Hội nghị Chùa Hang năm ấy!

Thứ ba, 08/05/2018 12:10

Trong chuyến khảo sát thực địa những địa điểm được Tỉnh ủy Quảng Nam chọn nơi đứng chân trong kháng chiến, chúng tôi đến Chùa Hang (còn có tên Thạch Động tự)  trong núi Hòn Bà ở thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành, Quảng Nam. Tháng 3-1940, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, sau một thời gian tích cực tìm đường bắt nối, tháng 10-1940, Xứ  ủy Trung Kỳ liên lạc được với Tỉnh ủy Quảng Nam và tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Chùa Hang.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) trong chuyến thực địa.

Để chuẩn bị địa điểm tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, đồng chí Nguyễn Sắc Kim, Tỉnh ủy viên đến gặp đồng chí Nguyễn Tiến Chế (Nguyễn Giám), lúc này là Bí thư Chi bộ Tịch Tây (xã Tam Nghĩa) cùng một số đồng chí địa phương tìm địa điểm bảo đảm vật chất và bảo vệ hội nghị. Trong hồi ký của mình đồng chí Nguyễn Tiến Chế ghi: "Khoảng tháng 6-1940, đồng chí Kim (Nguyễn Sắc Kim) đến gặp tôi trao đổi tình hình, bàn công tác và báo cho tôi biết Tỉnh ủy Quảng Nam đã bắt được liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và tiếp nhận được chủ trương mới của Đảng. Vì vậy điều cấp bách của chúng ta lúc này là gấp rút chuẩn bị cho hội nghị quan trọng của Đảng có đại biểu cấp trên đến dự. Tôi nhận nhiệm vụ của đồng chí Kim giao đi tìm địa điểm, đi liên lạc tiếp tế và bảo vệ hội nghị".

Sau khi đi khảo sát tìm địa điểm, đồng chí Nguyễn Tiến Chế báo cáo rằng: Chùa Hang sẽ được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy đề nghị anh có ý kiến quyết định. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Chế: "đây là một hang đá sâu, ẩn mình dưới ngọn núi đá có tên là Hòn Bà, tục gọi là núi con Heo, diện tích không rộng lắm, xung quanh được bao phủ bởi nhiều lớp cây rừng, là địa bàn giáp gianh giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực này nằm xa dân cư, có nhiều thú dữ, quanh năm ít người lui tới. Vì thế nơi đây rất thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng, tránh được tai mắt và sự đánh phá của kẻ thù".

Sau khi nghe ý kiến trình bày của đồng chí Nguyễn Tiến Chế, đồng chí Nguyễn Sắc Kim quyết định chọn Chùa Hang làm địa điểm tổ chức Hội nghị. Đồng thời giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Tiến Chế làm nhiệm vụ liên lạc đón đại biểu từ các phủ, huyện về dự hội nghị. Thời gian hội nghị Chùa Hang diễn ra trong 2 ngày, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10-1940. Hội nghị bàn các biện pháp chuẩn bị điều kiện hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Hội nghị Chùa Hang có ý nghĩa như một cuộc Đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển hướng nhận thức quan trọng về đường lối giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chuẩn bị những điều kiện hướng tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Hội nghị Chùa Hang, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy, chúng bủa vây khắp vùng An Tân - Tam Kỳ truy lùng các đồng chí Tỉnh ủy và bắt các cơ sở liên quan đến tổ chức hội nghị Tỉnh ủy ở Chùa Hang. Cơ quan chỉ đạo của Tỉnh ủy chuyển ra An Thạch, Thăng Bình rồi lên vùng Ba Nghi - Lộc Đại, thuộc xã Quế Hiệp, H. Quế Sơn...

 Từ chân núi lên đến hang đá khoảng 3-5km, đoạn đường tuy ngắn, nhưng độ dốc tương đối lớn, phải mất hơn 30 phút chúng tôi mới có mặt tại Chùa Hang. Thật tình cờ, tại đây chúng tôi bắt gặp rất đông bà con đã lên đây từ sáng sớm. Sau khi trò chuyện, chúng tôi biết được, vào những ngày rằm, mồng một rất nhiều người dân ở Núi Thành, Tam Kỳ và tỉnh Quảng Ngãi giáp ranh lên đây lễ chùa, viếng hương. Theo lời một bà cụ, người Tam Xuân 2, thì "chùa này rất linh thiêng, hàng tháng cứ ngày rằm và mùng một rất đông một bà con ở các xã thuộc huyện Núi Thành, Tam Kỳ thậm chí là bà con ở tận Quảng Ngãi đều lên đây viếng hương. Mỗi lần như vậy bà không quên múc một ít nước đem về sinh hoạt". Phía trong Chùa Hang có một cái giếng nhỏ đường kính khoảng 50-60cm, độ sâu cũng độ 40-50cm, nước rất trong. Có lẽ có bàn tay của con người nên miệng giếng trông rất gọn gàng. "Một điều rất đặc biệt là nguồn nước không bao giờ cạn", bà cụ nói tiếp.

Chùa Hang cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Có thể thấy rằng, Chùa Hang có một vị trí vô cùng đắc địa để Tỉnh ủy lựa chọn làm chỗ đứng chân chỉ đạo cách mạng trong những năm trước Cách mạng tháng Tám. Ngày nay, Chùa Hang còn là điểm đến hết sức thú vị cho những ai muốn khám phá thiên nhiên hùng vĩ.

LÊ NĂNG ĐÔNG