Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng: Lần đầu tiên từ bỏ tư duy làm kế hoạch ngắn hạn
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư toàn quốc. Hội nghị đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng như kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới, kế hoạch đầu tư công trung hạn, phổ biến Luật Đấu thầu, cách tính GDP mới...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
ĐỘT PHÁ ĐẦU TƯ CÔNG
Ngay trong phần đề dẫn Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH& ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, bối cảnh trong và ngoài nước đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam phải có những đổi mới mạnh mẽ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Một trong những đổi mới đó là thay đổi các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế giàu sức cạnh tranh hơn khi hội nhập kinh tế thế giới. Cụ thể hơn nữa là phải thay đổi tư duy làm kế hoạch, cần có chiến lược đầu tư trung hạn thay vì manh mún hằng năm như trước. Bộ trưởng Vinh nói, với Luật Đầu tư công mới được thông qua, khi áp dụng sẽ thay đổi rất nhiều cách làm kế hoạch, đầu tư so với trước. Cụ thể sẽ chuyển xây dựng kế hoạch hằng năm sang 5 năm, việc đầu tư công cũng phải gắn với kế hoạch này.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chỉ thị quan trọng về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 và lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020. Vấn đề còn lại là phải triển khai sâu rộng để các chỉ thị này có hiệu quả cao trong thực tiễn chứ không phải xây dựng kế hoạch 5 năm rồi để đó, hằng năm lại cứ xin vốn đầu tư không liên quan gì tới kế hoạch 5 năm. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ, việc phải chuyển sang dài hạn là tất yếu, thế giới người ta làm lâu rồi, Việt Nam mình từ lúc thành lập nước đến nay giờ mới làm, vì vậy sẽ có những bỡ ngỡ, cần phải quán triệt, tạo thống nhất mạnh mẽ trong triển khai. Chúng ta đã thấy rõ, một công trình phải mất 5 -10 năm nhưng lại bố trí vốn hằng năm, sau mỗi năm lại xin vốn rồi chờ có cân đối, bố trí được không, điều này khiến nhiều dự án chậm trễ, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả...
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, lâu nay chúng ta cứ phê duyệt dự án rồi mới đi chạy nguồn để triển khai. Số lượng dự án phê duyệt nhiều, dàn trải, nhưng cuối cùng không chạy được nguồn, nhiều dự án dở dang, nhiều dự án kéo dài tiến độ... Việc chuyển đầu tư công sang trung hạn gắn với kế hoạch phát triển KT-XH trung hạn là bước đột phá rất ý nghĩa. Với cách làm này, các ngành, địa phương biết trước được nguồn vốn mình được phê duyệt trong 5 năm tới bao nhiêu để từ đó chủ động cân nhắc lựa trọn những dự án nào cấp bách, quan trọng sẽ đầu tư triển khai dứt điểm.
PHÊ DUYỆT, THẨM ĐỊNH DỰ ÁN “CÓ VẤN ĐỀ”
Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chúng ta nói nhiều đến chuyện đầu tư công trung hạn, cái này thì tốt rồi, nhưng nên tính cụ thể xem nguồn nào để triển khai. Nếu cấp vốn từng năm đã khó, đã không cân đối nổi thì dài hơi hơn càng phải tính kỹ. Tôi cho rằng nguồn lực từ xã hội rất lớn cần phải được huy động vào đầu tư, nhưng muốn làm được thế thì cần thống nhất chính sách, phương thức và có cơ chế minh bạch. Hai vấn đề cần phải làm rõ sớm để tạo sức hút cho nguồn lực bên ngoài đầu tư phát triển kinh tế xã hội đó là chính sách đất đai và giá thuê đất. Rất nhiều dự án không làm được không phải vì thiếu vốn mà vì không thống nhất được vấn đề bồi thường, không có mặt bằng. Đây là nút thắt, không gỡ được thì rất khó thu hút đầu tư bên ngoài. Ông Lê Hoàng Quân- Chủ tịch UBND TPHCM Năm nay TP HCM được bố trí 39 ngàn tỷ đồng, riêng vấn đề đầu tư cơ bản và trả nợ đã gần 20 ngàn tỷ đồng, số còn lại rất nhiều việc phải chi, cân đối là rất khó. Tôi đơn cử dự án cao tốc từ TPHCM đi Vũng Tàu khoảng 350 triệu USD, nhưng chỉ riêng chuyện đền bù 4km đã hết 1.200 tỷ đồng. Xây đường cao tốc này lợi ích kinh tế biết bao nhiêu khi từ TPHCM xuống Vũng Tàu rút ngắn thời gian 30 phút. Muốn làm dự án thì TP phải hỗ trợ mặt bằng, nhưng chi phí quá lớn, chỉ một dự án, chỉ 4km thôi mà việc cân đối vốn đã rất khó. Ông Văn Hữu Chiến- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Mục tiêu đến năm 2020 thành nước công nghiệp, vậy kế hoạch cấp vốn trung hạn để đầu tư công có đảm bảo từ nay đến đó sẽ đạt mục tiêu công nghiệp hóa. Hiện các địa phương phát triển không đồng đều vì thế chiến lược đầu tư công để đảm bảo thực hiện công nghiệp hóa là chưa rõ ràng và khó thực hiện. Ông Nguyễn Công Nghiệp - Thứ trưởng Bộ Tài chính So với năm 2010 chúng ta đã tăng chi lên 79% với 234 ngàn tỷ đồng. Việc tăng chi do điều chỉnh tăng lương. Tính trung bình cứ tăng 100 ngàn đồng tiền lương thì ngân sách sẽ chi thêm khoảng 40 ngàn tỷ đồng/năm. Chính vì nguồn chi thường xuyên tăng dẫn đến chi cho đầu tư phát triển giảm đi. Trước đây chi đầu tư công của ta khoảng 30% ngân sách thì nay chỉ còn 17%. Dù biết rằng không chi cho đầu tư thì không có tăng trưởng, phát triển được, nhưng việc cân đối vốn là rất khó. Bội chi ngân sách trung bình 5 năm qua khoảng 5%. Trong đó chi trả nợ tăng nhanh. Năm 2013 phải kết hợp vay để trả nợ 40 ngàn tỷ đồng. Để có tiền chi cho đầu tư công thì phải giảm chi thường xuyên. Hiện bộ máy của ta quá cồng kềnh, dẫn đến chi thường xuyên lớn, trong khi nguồn thì khó, biên chế không giảm được, bài toán cải cách tiền lương cứ dẫm chân tại chỗ. Hải Quỳnh (ghi) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết khoảng 70% nguồn vốn đầu tư cơ bản trong ngành Công Thương được huy động ngoài xã hội. Hầu hết các dự án của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi đầu tư, triển khai dự án đều huy động nguồn vốn bên ngoài, chỉ có số ít được cân đối từ ngân sách Nhà nước. Dù các dự án nguồn vốn Nhà nước được phê duyệt ít, song theo Bộ trưởng Hoàng cơ chế quản lý, phê duyệt các dự án này “có vấn đề”. “Nếu không thay đổi mà cứ giữ cách phân bổ thế này chúng tôi không chủ động được, không tránh khỏi đầu tư dàn trải”- Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh. Với các dự án BOT, ngành Công Thương triển khai rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực điện. Theo Bộ trưởng Hoàng, với quy trình thẩm định như hiện nay tốn quá nhiều thời gian, ít nhất cũng phải 5 năm. Nhiều dự án có cả hội đồng thẩm định các Bộ rồi, đưa sang Bộ KH&ĐT lại thẩm định lại, lại bắt DN giải trình, lại đi từ đầu, quá tốn thời gian, phiền hà, cơ hội đầu tư có khi cũng đã mất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, lâu nay lúc nào chúng ta cũng nói đến đầu tư dàn trải mà không khắc phục được. Cuối mỗi năm, các bộ, ngành, địa phương lại kéo đến Bộ KH&ĐT xin vốn, rất phiền hà, tốn thời gian, chưa nói đến những chuyện khác. Vì vậy, việc chuyển sang đầu tư công trung hạn sẽ khắc phục những bất cập này. Vấn đề còn lại là nguồn lực nào để cấp vốn đầu tư trung hạn. Theo Thủ tướng đó là nguồn từ ngân sách, nguồn như trái phiếu Chính phủ và địa phương, nguồn vốn vay viện trợ, ưu đãi, đặc biệt là các nguồn lực huy động từ xã hội. Nếu không tính được nguồn thì không thể triển khai đầu tư trung hạn. Thủ tướng cũng chỉ rõ, đầu tư công của nước ta chiếm chưa tới 30% ngân sách, chủ yếu vẫn là huy động nguồn lực từ bên ngoài. Vậy thì phải cải cách cơ chế, chính sách để việc huy động nguồn lực bên ngoài được tốt hơn. Một dự án BOT như Bộ trưởng Hoàng nói mà kéo dài tới 5-7 năm, thời gian đó đất nước đã thay đổi nhiều, ta chỉ làm thủ tục mà chậm trễ thế thì làm sao công nghiệp hóa đất nước?
Thủ tướng cũng chỉ đạo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện chúng ta có 16 chương trình mục tiêu quốc gia là quá nhiều, dàn trải, vì thế Thủ tướng cho rằng phải rút xuống chỉ nên để 2 chương trình xóa đói giảm nghèo và nông thôn mới để tập trung nguồn lực đầu tư.
CÁCH TÍNH GDP CHẲNG GIỐNG AI
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cách tính tăng trưởng GDP của cả nước thì được các tổ chức quốc tế cho là chính xác tuy vậy còn cách tính của các địa phương thì quá cũ, kéo dài quá lâu, so với quốc tế chẳng giống ai. Vì cách tính này mà GDP của nhiều địa phương rất cao, khi cộng lại thì lớn hơn rất nhiều so với GDP thực tế của cả nước. Việc tính lại GDP của các địa phương một cách khoa học, chính xác cho hợp với thông lệ quốc tế, có thể thấp hơn so với cách tính lâu nay, nhưng các địa phương cũng phải chấp nhận, nhìn thẳng vào thực tế.
Liên quan tới việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, theo Thủ tướng việc triển khai lúc này là cần thiết để các cấp chuẩn bị trong các văn kiện, dự thảo, phục vụ Đại hội Đảng các cấp sắp tới. Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần này phải dựa vào một số căn cứ chủ yếu như cương lĩnh, chiến lược phát triển KT-XH 10 năm của Đại hội XI; các nghị quyết chuyên đề của Trung ương như Nghị quyết về kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH 5 năm qua. Việc đánh giá kết quả này phải thẳng thắn, khách quan, toàn diện, không tô hồng, không bôi đen để làm tiền đề xây dựng kế hoạch 5 năm tới sát với thực tiễn.
Ngoài ra Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải hết sức lưu ý công tác dự báo bối cảnh quốc tế để làm cơ sở đưa ra các chỉ tiêu, kế hoạch. Đặc biệt, việc lập kế hoạch phải bám sát các quan điểm đã nêu trong chiến lược phát triển KT-XH 10 năm tới đó là đổi mới toàn diện KT-CT để huy động mọi nguồn lực trong phát triển đất nước; phát triển bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; phải dựa vào nội lực là chủ yếu...
Hải Hậu
Ông Lê Hoàng Quân nói về việc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu TPHCM Trước thông tin Thanh tra Chính phủ vừa tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu TPHCM, chiều 7-8, bên lề Hội nghị ngành Kế hoạch đầu tư toàn quốc tại Đà Nẵng, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch TPHCM về vấn đề này. Ông Quân cho biết việc thanh tra này là bình thường theo luật định. Năm trước Ủy ban kiểm tra cũng giám sát trách nhiệm của Bí thư ban cán sự, năm nay giám sát trách nhiệm của người đứng đầu TP về thực hiện các luật khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng... Ông Quân cho rằng việc thanh tra này hôm trước làm việc nội bộ, có nguồn tin sáng hôm sau trên báo chí chắc do Thanh tra cung cấp. Người dân không hiểu rõ việc thanh tra này là theo quy định nên có thể hiểu lầm. Ông Quân cũng thẳng thắn cho rằng, là cán bộ mình làm việc không được thì cơ quan thanh tra giám sát, tốt thì phát huy, thiếu sót thì khắc phục.
Ông Lê Hoàng Quân cũng cho biết: Là người đứng đầu TP phải giải quyết nhiều việc liên quan đến KT-XH, QP-AN nên áp lực rất lớn. Mỗi ngày ông phải đọc rất nhiều đơn thư của người dân gửi đích danh, người dân cũng xin được gặp để giải quyết trực tiếp rất nhiều nhưng không thể giải quyết hết được, phải phân công theo từng cấp. Với những chuyện giải tỏa đền bù, giải quyết khiếu nại tố cáo không phải lúc nào cũng trúng hoàn toàn được theo nguyện vọng người dân vì nó còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách. Mặc dù mỗi cấp đều có quy định trách nhiệm cụ thể. Tuy vậy tôi là người đứng đầu TP thì phải chịu trách nhiệm chung. Thành Nam (ghi) |