Hội nghị G20 khai mạc ở Osaka
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hành động đẹp khi tỏ thái độ hòa giải với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị G20 lần này, bất chấp sự chia rẽ sâu sắc về thương mại và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20 diễn ra ở thành phố Osaka, Nhật Bản hôm 28-6. Ảnh: AFP |
Ngày 28-6, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã khai mạc tại Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của các lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo của 9 tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Theo VGP, phát biểu tại phiên họp của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các trung tâm nghiên cứu - phát triển trí tuệ nhân tạo.
Chia rẽ về nhiều vấn đề nóng
Dù khá gay gắt trước khi lên đường đến Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hành động đẹp khi tỏ thái độ hòa giải với các nhà lãnh đạo thế giới khi có mặt tại Hội nghị G20.
Nhưng bất chấp những lời lẽ nồng nhiệt nơi công cộng, hội nghị lần này có thể là một trong những hội nghị khó nhằn nhất trong nhiều năm, với những chia rẽ sâu sắc về thương mại, Iran và biến đổi khí hậu. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe hối thúc các lãnh đạo G20 đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhằm ủng hộ thương mại “tự do, công bằng và không phân biệt” trong khi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bối cảnh hiện tại của thương mại toàn cầu. Ông Abe còn cho biết, Tokyo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự cải thiện trong hệ thống thương mại đa phương và các cuộc đàm phán về những thỏa thuận hợp tác kinh tế. “Hôm nay, tôi muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo những biện pháp thúc đẩy đà hướng tới cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, nhà lãnh đạo này khẳng định.
Bàn đàm phán cũng tiếp tục căng thẳng quanh “bóng ma” Trung Đông. Trước khi tới Nhật Bản, Tổng thống Trump đã nói rằng, bất kỳ cuộc chiến nào với Iran cũng “sẽ không kéo dài”. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng không muốn bàn nhiều về vấn đề này tại bàn đàm phán G20 khi nói rằng “không cần phải vội vàng” để giải quyết cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự ở Vùng Vịnh.
Chờ đợi cuộc gặp Trump - Tập
Tuy nhiên, trọng tâm chú ý trong phiên họp đầu tiên này là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Cuộc gặp ở Osaka đánh dấu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan vào năm ngoái.
Sputniknews dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump thảo luận nhiều vấn đề nóng, từ sự ổn định chiến lược, Syria cho đến Ukraine. Theo ông Lavrov, Tổng thống Putin tái khẳng định sáng kiến ổn định chiến lược của Nga trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trump. Trong khi đó, trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov cho biết, tại cuộc hội đàm trên, Tổng thống Putin mời người đồng cấp Trump đến tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước phát xít Đức vào năm 2020, và nhà lãnh đạo Mỹ đã phản hồi tích cực.
Vào hôm nay (29-6), phần được mong chờ nhất của Hội nghị G20 là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài vốn gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế thế giới. Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng, ông mong đợi các cuộc đàm phán “có ích” và “một ngày rất thú vị”. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng, có rất ít cơ hội để cả hai đi đến một thỏa thuận đầy đủ ngay lập tức. Theo họ, hy vọng tốt nhất là có một thỏa thuận “đình chiến” nhằm tránh việc Washington áp đặt thuế mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, vốn có thể khiến thương chiến leo thang hơn nữa.
Nhưng theo tờ Wall Street Journal, ngay cả một thỏa thuận “đình chiến” cũng khó được đảm bảo. Theo tờ báo này, Bắc Kinh sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào trừ khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông Huawei.
KHẢ ANH