Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020: Liên kết, hành động và phát triển

Thứ hai, 30/11/2020 08:45

Ngày 28-11, tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam), Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”. Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương; doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị là dịp để Việt Nam tiếp tục nỗ lực khai thác thị trường nội địa trước bối cảnh thị trường du lịch quốc tế toàn cầu đóng băng do ảnh hưởng của Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện Bộ VH-TT&DL và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì hội nghị.

Xây dựng Đề án về chuyển đổi số trong ngành du lịch

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trình bày báo cáo đánh giá tình hình du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Báo cáo nhấn mạnh kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015). Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch Việt Nam tổn thất nặng nề.

Từ tháng 3-2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa, khiến lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ ước đạt 3,7 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019); khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt (giảm 37,6%). Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10 - 15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 ngàn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển ngành du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. “Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải đánh giá, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo đó, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa, nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Để giải quyết khó khăn, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn dịch bệnh; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch. Chính phủ cần giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị.

Cần khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm

Tại hội nghị, nhiều ý kiến doanh nghiệp, địa phương đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau Covid-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến. Hội nghị còn đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu Covid-19.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các nhu cầu thiết yếu như: giảm giá điện, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT. Ngoài ra, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm. Chỉ đạo các bộ ngành xem xét cho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung. Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp cửa khẩu ĐăkTàOọc (H. Nam Giang, Quảng Nam) thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia...

Bên cạnh đó, đại diện từ UBND các địa phương như Quảng Ninh, TT-Huế và TPHCM giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hóa nguồn lực; liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch; ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hóa… nhằm nhanh chóng đưa ngành du lịch vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo và đưa ra thông điệp tại hội nghị.

Để người Việt trải nghiệm các dịch vụ cao cấp

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực mà ngành Du lịch cả nước đã gặt hái được trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù có những chuyển biến và kết quả tích cực, nhưng kinh tế du lịch quốc gia cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch cần tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: nâng cao chất lượng ở tất cả các phân khúc; cơ cấu lại thị trường khách; đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và thúc đẩy chuyển đổi số.

“Những năm qua chúng ta gần như mới chỉ chú ý số lượng khách quốc tế, khách trong nước hàng năm mà chưa chú ý đánh giá đúng về chất lượng khách. Vì vậy, du lịch hiện nay phải hướng đến chất lượng và tập trung ở tất cả phân khúc. Phải chủ động tái cơ cấu thị trường khách, tập trung hơn cho thị trường khách nội địa. Phải chú ý để người Việt trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà trước đây dành cho khách quốc tế. Cùng với đó, vấn đề an toàn du lịch phải được đặt lên trên hết. An toàn ở đây không chỉ an toàn về sức khỏe, an toàn không để dịch Covid-19 lây lan… mà an toàn nhiều vấn đề khác, phải hạn chế các rủi ro khi du khách đến”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có những tiến bộ trong thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên việc triển khai này vẫn còn chậm, thời gian tới phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, bởi du lịch là ngành có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh, hơn nữa đây là việc làm cần thiết. “Thực tế ở Việt Nam, đa phần dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đều do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển. Do đó, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cần tham gia tích cực các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành và toàn xã hội… Bởi, dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu thông tin điểm đến trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các doanh nghiệp du lịch lớn mà còn với các nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, các dịch vụ du lịch, từng sản phẩm”- Phó Thủ tướng đề nghị.

Về định hướng phát triển du lịch thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành du lịch cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là ngành du lịch cần hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ở tất cả các phân khúc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách du lịch. Nhiệm vụ thứ hai là cần tập trung cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đặc biệt, do bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng đến dòng khách du lịch quốc tế, nên du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường du lịch nội địa, làm điểm tựa cho phục hồi và phát triển “nền kinh tế xanh” bền vững trong giai đoạn tới. Cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của du khách Việt, trên cơ sở đó xây dựng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ khách nội địa. Nhiệm vụ thứ ba cần tiếp tục đặt tiêu chí du lịch an toàn lên hàng đầu. Nhiệm vụ cuối cùng là cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp những người làm du lịch cả nước cùng nắm chặt tay nhau để hành động vì sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam. “Muốn làm tốt các yêu cầu trên, quan trọng nhất là tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, mỗi người và toàn ngành du lịch phải cùng nắm tay nhau hành động để cùng vượt qua khó khăn, hướng đến sự phát triển mới”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát đi thông điệp.

BÃO BÌNH