Hội nghị Davos 2017: Cơ hội cho Trung Quốc?
(Cadn.com.vn) - Đây là lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017 tại Davos, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao kinh tế của Bắc Kinh.
Hôm nay (17-1), Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Davos 2017, trở thành người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đầu tiên tham dự diễn đàn kinh tế toàn cầu này.
Ông Tập Cận Bình đặt chân đến Thụy Sĩ hôm 15-1 trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Thụy Sĩ trong thế kỷ XXI và cũng là người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đầu tiên tham dự Hội nghị Davos. Nhà lãnh đạo Trung Quốc gây chú ý khi có bài phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thương mại tự do đang bị tấn công ở Mỹ và Châu Âu cũng như Nhà Trắng chuẩn bị đón tổng thống mới, bài phát biểu của Chủ tịch Tập tại Hội nghị Davos rất được quan tâm chú ý.
BBC dẫn lời ông Jiang Jianguo, người đứng đầu Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết, ông Tập sẽ đem đến hội nghị “các liệu pháp kiểu Trung Quốc giúp chữa trị các căn bệnh kinh tế của thế giới”. Nhưng câu hỏi được đặt ra là vì sao ông Tập quyết định đến Davos và tại sao lại là thời điểm này.
![]() |
Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đầu tiên |
Vì tự do thương mại?
Trung Quốc được hưởng lợi từ toàn cầu hóa nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Và khi Mỹ rút ra khỏi các hiệp định tự do thương mại, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tán dương giá trị và vị thế của Trung Quốc: đó là đối tác thương mại mới nhất và thân thiện nhất thế giới. Nhưng, vẫn luôn có những lời chỉ trích rằng, Trung Quốc chỉ mở cửa nền kinh tế đủ để đem lại lợi ích cho riêng họ.
Trung Quốc là lực lượng hòa bình?
Đó là một phần của chính sách ngoại giao phô trương trước tất cả mọi người của Trung Quốc nhằm thuyết phục thế giới rằng, sự trỗi dậy của họ là điều tốt cho tất cả mọi người. “Ông Tập Cận Bình có thể sẽ ve vãn thế giới về một hình ảnh mới của Trung Quốc với toàn thế giới, đó là “một người bạn của tất cả mọi người”, Giáo sư Kerry Brown tại Đại học Hoàng gia London nhận định. Nhưng điều này sẽ khó thuyết phục, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ những mối lo ngại dai dẳng về những hoạt động quân sự vô lý ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông.
“Cơ hội vàng”?
Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra chỉ 3 ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ. Giới quan sát nhận định, trong khi Mỹ đang tự hạ thấp vị thế và hình ảnh của mình trong con mắt của toàn thế giới vì cuộc bầu cử đã đưa ông Trump lên nắm quyền, đây rõ ràng là cơ hội cho Trung Quốc. Còn cách nào tốt hơn để nâng cao vị thế của Trung Quốc tại một thời điểm khi niềm tin vào khả năng siêu cường của Mỹ trên thực tế đang bị nghi ngờ và sự bất mãn đối với hệ thống thị trường tự do - và bất bình đẳng do nó tạo ra - đang gia tăng.
Nhưng vẫn còn đó những khó khăn. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tận hưởng vị thế “ngôi sao” của Trung Quốc trên sân khấu Davos, chính nó cũng khó xóa đi những thách thức thực tế mà ông phải đối mặt ở trong nước. Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đồng nội tệ đang suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Khả Anh