc. Sau vụ tai nạn tàu cao tốc nghiêm trọng gần đây ở Trung Quốc, chắc chắn thái độ thận trọng đối với việc phát triển tàu cao tốc của ông Chu Dung Cơ sẽ được công luận hoan nghênh. “Tôi không muốn xây dựng dự án đường sắt Bắc Kinh-Thượng Hải. Chúng ta cần phải cung cấp trợ giúp cho những nhu cầu cấp bách hơn”, ông nói hồi năm 1995. Trong cuốn hồi ký, ông Chu cũng xác nhận mình đã chỉ trích Washington – nước đã cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ. “Một số người nói rằng chúng ta nên đánh giá đúng giá trị đồng NDT. Đừng nghe họ”, ông nói trong một bài phát biểu năm 2003 tại Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối.

Hồi tháng 4 vừa qua, trong một động thái hiếm có, ông Chu Dung Cơ đã chỉ trích “những sai lầm” chính sách của chính phủ Trung Quốc đương nhiệm, theo đó lần đầu tiên sau 8 năm nghỉ hưu, ông đã phá vỡ nguyên tắc “không màng chính sự” của mình. Trong đó, ông đề cập đến những vấn đề giáo dục; nhà đất với giá “trên trời”; vấn đề thuế cũng như quan hệ giữa chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương. Vì vậy, việc ông ra mắt cuốn hồi ký trong thời điểm này được cho là rất nhạy cảm bởi trong năm 2012, Trung Quốc sẽ thay đổi ban lãnh đạo với thế hệ các chính khách mới: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ mãn nhiệm. Theo giới chuyên gia, việc ông Chu Dung Cơ ra cuốn sách này là nhằm bày tỏ ý kiến về tình hình hiện nay ở trong nước, như một lời nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc về trách nhiệm đối với nước, với dân.

Trong khi đó, báo Asia Times cho rằng, những vấn đề thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt phức tạp hơn nhiều so với đầu những năm 2000, khi ông Chu Dung Cơ còn đương nhiệm. Bởi Trung Quốc hiện nay đang lan tràn nạn tham nhũng khi các quan chức đua nhau bòn rút tài sản công tuồn ra nước ngoài; hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn,  vấn nạn an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…

Cuộc sống an nhàn

(Cadn.com.vn) - Ông Chu Dung Cơ từng là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa, và là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế.

Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc gia, sau đó được điều đến Thượng Hải làm Thị trưởng, rồi làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế năm 1991. Hành động đầu tiên trên cương vị này, ông Chu Dung Cơ đã ra tuyên bố cải cách hệ thống thuế khóa để chính quyền trung ương có nhiều tiền hơn. Sau nhiều tháng thương lượng và mặc cả căng thẳng với các tỉnh, thành phố quan trọng về kinh tế, cuối cùng phó Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng đã ban hành được Hệ thống phân chia thu nhập thuế khóa vào cuối năm 1993. Cải cách này đã mang lại cho chính phủ trung ương nguồn ngân sách dồi dào. Năm 1998, ông được Quốc hội đề cử vào chiếc ghế Thủ tướng. Năm 2003, ông về hưu và tuyên bố không bàn chuyện công tác và sống một cuộc sống an nhàn cùng vợ, bà Lao An. Những người quen biết gia đình cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đều nói, vợ chồng họ rất đẹp đôi và sống rất hạnh phúc.

Thanh Văn