Hội mang lại môi trường tốt cho doanh nghiệp
(Cadn.com.vn) - Đại hội Hội Doanh nghiệp (DN) Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) lần thứ 1 sẽ diễn ra vào hôm nay (20-9). Đây là 1 trong 3 Hội DN được UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thành lập trên địa bàn TP từ đầu năm 2014 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên |
Nhân dịp này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên, thành viên Ban vận động thành lập Hội, Giám đốc Cty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển chung quanh những định hướng quan trọng của tổ chức này.
P.V: Trong bối cảnh hoạt động sản xuất-kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ra đời Hội DN Q.Thanh Khê có ý nghĩa, vai trò như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Trước đây, các DN chưa chú trọng đến việc hợp tác và liên kết, các mối liên hệ giữa chính quyền, đoàn thể rời rạc, thiếu đối thoại và thông tin. Sau giai đoạn khủng hoảng, sự thay đổi mạnh mẽ về thị trường, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc hợp tác, liên kết trở thành chủ đề nóng luôn được nhắc đến những năm gần đây.
Việc triển khai và phản biện các chính sách để chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển là nhiệm vụ chính trị to lớn của xã hội trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc ra đời của Hội DN Q. Thanh Khê vừa tạo môi trường cho DN hợp tác và liên kết ở địa phương, vừa tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và mang tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, DN và chính quyền sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đối thoại, thông tin, xây dựng niềm tin và ban hành các chính sách đáp ứng thực tiễn của DN.
P.V: Những định hướng mà Hội DN Q.Thanh Khê đặt ra là gì và những giải pháp căn cơ để Hội hoạt động có hiệu quả?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Hội dự kiến có 5 định hướng lớn. Đó là, hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho hội viên trong và ngoài Hội quan hệ hợp tác kinh doanh, tăng cường hợp tác với các tổ chức, các hội trong thành phố.
Tham gia xây dựng chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Vận động hội viên xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa DN, xây dựng hình ảnh và bản sắc DN. Hỗ trợ Thanh niên học tập, lập nghiệp, DN chung tay vì cộng đồng.
Các giải pháp căn cơ mà Hội dự kiến thực hiện để hoạt động hiệu quả: Tạo môi trường cho hội viên tham gia Hội một cách thân thiện, đoàn kết và có lợi cho DN. Xây dựng niềm tin trong cộng đồng DN, từng bước tạo các kết nối hợp tác, gia tăng giá trị, cấu trúc lại doanh nghiệp thành công. Chọn nhân sự uy tín, có năng lực, hoạt động vì cộng đồng đóng vai trò liên kết chính cho hoạt động của hội, tạo nhiều mối liên kết để hoạt động hội bền vững.
Thường xuyên liên hệ, đối thoại với chính quyền để phản biện các chính sách, phản hồi các khó khăn của DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển kinh doanh ổn định. Tìm kiếm các giải pháp mới, các nguồn lực liên kết mới, nguồn nhân sự tốt, tri thức mới để giúp DN chuyển dịch theo hướng tăng năng suất, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập sâu của nền kinh tế.
Hoạt động tại một doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng ô-tô. |
P.V: Với sự ra đời của Hội DN, bà có kỳ vọng gì về một sự thay đổi cơ bản để cho các DN phát triển tốt hơn?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Vai trò của Hội rất quan trọng đối với cộng đồng DN, cũng như đối với quản lý của Nhà nước. Việc hình thành hiệp hội, hội tạo ra một trật tự phát triển kinh doanh, liên kết có hệ thống và bền vững. Vì vậy, sự ra đời của Hội chắc chắn sẽ giúp cho môi trường kinh doanh của DN ngày càng tốt hơn.
Một vài lợi ích cho DN trước mắt chúng ta có thể nhận thấy khi hội ra đời là sự gặp gỡ, đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và DN sẽ gia tăng niềm tin giữa chính quyền và DN, phản biện các chính sách quản lý Nhà nước để chính sách thực hiện hiệu quả hơn khi áp dụng thực tiễn.
Các DN sẽ tìm kiếm được sự hợp tác và kết nối trong cộng đồng nhằm giảm chi phí, gia tăng sự cạnh tranh, tạo ra các chuỗi liên kết bền vững và gia tăng giá trị. Các DN cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, thông tin và trí thức quản trị để cùng nâng cao nhận thức trong quản trị và điều hành DN của mình. DN cũng dễ dàng có điều kiện tiếp cận những chính sách lớn, nguồn lực mới để hoạch định và đưa DN của mình phát triển ở quy mô lớn hơn.
P.V: Việc ra đời của nhiều hội DN quận, huyện gần đây, theo bà có gây khó khăn cho hoạt động của các hội thành phố, cũng như khó khăn cho các DN khi phải tham gia nhiều hội?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Hiện tại, toàn TP Đà Nẵng có gần 14.000 DN, trong đó DN vừa và nhỏ và chủ yếu siêu nhỏ chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, các Hiệp hội và hội những năm qua vẫn chưa thu hút được nhiều DN tham gia. Việc DN tham gia các hiệp hội, hội là sự tự nguyện của DN, nên việc xuất hiện thêm các hội địa phương ở quận, huyện sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các DN ở quy mô nhỏ hơn tham gia.
Họ sẽ có cơ hội chung tay xây dựng môi trường kinh doanh ở cấp địa phương. Mỗi hiệp hội, hội thực hiện các chức năng riêng, đồng thời việc có nhiều hiệp hội, hội cũng buộc các tổ chức hội cũng phải luôn thay đổi và phát triển để đáp ứng yêu cầu DN. Bản thân các hiệp hội, hội cũng phải hợp tác và liên kết nhau. Trong môi trường có nhiều hiệp hội, hội sẽ tạo ra vô số các mối liên kết trong nền kinh tế, chắc chắn sẽ có nhiều sự hợp tác, gia tăng khả năng cạnh tranh và DN phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
P.V: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
Phương Kiếm
(thực hiện)