Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43: Indonesia hối thúc giải quyết các thách thức chính trị và an ninh

Thứ ba, 05/09/2023 09:05
Ngày 4-9, trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 (APSC-27) đã diễn ra tại Jakarta nhằm xem xét các nội dung trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Cảnh sát Indonesia tại Lễ ra quân bảo đảm an ninh cho Hội nghị ngày 1-9. Ảnh AFP
Cảnh sát Indonesia tại Lễ ra quân bảo đảm an ninh cho Hội nghị ngày 1-9. Ảnh AFP

2.235 nhân viên cho an ninh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43

Giới chức Indonesia cho biết Cơ quan An ninh Trật tự Công cộng Jakarta (Satpol PP) đã chuẩn bị tối đa các giải pháp đảm bảo an toàn cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5 đến 7-9-2023.

Người đứng đầu Jakarta Satpol PP Arifin khẳng định: "Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho những khu vực khách sạn nơi các đại biểu lưu trú, những con đường họ đi qua và địa điểm họp của họ".

Jakarta Satpol PP sẽ triển khai 2.235 nhân viên để giúp đảm bảo sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu trong năm được diễn ra một cách suôn sẻ và thành công.

Theo ông Arifin, đại biểu các nước sẽ lưu trú tại 18 khách sạn xung quanh địa điểm diễn ra Hội nghị. Jakarta Satpol PP đã bố trí hơn 400 nhân viên túc trực thường xuyên tại các khách sạn này.

T.Đ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mohammad Mahfud Mahmodin nêu rõ ASEAN đang tiếp tục đối mặt với những bất ổn do các cuộc khủng hoảng liên tiếp, đặt ra thử thách đối với sức mạnh cộng đồng. Trong khu vực, tiến bộ không đáng kể ở Myanmar đã phần nào ảnh hưởng đến các thành tựu của ASEAN trong việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể APSC 2025. Trong khi đó, ở ngoài khu vực, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh ngày càng gia tăng, đẩy Đông Nam Á đứng trước nguy cơ đối mặt với xung đột mở. Bộ trưởng Mahfud lưu ý rằng những tác động nhân đạo và kinh tế - xã hội của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là lời cảnh báo đối với các nước ASEAN.

Theo Bộ trưởng Mahfud, ASEAN không được để tình trạng tương tự xảy ra với khu vực của mình và làm suy yếu những tiến bộ mà hiệp hội đã nỗ lực đạt được kể từ năm 1967. Ông đồng thời cảnh báo rằng nếu không hành động để giải quyết những vấn đề này, sự phù hợp của ASEAN có thể sẽ bị tổn hại. Với sứ mệnh hợp tác chính trị và an ninh trong ASEAN, Hội đồng APSC không được bỏ qua những thách thức trong khu vực.

Nhắc lại rằng, tại hội nghị cấp cao hồi tháng 5 vừa qua, ASEAN đã thông qua Tuyên bố về chống buôn người (TIP) do lạm dụng công nghệ gây ra, Bộ trưởng Mahfud nhấn mạnh đã đến lúc ASEAN thúc đẩy các cơ quan, các ngành liên quan thực hiện văn kiện này, cũng như đảm bảo ngăn chặn, truy tố thủ phạm và bảo vệ các nạn nhân.

Theo Bộ trưởng Mahfud, bên cạnh TIP, ASEAN cũng cần thúc đẩy các nỗ lực hợp tác xuyên biên giới mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác như rửa tiền, buôn bán ma túy và khủng bố.

Ông kêu gọi các nước thành viên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực trong quản lý biên giới, hỗ trợ pháp lý xuyên biên giới và trao đổi thông tin, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia hơn nữa vào việc phát triển Kế hoạch Tổng thể APSC mới.

Thông báo về những tiến bộ mà Nhóm đặc nhiệm cấp cao đã đạt được trong việc soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, Bộ trưởng Mahfud mong muốn rằng ASEAN đảm bảo rằng Tầm nhìn ASEAN 2045 của Cộng đồng ASEAN, các văn kiện và các chiến lược liên quan có thể giúp giải quyết các thách thức hiện tại cũng như tương lai.

Hữu Chiến