Nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021):

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng: 16 năm “Tự hào và trách nhiệm”

Thứ hai, 09/08/2021 17:12

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm và tặng quà cho NNCĐ da cam.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin - loại chất độc được xem là bậc nhất trong các chất độc. Thảm họa này đang từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua.

Chiến tranh đã qua đi, những mất mát theo năm tháng cũng vơi dần, nhưng có những vết thương vẫn còn hằn theo năm tháng. Thảm họa da cam vẫn là nỗi đau âm ỉ, đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam đã phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. TP Đà Nẵng qua điều tra khảo sát ban đầu có hơn 5.000 nạn nhân nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.400 trẻ em, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.476 người, con đẻ và cháu, chắt của họ là 815 người, công dân hưởng chế độ bảo trợ xã hội là 13.078 người... 

Các nạn nhân mang trong mình căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu. Họ đã và đang đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số đó, có nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò. Bản thân họ còn phải đeo theo gánh nặng là chăm sóc, nuôi dưỡng những người con, người cháu tật nguyền do hậu quả chất độc da cam để lại. Có lẽ, ít có quốc gia nào trên thế giới phải chịu hậu quả chiến tranh nghiệt ngã như Việt Nam, khi nạn nhân của chất độc da cam/Dioxin không chỉ là một thế hệ, mà tiếp nối nhiều thế hệ. 

Ông Tô Năm- Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin Đà Nẵng tặng quà cho NNCĐ da cam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chứng kiến những hoàn cảnh, những số phận kém may mắn đang phải từng ngày chống chọi nỗi đau để giành lại sự sống cho chính mình, những người làm công tác nhân đạo hôm nay không khỏi ngậm ngùi, đau xót, đồng cảm và nguyện sẵn sàng đồng hành cùng họ. Thời gian qua, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền về tác hại chất độc da cam, về hậu quả cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ, về những hoàn cảnh đau thương và ý chí, nghị lực sống của các nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng đã kêu gọi các cấp, các ngành phát huy vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền các ban, ngành đoàn thể các cấp và nhân dân chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau chất độc da cam. Nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa được triển khai hoạt động thường xuyên; tích cực hưởng ứng các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam.

Từ khi thành lập tháng 1-2005 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, Hội đã xây dựng 7 tổ chức quận, huyện Hội và 56 Chi hội xã, phưỡng, với hơn 3.000 hội viên, với 60 câu lạc bộ tình nguyện, với 175 tình nguyện viên. Nhiệm vụ của Hội là vận động quỹ chăm sóc, giúp đỡ NNCĐ da cam, với số tiền lên trên 135 tỷ đồng, Hội đã chăm sóc nuôi dưỡng thường xuyên cho 120 em nạn nhân tại Trung tâm, trực tiếp cùng các tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ đi thăm và tặng quà tập trung cho 75.000 lượt nạn nhân, khuyết tật, bất hạnh. Ngoài ra Hội chú trọng chăm sóc giúp đỡ bằng các hình thức khác như: hỗ trợ làm mới và nâng cấp 50 ngôi nhà tình thương; hỗ trợ tiền trợ dưỡng thường xuyên cho gần 1.200 nạn nhân; cấp phương tiện đi lại học tập; cấp học bổng vượt khó; trợ cấp khó khăn; tặng quà; hỗ trợ vốn sản xuất, sinh kế, cho các nạn nhân… Đã có nhiều tấm gương vươn lên bằng nghị lực, bằng niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống.

Từ những hoạt động đó, Thành hội Đà Nẵng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; Thủ tướng Chính Phủ tặng 2 Bằng khen và 2 Cờ Thi đua xuất sắc; Trung ương Hội tặng 3 Cờ Thi đua xuất sắc, nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương; UBND thành phố tặng 2 Cờ thi đua Xuất sắc và nhiều Bằng khen, UBMT thành phố, Ban Dân vận thành phố và các đơn vị liên quan đã khen tặng cho các tập thể và cá nhân thuộc Thành hội Đà Nẵng.

Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2021) là dịp để chúng ta khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, là dịp để các cấp Hội hôm nay ôn lại và khắc ghi những hy sinh mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, qua đó để mọi người nhận thức đúng nỗi đau của những NNCĐ da cam/dioxin, từ đó có những hành động nghĩa cử cao đẹp, với tình cảm và trách nhiệm, cùng với cơ quan, đơn vị, các cá nhân, tổ chức và nhân dân tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần, tiếp thêm nghị lực giúp họ vươn lên, góp phần xoa dịu những nỗi đau bệnh tật, quên đi những mất mát thiệt thòi, từng bước hòa nhập vào đời sống xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong mỗi người, trong cộng đồng.

TRÀ THANH LÀNH - 
PCT  Hội NNCĐ da cam/dioxin TP Đà Nẵng